ThienNhien.Net – Theo ông Nguyễn Xuân Toản – bí thư xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thì hạn cuối để các chủ lò gạch trên địa bàn dừng sản xuất là ngày 1.9.2016. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, các lò gạch này vẫn ngang nhiên hoạt động gây ảnh hưởng không nhỏ của đến cuộc sống của người dân địa phương cũng như các địa bàn lân cận.
Theo chân ông Nguyễn Văn Tân (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), PV Báo Lao Động được dẫn dọc theo con đê sông Thái Bình bên địa phận tỉnh Bắc Ninh, để cảm nhận được phần nào nỗi khổ vì khói bụi.
Tại đây, có thể dễ dàng bắt gặp phía bên kia sông thuộc địa bàn huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là hàng loạt lò gạch khổng lồ đang ngày đêm nhả khói đen kịt, tỏa mùi khét nồng nặc ra ngoài môi trường. Không chỉ không khí ngột ngạt, khó thở ảnh hướng đến sức khỏe người dân mà theo phản ánh, khói lò gạch còn làm cho bà con nơi đây điêu đứng vì mùa màng thất thu, lúa táp lá, ngô trồng không có bắp.
Anh Tân bức xúc cho biết, trình trạng độc hại trên đã khiến không ít người người dân trong xã đã mắc những chứng bệnh về đường hô hấp, có các triệu chứng tức ngực, đâu đầu, suy hô hấp…
Còn Phó chủ nhiệm hợp tác xã thôn Quan Kênh (xã Trung Kênh), Bà Phạm Thị Đào chỉ tay về cánh đồng lúa đang thì con gái nói: “Cả cánh đồng lúa của 3 thôn trong xã chúng tôi năm nào cũng bị ảnh hưởng của khói lò bên Nam Sách. Trước đây chưa có lò gạch sản lượng phải được hơn 2 tạ/sào nhưng giờ chỉ được non nửa, ngô chúng tôi trồng giờ không ra bắp.
Người dân chúng tôi quanh năm chỉ trông vào mấy sào đất để trồng trọt nhưng giờ bỏ không, không làm được gì nhưng hàng năm vẫn phải đóng sản lượng. Khi dân chúng tôi phản ánh thì họ nói do lúa bị sâu bệnh nên không đền bù. Những cây ăn quả trong khu vực mỗi vụ ra hoa vào đúng dịp bên Nam Sach đốt lò thì không đậu quả nào.”
Bà Đào cũng bức xúc cho biết thêm, cuộc họp cử tri nào nhân dân trong xã cũng phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Để hiểu rõ hơn nguồn cơn sự việc chúng tôi có liên hệ với chủ tịch xã Trung Kênh, tuy nhiên theo vị chủ tịch này thì 6 lò gạch kể trên thuộc địa phận tỉnh Hải Dương nên rất khó giải quyết được.
Không dừng lại ở đây, PV sau đó đã liên lạc với bí thư xã Hiệp Cát, Nam Sách, Hải Dương (nơi có 6 lò gạch kể trên), ông Nguyễn Xuân Toản xác minh là có sự việc kể trên và cho biết hạn cuối để các chủ lò gạch trên địa bàn dừng sản xuất là 1.9.2016. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì các lò gạch không những không ngừng mà ngày đêm lại xả khói nhiều hơn ra ngoài môi trường.
Thiết nghĩ, chính quyền Hiệp Cát (huyện Nam Sách) cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần có những biện pháp giải quyết dứt điềm tình trạng trên để đảm bảo môi trường sống và không gian canh tác cho người dân.