ThienNhien.Net – Bên cạnh những thành quả mà hội nhập mang về thì Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, song “nhập siêu có phải là tác động lớn nhất hay không?” là câu hỏi đang được nhiều chuyên gia kinh tế trăn trở tìm lời giải đáp.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, nếu nhìn từ quá trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), điều dễ nhận thấy là kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, FDI vào Việt Nam tăng mạnh (đỉnh điểm là năm 2008 sau 1 năm gia nhập WTO với 70 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, thị trường xuất nhập khẩu đã được cân đối…).
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2006-2014 thì có khác, năm 2007 và 2008 Việt Nam nhập siêu khá lớn, năm 2008 lên tới 20 tỷ USD.
“Lúc đó, chúng ta rất lo lắng vì không biết lấy tiền đâu bù vào phần nhập khẩu, thậm chí có nhiều ý kiến còn đổ lỗi cho WTO. Thế nhưng nhìn suốt quá trình thì thấy nhập siêu giảm dần, có những năm như 2012, 2013, ta còn xuất siêu. Vì thế, nhập siêu không phải vấn đề quá lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Khanh khẳng định.
Củng cố thêm cho nhận định của mình, ông Khanh cho rằng về tổng thể, nhập siêu không phải vấn đề quá lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhưng trong từng trường hợp cụ thể cũng có thể khác. Trung Quốc là một ví dụ: Năm 2002, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này chỉ là 200 triệu USD nhưng năm 2012 đã lên tới 16 tỷ USD, còn hiện nay trung bình Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 30 tỷ USD. Tuy nhiên, bù lại chúng ta có thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ để có thể bù đắp lại phần thâm hụt cán cân với Trung Quốc.
Mặt khác, việc nắm bắt tận dụng cơ hội của doanh nghiệp còn rất hạn chế, cơ hội mà Chính phủ tạo lập nhưng doanh nghiệp chưa tận dụng được tối đa. Điển hình là việc ta chưa có thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế.
Vấn đề này cũng được ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế. Theo ông Khánh, khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa rõ ràng, tập quán làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tận dụng được hết các ưu đãi. Nhiều cơ chế dựa vào quan hệ nên có hợp đồng, trúng thầu công trình… khiến nhiều doanh nghiệp chưa thấy được sự cần thiết phải thay đổi.
“Doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta quen mua/bán tại cầu cảng, tức là khi mua thì người ta mang tới tận nơi, nên doanh nghiệp không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế, việc tìm kiếm hàng hóa tận nguồn…”, ông Khánh nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ví việc ký kết các FTA như “mở đại lộ thênh thang đi ra thế giới” nhưng có “đại lộ” rồi Việt Nam cần phải chuẩn bị “xe” như thế nào, “xăng dầu phải ngon lành” thế nào để đi trên con đường ấy.
Tham gia các FTA thế hệ mới ngoài việc thu hút đầu tư thì còn mang đến cho Việt Nam cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, chuyển đổi tăng trưởng…
Chỉ riêng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo ước tính của các tổ chức, thu nhập của Việt Nam trong năm 2025 sẽ cao hơn 13% và xuất khẩu sẽ tăng hơn 37%. Đây là những con số cho thấy Việt Nam được lợi rất nhiều.
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đây không phải là những con số vu vơ mà được tính toán dựa trên tính kinh tế định lượng song cũng không nên hoàn toàn đặt niềm tin vào những con số này mà chỉ coi đó là định hướng để phát triển.
Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 9 FTA đã ký và có hiệu lực, 1 FTA đã ký , 2 FTA đã kết thúc đàm phán cũng là 2 hiệp định được đánh giá là hiệp định thế hệ mới là FTA Việt Nam- EU, TPP và 4 FTA đang trong quá trình đàm phán.