ThienNhien.Net – Mưa lũ do hoàn lưu bão số 4 gây ra làm 15 người chết và mất tích; hàng ngàn ngôi nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái, ngập; hơn 15.000 ha lúa, hoa màu bị ngập…
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổng hợp báo cáo nhanh của các địa phương (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Gia Lai) cho biết, thiệt hại ban đầu do bão số 4 gây ra tính đến 7h00 ngày 15/9 như sau: 5 người chết (Thanh Hóa: 2; Nghệ An: 1; Quảng Bình: 2); 10 người mất tích (Thanh Hóa: 5, Nghệ An: 3, Quảng Nam 2 – do sự cố hồ sông Bung 2); 26 người bị thương.
Về nhà ở, mưa bão làm sập đổ 90 nhà; 612 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.741 nhà bị ngập.
Về nông nghiệp, 11.655ha lúa và 3.406ha hoa màu bị ngập; 32ha cây trồng lâu năm và 654ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại; 1.105 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ.
Về chăn nuôi, 104 con gia súc, 6.008 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.133ha thủy sản bị thiệt hại, 13 tàu thuyền bị hư hỏng.
Về giao thông, 12,7km đường quốc lộ, 12,95km đường tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng; 19 cầu nhỏ bị hư hỏng, 3.184 m3 đất đá bị sạt lở và 25 công trình phụ trợ khác bị thiệt hại.
Về thủy lợi, 380m đê cấp IV trở xuống bị hư hỏng; 405m kênh mương bị sạt lở, vùi lấp; 1,3km bờ biển, bờ sông bị sạt lở.
Thông tin từ UBND huyện Như Xuân, Thanh Hóa ngày 14/9 cho biết, tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân có 2 người chết và 5 người mất tích do mưa lớn và sạt lở đất.Thông tin ban đầu cho biết, trong khi 10 người dân của xã Thanh Quân đang hái măng tại núi Khe Tằn thuộc địa bàn xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, thì bất ngờ xảy ra lũ lớn, gây sạt lở đất đá, vùi lấp và cuốn trôi 7 người trong đoàn, có 3 người may mắn thoát nạn về thông báo sự việc với chính quyền. Được biết, trong đêm ngày 13 và cả ngày 14/9, tại khu vực này có mưa to và rất to.
Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Như Xuân đã cử đoàn công tác khẩn trương phối hợp với chính quyền huyện Quỳ Châu (Nghệ An) thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Hiện tại đã xác định có 2 người chết, 5 người khác vẫn còn mất tích.
* Tối 14/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 3 người mất tích, một người chết và một người bị thương. Trong đó, người chết là bà Nguyễn Thị Tình, sinh 1969, trú tại xóm 2, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc trong lúc đi làm ruộng bị sét đánh chết.
Mưa lũ cũng làm cho tỉnh Nghệ An thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, hạ tầng… Thống kê của UBND tỉnh Nghệ An đến tối 14/9, có 4.835 ha lúa, 2.683 ha ngô và các loại hoa màu, 401 ha cây công nghiệp bị ngập, hư hỏng; 4.670 con gia cầm bị chết; 1.080 ha ao hồ bị ngập, 6 lồng cá bị cuốn trôi; 70 nhà bị sập, 392 nhà bị ngập, 307 nhà bị tốc mái.
Tại Nghệ An, đến tối 14/9, nhiều tuyến đường giao thông và khu vực dân cư đang bị chia cắt do lũ lụt ngập nước, sạt lở đất đá, không thể qua lại. Đường tỉnh 531B bị ách tắc tại Km2 + 300 và Km3 + 750 do bị ngập nước 0,4m; đường tỉnh 543B sạt lở ta luy dương trái tuyến tại Km 24 + 00 làm ách tắc toàn bộ mặt đường tại khu vực này; đường tỉnh 544 đang bị ách tắc tại Km 25 + 250…
Tỉnh Nghệ An đang yêu cầu các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối để người dân biết, nắm được diễn biến của mưa lũ; bố trí lực lượng, phương tiện tại những vị trí xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Đồng thời, các ngành, địa phương bố trí lực lượng canh gác để hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, nghiêm cấm người dân vớt củi trên sông, suối vì rất nguy hiểm. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết, gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi.
* Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa có công điện số 24 CĐ-TW đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các cấp chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh.
Tổ chức ngay phương án di dời dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
Kiểm tra bảo đảm an toàn công trình, nhất là các công trình đang thi công; các hồ chứa nước, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu.
Bố trí lực lượng canh gác để hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, đò dọc; nghiêm cấm người dân vớt củi trên sông, suối đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.