ThienNhien.Net – Điện gió ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới do chí phí sản xuất đang giảm dần nhờ những cải tiến về công nghệ và các chính sách ưu đãi. Nghiên cứu mới đây do Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Hoa Kỳ) thực hiện công bố trên Tạp chí Nature Energy khẳng định giá thành điện gió sẽ còn tiếp tục giảm.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát 163 chuyên gia năng lượng hàng đầu thế giới và khẳng định giá thành điện gió sẽ tiếp tục giảm 24-30% so với giá thành điện gió năm 2014 vào năm 2030 và 35-41% vào năm 2050.
Theo nhóm nghiên cứu, turbin lớn và hoạt động hiệu quả hơn sẽ giúp giảm giá thành điện gió. Các turbin gió cao hơn với cánh quạt rộng hơn sẽ giúp khai thác sức gió tốt hơn, từ đó tạo ra nhiều năng lượng hơn.
Sản lượng điện gió toàn cầu đã tăng 4 lần trong giai đoạn từ 2006 đến 2015. Hơn 97% sản lượng điện gió hiện nay đều là từ các trạm điện gió trên đất liền, tuy nhiên sản lượng điện gió ngoài khơi cũng đang tăng lên, đặc biệt là ở châu Âu.
Năng lượng điện gió có thể trở thành nguồn năng lượng chính yếu trong tương lai hay không phụ thuộc rất lớn vào chi phí sản xuất điện gió. Vì vậy, các chuyên gia đã nghiên cứu dữ liệu về chi phí sản xuất điện gió trong quá khứ, tính toán xu hướng và dự báo cho tương lai.
Theo đó, các nhà nghiên cứu của Lawrence Berkeley đã thiết kế một bảng khảo sát chi tiết với các câu hỏi tập trung vào quá trình lắp đặt, vận hành của ba loại hình điện gió: điện gió trên bờ, điện gió cố định ngoài khơi đại dương và điện gió nổi ngoài khơi.
Kết quả cho thấy, hiện tại điện gió trên bờ rẻ hơn so với điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi sẽ giảm nhiều hơn so với chi phí sản xuất điện gió trên đất liền vào năm 2050 vì tới thời điểm đó công nghệ lắp đặt, xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi đã tương đối trưởng thành và chắc chắn sẽ có nhiều cải tiến.
Giá thành điện gió phụ thuộc rất nhiều vào loại hình lắp đặt trang trại gió. Tuy nhiên, đối với tất cả các loại hình điện gió, yếu tố quan trọng nhất là phải có tuabin lớn với cánh quạt rộng để khai thác tối đa năng lượng gió, giúp tăng sản lượng điện.