ThienNhien.Net – Hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước giờ không còn là chuyện hiếm. Hầu hết nguyên nhân đều do các nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường nước. Vụ cá chết dọc theo ven biển 4 tỉnh miền Trung vừa qua do tác nhân xả thải của Formosa Hà Tĩnh là đỉnh điểm của ô nhiễm. Sự kiện này đã tạo ra một bước ngoặt trong nhận thức và hành động của cả xã hội. Đặc biệt là trách nhiệm của giới chức trong mối quan hệ giữa môi trường và phát triển.
Trong gần hai thập niên qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm từ 15 đến 17%, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển công nghiệp chính là ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã được xây dựng với công nghệ, thiết bị lạc hậu, phát sinh nhiều phế thải, đa phần không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải vẫn tồn tại và ngày càng trở nên đông đúc hơn.
Theo Bộ TN&MT, hàng năm có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên, hiện trong số 615 cụm công nghiệp, chỉ 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc tự xử lý nước thải. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men… Từ đầu năm 2016 tới nay, trên cả nước có nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Điển hình là vụ cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ở góc độ pháp luật, Việt Nam có khá đầy đủ các quy định để giảm thiểu các tác động về môi trường từ khu vực doanh nghiệp FDI. Mặc dù vậy, cơ quan này khẳng định, ngày càng nhiều dấu hiệu FDI trong các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào Việt Nam. Các ngành, lĩnh vực tập trung nhiều nhất là dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang – thép.
CIEM chỉ ra những số liệu đáng lo lắng: 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, 80% có công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao. Từ năm 2011-2015, CIEM nhận thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp này có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao.
Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có nhiều ưu thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển. Song, nguy cơ ô nhiễm biển, gây tác hại xấu tới sinh tồn của con người và hệ sinh thái cũng rất lớn nếu không giải quyết được bài toán cân bằng giữa phát triển và môi trường. Biển và vùng bờ là nơi giàu có và đa dạng các loại hình tài nguyên, chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nên có trên 50% số đô thị lớn, gần 60% dân số cả nước và phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng nuôi thủy sản, các hoạt động cảng biển – hàng hải và du lịch được tập trung ở đây.
Chưa kể, hàng trăm con sông từ nội địa chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp mà phần lớn chưa có hệ thống xử lý chất thải đủ tiêu chuẩn, mang theo vô số chất thải độc hại hàng ngày, hàng giờ đổ ra biển. Gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều tàu thuyền chở chất thải chưa xác định tính chất độc hại của các nhà máy, khu công nghiệp đổ ra các vùng biển ven bờ.
Sự cố Formosa Hà Tĩnh cho thấy rõ ràng có sự lúng túng, thiếu nhất quán và buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng đươc giao trách nhiệm giám sát, kiểm soát và đảm bảo môi trường trong suốt quy trình từ khi lập dự án, xây dựng đến khi vận hành dự án. Thế nhưng, sau khi đã làm rõ nguyên nhân, chỉ ra thủ phạm từ vụ Formosa Hà Tĩnh, hiện vẫn chưa có cơ quan, hay cán bộ công chức nào có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay được chỉ rõ là sự thiếu kỷ cương, kỷ luật trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường của chính cơ quan chức năng và cán bộ công chức có trách nhiệm.
Câu hỏi đặt ra là khi làm dự án, theo luật, các khu công nghiệp, các nhà máy đều phải có ĐMT với hàng loạt các giải pháp xử lý rất chi tiết, vậy tại sao vấn đề môi trường vẫn cứ nhức nhối, phức tạp? Có hay không chuyện “nén bạc đâm toạc tờ giấy”? Đồng thời, những vụ làm ô nhiễm môi trường đã được phát hiện, xử lý so với tình hình vi phạm thực tế còn quá ít ỏi, chưa tương xứng.
Bất cứ nhà đầu tư nào khi đặt vấn đề đầu tư cũng đều muốn được cấp phép nhanh nhất. Muốn vậy, họ sẽ chìa ra một chiếc bánh được phủ đầy mật, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhất, giải quyết nhiều việc làm với thu nhập cao, nộp ngân sách nhiều tiền…
Nếu là những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thì họ sẽ hứa hẹn xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.Họ còn “sáng tác” ra những bản báo cáo ĐTM rất hay, toàn lý thuyết suông. Thậm chí họ còn không ngần ngại hứa hẹn, cam kết giao cho Nhà nước cả gia sản nếu để xảy ra ô nhiễm.
Một chuyên gia đầu ngành có mặt trong nhiều hội đồng thẩm định ĐTM nói rằng ông gặp khá nhiều bản ĐTM chỉ làm chiếu lệ, đối phó. Đơn giản bởi đây tuy là một trong số các thủ tục bắt buộc phải có nhưng lại không hề quan trọng, thậm chí chẳng ai quan tâm. Các ĐTM này đều được phê duyệt và cất kỹ trong ngăn kéo. Sau khi phê duyệt cũng không có ai theo dõi, kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ cam kết ghi trong ĐTM hay không.
Điều đáng nói là hầu hết các vụ ô nhiễm môi trường từ lớn tới nhỏ trong nhiều năm qua đều do chính người dân và giới truyền thông phát hiện chứ không phải từ cơ quan chức năng. Ngay vụ Formosa Hà Tĩnh nghiêm trọng như vậy mà chỉ sau khi người dân và truyền thông lên tiếng, tố cáo thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Điều này cho thấy trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương, lĩnh vực bảo vệ môi trường đang có vấn đề không nhỏ.
Có một thực tế là trên thế giới ngày nay nhiều nước thu những khoản thuế, phí môi trường rất cao cùng những yêu cầu chất lượng rác thải, khí thải ngặt nghèo khiến cho những doanh nghiệp, ngành sản xuất thâm dụng tài nguyên đó không thể cạnh tranh và tồn tại được, buộc phải dịch chuyển sang các nước khác và rất có thể trong đó có Việt Nam. Họ có thể làm thế là bởi nhận được sự tiếp tay ngấm ngầm của một số cán bộ thoái hóa và những cán bộ hữu trách nhưng lại vô trách nhiệm vì lợi ích cá nhân. Luật về môi trường đã có, bộ máy thực thi công vụ cũng không thiếu, vấn đề còn lại là chúng ta cần có những cán bộ sạch, bộ máy sạch, để đảm bảo có môi trường sạch.