Những quả “bom nước” nghìn tỷ ở Quảng Nam

ThienNhien.Net – Hơn 1 triệu người dân Quảng Nam – Đà Nẵng bị ám ảnh bởi những hồ chứa thủy điện nằm trên đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn. Đó chẳng khác gì những “quả bom” nghìn tỷ treo lơ lửng trên đầu, khiến họ mất ăn mất ngủ mỗi khi mùa mưa lũ về.

Cách đây hơn 15 năm, Quảng Nam như một đại công trường xây dựng thủy điện. Thời đó, tỉnh này được ví như thủ phủ của các dự án nhà máy thủy điện trên đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn, với 62 dự án được phê duyệt, tổng công suất lên đến 1,6 triệu MW.

Trong đó, có 10 dự án thủy điện quy mô lớn như A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 2 và 4,… mà hồ chứa nước luôn là nỗi ám ảnh với người dân.

Thủy điện A Vương được đầu tư xây dựng đầu tiên tại Quảng Nam, với nguồn vốn hơn 3.800 tỷ đồng, khởi công 8/2003. Đến cuối năm 2008, công trình đưa vào phát điện 2 tổ máy với công suất suất 210 MW.
260916-bomnuoc

Thủy điện A Vương gây kinh hoàng cho người dân Đại Lộc trong trận lũ năm 2009
Thủy điện A Vương gây kinh hoàng cho người dân Đại Lộc trong trận lũ năm 2009

Người dân Đại Sơn, huyện Đại Lộc chắc chắn vẫn chưa quên trận lũ đá, gỗ lịch sử hồi năm 2009 đã làm 1 người chết và 6 nhà dân thôn Thác Cạn bị lũ đá do nước từ hồ chứa A Vương xả lũ tràn về, phá tan ngôi làng Thác cạn với 60 hộ dân.

Thủy điện Sông Tranh 2 gây ám ảnh bởi động đất dồn dập khiến người dân hoảng loạn.

Đặt tại địa bàn huyện Nam – Bắc Trà My, công trình này khởi công năm 2006 và bắt đầu phát điện ngày 19/12/2010 với vốn đầu tư 5.194 tỷ đồng, công suất 190 MW.

Hơn 740 triệu m3 nước từ hồ chứa Sông Tranh 2 đã được tích để phát điện. Tuy nhiên, công trình này cũng liên tục xảy ra sự cố: thân đập bị thấm nước, gây động đất kéo dài,… Hàng chục trận động đất lớn nhỏ xảy ra từ khi tích nước khiến người dân huyện Bắc Trà My mất ăn mất ngủ.

 Quả bom nước Sông Tranh 2 đã từng gây kinh hoàng cho người dân Trà My và hạ lưu sông Thu Bồn do động đất và xả lũ mỗi mùa mưa về.
Quả bom nước Sông Tranh 2 đã từng gây kinh hoàng cho người dân Trà My và hạ lưu sông Thu Bồn do động đất và xả lũ mỗi mùa mưa về.

Chỉ riêng năm 2016, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra 3 trận động đất lớn.

Tuy nhiên, những quả “bom nước” nghìn tỷ tiếp tục được xây dựng trên đầu nguồn. Sự cố bục cửa van dẫn dòng số 2 nhà máy thủy điện Sông Bung 2 vào chiều 13/9 lại một lần nữa cảnh báo những hiểm nguy treo trên đầu người dân Quảng Nam.

Hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 nằm tại địa bàn các xã sát biên giới Việt Lào của huyện Nam Giang, với dung tích hồ chứa hơn 90 triệu m3 nước và được đầu tư nguồn vốn hơn 5.329 tỷ đồng.

Công trình thủy điện này bộc lộ nhiều nguy cơ, thực tế đã gây ra sự cố vỡ van số 2 làm 2 người chết và xóa sổ làng Pà Oi xã La e, huyện Nam Giang, Quảng Nam.

Thủy điện Sông Bung 2 bị nổ van số 2 hầm dẫn dòng khiến 2 người chết và xóa sổ làng Pa oi, Nam Giang vào chiều 13/9 vừa qua.
Thủy điện Sông Bung 2 bị nổ van số 2 hầm dẫn dòng khiến 2 người chết và xóa sổ làng Pa oi, Nam Giang vào chiều 13/9 vừa qua.

Chưa kể, còn nhà máy thủy điện Sông Bung 4 nằm trên sông Bung nằm phía dưới thủy điện Sông Bung 2, huyện Nam Giang có công suất lắp máy 156 MW, tổng mức đầu tư hơn 4.932 tỷ sắp đi vào vận hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, trong số 10 thủy điện quy mô lớn nằm trên đầu nguồn Vu Gia – Thu Bồn, hiện có 3 công trình đã đưa vào vận hành, gồm: Sông Tranh 2 có hồ chứa gần 740 triệu m3 nước; A Vương với hồ chứa 343 triệu m3; ĐăMil 4 có hồ chứa 310 triệu m3 và đến bây giờ là Sông Bung 2, rồi Sông Bung 4 cũng sắp hoàn thành với hồ chứa gần 500 triệu m3.

Một cán bộ lãnh đạo ngành Công Thương cảnh báo, hầu hết các hồ chứa thủy điện có sức chứa hàng trăm triệu m3 nước treo trên đầu người dân Quảng Nam. Về lâu dài, trước diễn biến khí hậu ngày càng khó lường thì thủy điện trên đầu nguồn sẽ có nguy cơ gây ra thảm họa, nếu không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.