ThienNhien.Net – Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xây dựng hồ sơ đề cử mở rộng không gian Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đến quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; thật sự đã mở ra cơ hội cho Cát Bà, để xứng đáng là nơi “rừng vàng, biển bạc” của Việt Nam.
Trong ý kiến chỉ đạo ngày 12/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan; thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản thế giới năm 1972.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hướng dẫn thành phố Hải Phòng trong việc xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan.
Theo đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, chỉ đạo này của Phó Thủ tướng xuất phát từ việc Tổ chức UNESCO đã yêu cầu phải nộp hồ sơ kết nối Cát Bà với Hạ Long thì họ mới chấp nhận hồ sơ xem xét việc công nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho Việt Nam – mà không xem xét riêng lẻ từng địa danh này. Bởi xét về mặt địa chất, địa mạo, Hạ Long và Cát Bà là một, đa dạng sinh học của hai địa điểm này là một và môi trường thì cũng có rất nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên, phần chứa đựng đa dạng sinh học ở Hạ Long không phong phú bằng Cát Bà, nhưng ngược lại, nếu thiếu Hạ Long thì Cát Bà lại không hoàn chỉnh. “Chính vì thế, UNESCO đã yêu cầu tính toàn vẹn của đa dạng sinh học và chỉ khi nào mở rộng không gian vịnh Hạ Long đến quần đảo Cát Bà thì đa dạng sinh học mới toàn vẹn”, đại diện này cho biết.
Cát Bà, còn gọi là đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất trên tổng số 1.969 đảo trên vịnh Hạ Long. Đảo thuộc phía nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Về mặt hành chính, quần đảo thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng; nhưng khoảng cách từ Cát Bà tới thành phố Hạ Long lại gần hơn tới thành phố Hải Phòng (đảo cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km và cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km).
Theo truyền thuyết địa phương thì tên Cát Bà còn được đọc tên Các Bà. Vì có một thời các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo lân cận. Đảo có tên là đảo Các Ông (Cát Ông). Như vậy, Cát Bà là đọc chệch của Các Bà.
Từ lâu, du khách trong và ngoài nước đã biết đến Cát Bà như một điểm du lịch lý tưởng của miền Bắc. Có lẽ Cát Bà hội tụ đầy đủ các đặc tính tạo nên mảnh đất du lịch lý tưởng: Cảnh quan thiên nhiên ưu đãi đến mức tuyệt vời với núi non trùng điệp, rừng sinh quyển vào loại hiếm của thế giới với những động vật nằm trong sách đỏ của thế giới (đặc biệt nhất là khỉ đầu đỏ, voọc), bãi biển hòa quyện với núi rừng. Bên cạnh đó, Cát Bà có địa hình khá hấp dẫn với những con đường được thiết kế ngoằn nghèo xuyên núi rừng rồi ra đến biển tạo cho du khách dòng cảm xúc đang được đi du lịch khi ngồi trên xe, liên tục được thấy những đổi thay, nhưng mới lạ của thiên nhiên Cát Bà.
Thường thì du khách đến với Cát Bà chủ yếu là đến thị trấn Cát Bà và tắm tại bãi tắm Cát Cò. Tuy nhiên, Cát Bà còn có rất nhiều điểm đến tuyệt vời mà không phải du khách nào cũng biết. Đó là rừng quốc gia Cát Bà với rừng Kim Giao, đỉnh núi Ngự Lâm, hang Quân Y, động Trung Trang… rồi làng đánh cá Việt Hải, làng nổi trên bến Bèo, hay vịnh Lan Hạ với làng chài Vạn Giá, hang sáng và hang tối, hang Tiên Ông, những dải san hô đầy màu sắc hiếm có. Đối với những ai thích du lịch khám phá thì Cát Bà là một điểm đến lý tưởng. Du khách có thể leo núi. bơi lặn biển, chèo thuyền kayak, đạp xe đường rừng, đi bộ đường rừng…
Không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, đảo Cát Bà còn là tấm thảm xanh khổng lồ chứa đựng nhiều bí ẩn, hấp dẫn; xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển thứ 3 Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế). Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động.
Với những giá trị lớn như vậy, việc công nhận Cát Bà – trong tổng thể với vịnh Hạ Long, là Di sản thiên nhiên thế giới là hoàn toàn hợp lý và hứa hẹn tạo ra cơ hội phát triển cho du lịch Cát Bà, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho việc phát triển bền vững của khu dự trữ sinh quyển này; bởi lẽ, để được UNESCO công nhận và để giữ vững được danh hiệu này, sẽ phải tuân theo những quy định rất khắt khe về bảo tồn các giá trị thiên nhiên.
Cát Bà đã có ba danh hiệu: Vườn quốc gia Cát Bà; Khu bảo tồn sinh quyển Cát Bà và Khu di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Cát Bà. Nếu lần này hồ sơ đề cử được công nhận, địa danh này sẽ có thêm danh hiệu đa dạng sinh học thế giới. |