ThienNhien.Net – Trước nguy cơ thủy điện có thể làm dậy sóng khu bảo tồn (KBT), không chỉ người dân, chính quyền địa phương mà cả ngành lâm nghiệp đều kiên quyết phản đối. Bởi lẽ, nếu nhà máy thủy điện này được xây dựng, KBT sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học gần như bị phá vỡ. Còn lãnh đạo UBND và HĐND tỉnh Sơn La thì sao?
Chủ trương… gây mất rừng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND và HĐND tỉnh Sơn La đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng thủy điện Xuân Nha với công suất 4MW trong KBT trên địa bàn xã Xuân Nha. Đây là công trình thủy điện nhỏ nằm trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ của Bộ Công thương.
Tại văn bản số 2339/HĐND ngày 29/3/2016 của HĐND tỉnh Sơn La về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thủy điện Xuân Nha, thì đất lâm nghiệp là 26,86ha, trong đó đất rừng đặc dụng 16,9ha, đất rừng phòng hộ 2,95ha, còn lại là đất rừng SX 7,01ha.
Đến ngày 9/8/2016, Cty Thăng Long đã có văn bản chấp thuận thực hiện trồng rừng thay thế bằng phương pháp nộp tiền gửi UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Sơn La, diện tích chỉ 8,61ha, dựa trên biên bản kiểm tra diện tích, hiện trạng rừng ngày 23/7/2016. Ngay sau đó, ngày 18/8/2016, Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La đã có tờ trình chấp thuận phương án nộp tiền của chủ đầu tư thủy điện với số tiền là hơn 551 triệu đồng, hạn cuối nộp vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng ngày 30/12/2016. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Ngọc Tân, Giám đốc KBT thiên nhiên Xuân Nha cho biết, dự án mới có nghị quyết của HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư chứ chúng tôi chưa có thông tin gì cả.
“Chúng tôi không mặn mà việc xây dựng thủy điện, theo luật từ 20ha diện tích rừng đặc dụng trở lên phải đưa ra Quốc hội rồi trình Chính phủ, công trình này dưới 20ha thì tỉnh phê duyệt. Chủ đầu tư nói mất 16,9ha mới chỉ là vùng lòng hồ, còn các công trình phụ trợ làm ở đâu, không mất rừng sao, nói là phát triển kinh tế xã hội, chứ theo tôi người dân mới khổ, chặn dòng lấy nước đâu vào ruộng, nói sau này ảnh hưởng thì đền bù bà con không đồng ý”.
Cũng theo ông Tân, khu vực xây dựng thủy điện nằm trong khu phục hồi sinh thái. Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đây là khu vực cần đầu tư cho người dân vùng đệm để giữ rừng. Trong khi, dự án thủy điện Xuân Nha sẽ xóa sổ nhiều hec-ta rừng… Như vậy, có thể khẳng định, việc xây dựng một thủy điện nhỏ trong KBT là một chủ trương không hợp lòng dân và sai quy định.
Không nên xây dựng
Chúng tôi đã dành nhiều thời gian thực địa khu vực được quy hoạch để xây dựng thủy điện Xuân Nha. Nếu như được xây dựng, thủy điện Xuân Nha sẽ nằm trọn trong vùng phục hồi sinh thái của KBT. Hiện tại, hai bên dòng suối Nậm Quanh, diện tích rừng đang phục hồi rất tốt. Một số cây gỗ lớn, quý hiếm như sến, chò chỉ… có nguy cơ bị chặt hạ để nhường chỗ cho đường ống dẫn nước và vùng ngập lòng hồ thủy điện.
Trao đổi với với PV, ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La, khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là không đồng ý xây dựng thủy điện ở đó. Trước đây, việc xây dựng thủy điện Trung Sơn đã làm ảnh hưởng đến KBT Xuân Nha. Đối với rừng tự nhiên nên giữ lại, rừng đang phục hồi tốt nên bảo vệ, không nên chuyển đổi”.
Ngoài ra, theo vị này, việc xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Nhìn lại, mới vài năm trước khi dự án thủy điện Trung Sơn trên sông Mã được triển khai, KBT Xuân Nha đã bị mất hàng trăm hec-ta đất rừng. Mặc dù nhà máy đặt tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa nhưng KBT vẫn có hơn 367ha rừng bị thu hồi. Dự án thủy điện Xuân Nha, dù diện tích đất rừng bị thu hồi ít hơn, song diện tích rừng đặc dụng lại chiếm đa số (16,9ha). Liệu một lần nữa, KBT Xuân Nha có tiếp tục bị xà xẻo trước sự bất lực của ngành lâm nghiệp.
Nói là vậy, nhưng ông Thuận lại thừa nhận, dù không đồng tình nhưng vẫn phải thực hiện theo quyết định của cấp trên. Đơn vị này sẽ có ý kiến để tham mưu cho Sở NN-PTNT, đồng thời bám sát việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Việc xây dựng thủy điện nếu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì cần phải trồng rừng thay thế. Hiện nay, tại KBT Xuân Nha có một dự án trồng rừng phục hồi sinh thái giai đoạn 2015 – 2020 với số tiền đầu tư là 10 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thuận, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần thành lập Hội đồng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cũng như Hội đồng đánh giá tác động môi trường. Chi cục Kiểm lâm sẽ là thành viên của các hội đồng này. Tuy nhiên, hiện chưa có hội đồng nào được thành lập.
“Việc đánh giá tác động môi trường trong thời gian tới sẽ đánh giá lại toàn bộ khu vực xây dựng thủy điện. Hiện nay, chủ đầu tư cho biết sẽ ảnh hưởng đến 16,9ha khu vực phục hồi sinh thái của KBT, còn các công trình phụ trợ cũng nằm trong KBT nhưng chưa thấy đề cập đến?”, ông Thuận đặt câu hỏi.
+ Trái ngược với Sơn La, tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét không cho phép đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 tại KBT Kon Chư Răng, huyện K’Bang của tỉnh này. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai khẳng định, việc xây dựng Thủy điện sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt, tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái và đời sống vùng hạ du.
+ Trong khi 100% người dân xã Xuân Nha và các vùng lân cận đều có điện lưới tới tận thôn, bản, nhiều người đặt câu hỏi, liệu dự án thủy điện này thực sự ra đời là vì phục vụ nhân dân? Thậm chí, nhiều người nghi ngờ, dự án chỉ là vỏ bọc cho những mục đích khác của nhà đầu tư… |