ThienNhien.Net – Theo đánh của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí đang là một vấn đề bức xúc đối với môi trường đô thị, công nghiệp và các làng nghề. Tại các khu công nghiệp, các trục đường giao thông lớn, môi trường không khí hiện đã bị ô nhiễm với các cấp độ khác nhau, nồng độ các chất ô nhiễm đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Trong khi đó, sự gia tăng dân số, gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông tại các thành phố, trong khi cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã làm cho tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày một trầm trọng hơn.
Ô nhiễm ở mức báo động
Tại hội thảo “Công bố kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, trong những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ô nhiễm môi trường không khí đã trở thành vấn đề “nóng”, ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững của Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương…
Trong bảng Chỉ số xếp hạng môi trường được công bố năm 2014, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, thuộc tốp 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Chất lượng không khí tại Việt Nam theo Bảng xếp hạng này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.
“Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, khi tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm trong thời gian dài sẽ gây nên nhiều bệnh tật về đường hô hấp của người lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, và là nguyên nhân làm chậm phát triển hệ thần kinh, trí não ở trẻ em,” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, cứ 100.000 dân thì có 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% số người bị viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Mỗi năm nước ta phải đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.
“Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung, nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân,” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân lưu ý.
Đơn cử như tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng không khí đô thị Bắc Ninh chưa có nhiều cải thiện. Nồng độ bụi cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất.
Theo kết quả quan trắc các điểm cạnh đường giao thông như tại các ngã tư của các huyện, thị thấn cho thấy: nồng độ bụi cao hơn Quy chuẩn Việt Nam từ 1,1 đến 1,3 lần. Tại các cụm công nghiệp, hầu hết đều cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 1,5 lần. Riêng tại các làng nghề, nồng độ bụi cao hơn 1,8 lần.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng đang ở mức cao, trong đó, ngành sản xuất có “tiền sử” thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại, quá trình tái chế và gia công gây phát sinh các khí độc như axit, kiềm, ôxít kim loại…
“Siết” quản lý chất lượng khí thải
Để tăng cường quản lý chất lượng không khí, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.”
Theo ông Nguyễn Trường Huynh, Phó Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm không khí và phế liệu – Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), Kế hoạch trên đặt mục tiệu phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học…
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM 2.5 (chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước và mật độ những hạt trôi nổi trong không khí) tại các đô thị đặc biệt và đô thị trực thuộc Trung ương; tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về phát thải nhà kính của Việt Nam.
Từ góc độ cơ quan được giao kiểm soát môi trường từ hoạt động giao thông vận tải, ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Giao thông sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng (dự kiến trình năm 2018).
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định sẽ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (dự kiến ban hành năm 2020); xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách quản lý, phát triển phương tiện giao thông cơ giới lắp động cơ điện…
Ghi nhận những ý kiến trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, với tư cách là cơ quan đầu mối, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp và hỗ trợ cho các cơ quan, bộ ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để công tác quản lý không khí hiệu quả, trong thời gian tới, bên cạnh việc sử dụng nguồn lực trong nước, Việt Nam cần sự hỗ trợ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Thông qua Hội thảo này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý chất lượng không khí; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kiểm soát ô nhiễm không khí và xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
“Hiện tại, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa bàn cần phải quan tâm kiểm soát trước, vì ô nhiễm không khí đã ở mức báo động rồi. Cùng với đó, trong năm 2016-2017, các địa phương cũng phải kiểm kê các nguồn phát thải không khí của nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất và phân bón – bởi đây là nguồn xả thải nghiêm trọng trong công nghiệp,” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.