ThienNhien.Net – Công tác kê khai ở địa phương cơ bản hoàn tất. Tháng 10 này sẽ giải ngân hỗ trợ ngư dân miền Trung bị thiệt hại sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.
“Công tác kê khai ở địa phương cơ bản hoàn tất, các tỉnh đã gửi định mức cho Bộ Tài chính. Bộ Nông nghiệp sẽ tập hợp, đề xuất gửi Bộ Tài chính chủ trì thẩm định trước khi Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho các tỉnh, tháng 10 sẽ giải ngân được. Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết sáng 28/9 về vấn đề giải ngân hỗ trợ ngư dân miền Trung.
Xin Thứ trưởng cho biết, khi nào ngư dân sẽ nhận được tiền hỗ trợ và cách thức hỗ trợ như thế nào?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn số 6851/BNN-TCTS và 7433/BNN-TCTS, trong đó đã có sự phân loại các nhóm đối tượng bị thiệt hại. Hướng dẫn, chỉ đạo qui trình tổ chức thực hiện phải dựa vào chính quyền, đoàn thể cơ sở cụ thể: Công tác kê khai, thống kê, đánh giá thiệt hại phải được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia trực tiếp của người dân, cộng đồng và chính quyền; khẩn trương, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, phạm vi, mức độ ảnh hưởng. Đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch
Hiện nay các địa phương triển khai quyết liệt, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự thủ tục, phương pháp, nguyên tắc công khai minh bạch từ cơ sở. Đến nay, công tác kê khai ở địa phương cơ bản hoàn tất, các tỉnh đã gửi định mức cho Bộ Tài chính, đã xin ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương và đã hoàn tất thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chung cho các tỉnh, sau đó các tỉnh triển khai áp giá, tổng hợp trình Chính phủ. Theo phân công, sau khi các tỉnh tổng hợp, đề xuất tổng mức bồi thường, hỗ trợ, Bộ Nông nghiệp sẽ tập hợp, đề xuất gửi Bộ Tài chính chủ trì thẩm định trước khi Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho các tỉnh tháng 10 sẽ giải ngân được.
Thưa Thứ trưởng, trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế thông báo hải sản tầng đáy và vùng dưới 20 hải lý trở vào chưa an toàn, Bộ NN&PTNT có những giải pháp nào để ngư dân không đánh bắt tại vùng biển chưa an toàn?
Ngày 29/8/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 7268/BNN-TCTS về việc hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, trong đó có việc khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển trừ 3 vùng biển mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chưa an toàn (các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương – Hà Tĩnh diện tích khoảng 300 km2, cửa Nhật Lệ – Quảng Bình diện tích khoảng 330 km2, hòn Sơn Chà – Thừa Thiên Huế diện tích 160 km2) và không sử dụng các ngư cụ khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào.
Theo quy định của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 về quản lý khai thác thủy sản thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm quản lý khai thác thủy sản ở vùng lộng và vùng biển ven bờ. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện.
Ngoài ra Bộ sẽ huy động lực lượng Kiểm ngư phối hợp với lực lượng thanh tra thủy sản, bộ đội biên phòng các địa phương để tăng cường kiểm soát khai thác thủy sản vùng biển từ 20 hải lý trở vào ở các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Thực tế hiện nay nguồn lợi hải sản tầng đáy chưa khôi phục được đáng kể, cùng với việc ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy, mặt khác, tăng cường lấy mẫu, giám sát hải sản khai thác khi tàu cập bến. Vì vậy, không có hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào, các hải sản khai thác về bến hiện nay đều là sản phẩm an toàn.
Với quy định chưa được đánh bắt trong vòng dưới 20 hải lý, thì nhiều ngư dân không đủ vốn để đóng tàu công suất lớn để ra khơi. Chính phủ sẽ hỗ trợ các đối tượng này như thế nào?
Đánh bắt bình thường kể cả trong khu vực 20 hải lý chỉ trừ nghề khai thác đáy và 03 vùng biển mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chưa an toàn Các chủ tàu cá có tàu không lắp máy hoặc lắp máy công suất dưới 90CV được vay vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Về hạn mức, lãi suất và thời hạn cho vay, ngư dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau: Vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất: 15 năm, Chủ tàu cá được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay. Được hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản và ngư cụ), nhưng không quá 02 tỷ đồng/tàu.