Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẵn sàng đi vào hiệu lực

ThienNhien.Net – Ngày 21/4, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, Tổng thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon đã chủ trì một sự kiện đặc biệt để đẩy nhanh tiến trình đưa vào hiệu lực Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

TTK LHQ Ban Ki-moon phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 20/9. Ảnh: AFP/TTXVN
TTK LHQ Ban Ki-moon phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 20/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại sự kiện, TTK Ban Ki-moon tuyên bố hiệp định Paris đã nhận được cam kết vượt ngưỡng tối thiểu cần thiết để có hiệu lực pháp lý vào năm 2016, sau khi nhận văn kiện phê chuẩn từ 31 quốc gia.

Trước ngày 21/4, có 29 quốc gia chịu trách nhiệm hơn 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu đã phê chuẩn Hiệp định Paris. Như vậy, tổng cộng 60 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định. Trong khi đó, điều kiện để hiệp định có hiệu lực là được sự phê chuẩn của 55 quốc gia chịu trách nhiệm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

TTK hoan nghênh hành động nhanh chóng của các chính phủ, khi chỉ 9 tháng kể từ khi hiệp định biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris, văn kiện này đã được nhiều quốc gia phê chuẩn. Điều này chứng tỏ các quốc gia ý thức rõ những hiểm họa mà biến đổi khí hậu đang gây ra cho ngôi nhà chung Trái Đất. Theo ông Ban Ki-moon, với cam kết mới này, các quốc gia có thể hạn chế những nguy cơ từ biến đổi khí hậu và xây dựng một thế giới hòa bình và đảm bảo sự thịnh vượng cho mọi người dân.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã nhận được cú huých quan trọng sau khi Trung Quốc và Mỹ – hai quốc gia phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới – hồi đầu tháng này trao cho LHQ văn kiện phê chuẩn hiệp định. Một động lực khác đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn là việc Liên minh châu Âu (EU), khối chiếm 10% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, ấn định ngày 9/10 sẽ bỏ phiếu về việc gia nhập hiệp định này, bất luận cá nhân các nước thành viên đã phê chuẩn hay chưa. EU đã cam kết tới năm 2030 sẽ cắt giảm 40% mức khí thải nhà kính của năm 1990, song 28 quốc gia thành viên của khối này vẫn chưa phê chuẩn các cam kết riêng rẽ của từng nước.

Nguồn: