ThienNhien.Net – Quy hoạch điện phê duyệt ngày 18/3/2016, đến năm 2030, ĐBSCL có 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 18.270 MW, chiếm 32,38% tổng công suất điện than cả nước; gấp khoảng 40 lần miền Đông Nam bộ, lớn hơn cả vùng Đông Bắc bộ cộng với Đồng bằng sông Hồng. Bây giờ, khói bụi điện than đã gây ra nhiều tác hại và đang ngày một lan rộng.
Cuộc sống bị đảo lộn
Còn cách mấy cây số đã thấy khói đen cuồn cuộn ngược trời của Trung tâm Điện lực Duyên Hải, ở xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Trung tâm có 4 nhà máy, hiện chạy thương mại Nhà máy Duyên Hải 1, đang chạy thử Nhà máy Duyên Hải 3 và xây dựng Nhà máy Duyên Hải 3 mở rộng.
Nhà anh Trần Thanh Toán ở ấp Láng Cháo, xã Dân Thành cách cả trăm mét mà thấy nhà máy sừng sững trước mặt. Anh Toán cho biết: “Tiếng ồn kinh khủng lắm, không chịu nổi”. Vừa lúc, nhà máy điện phát ra tiếng rền rít ghê rợn như có máy bay rơi trên đầu. Tiếng rền rít bật qua bật lại giữa các bức tường của khu dân cư chật chội, át cả tiếng trò chuyện.
Xa nhà máy chừng cây số vẫn nghe tiếng rít chói tai mỗi khi chạy thử. Ông Lý Văn Ngoan, 55 tuổi, đứng giữa khu ruộng hoang kể: Nhà tôi có gần 1 ha đất, trước đây làm muối, nay bỏ hoang vì bụi khiếp quá, muối làm ra không ai mua. Bây giờ gia đình phải làm mướn sinh sống.
Ông Trương Văn Sung ở cách nhà máy hơn cây số cũng kêu: Từ ngày có nhà máy điện, làm muối bị bụi rơi xuống phải bán rẻ, nuôi tôm thì giống chết. Năm nay ao đang bỏ hoang. Trước đây, tôi làm muối còn làm thêm nước ót bán cho cơ sở sản xuất tôm giống được trăm triệu đồng mỗi năm, nay nước ót bụi bẩn bán không ai mua. Cuộc sống gia đình tôi đang bế tắc.
Theo Chủ tịch UBND xã Dân Thành Đào Văn Chính, xã đã di dời hơn 500 hộ dân để dành 553,33 ha đất cho Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Kinh tế của xã trước đây nuôi trồng thủy sản và làm muối là chính, nay chuyển sang thương mại-dịch vụ-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng. Trước mắt, dịch vụ phát triển với hàng nghìn phòng trọ cho công nhân xây dựng nhà máy thuê nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đặt ra rất bức xúc. Gồm ô nhiễm không khí, nguồn nước và cả tiếng ồn mỗi khi nhà máy chạy thử.
Người dân bất an
Đầu năm nay, cách Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải khoảng 4 cây số, diêm dân làm muối ở xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã bị thiệt hại lớn. Đó là 127 hộ làm muối ở ấp Cồn Cù và Đông Cao, có 183 ha muối bị khói bụi nhà máy bay đến làm cho đen, bán giá chỉ bằng một nửa so với bình thường.
Phó chủ tịch UBND xã Đông Hải – Lữ Minh Tâm cho biết, đầu tháng 3, tổ công tác liên ngành gồm đại diện Sở TNMT, NN&PTNT, Công thương, Công an và chính quyền các cấp đã xuống xã kiểm tra. Sau đó, tổ liên ngành “đề nghị Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người sản xuất muối” và “có biện pháp hạn chế thấp nhất việc phát thải gây ảnh hưởng đến các hộ dân sản xuất muối”. Đến nay, diêm dân chưa được hỗ trợ.
Một câu hỏi nhức nhối cũng chưa ai trả lời: khói bụi nhà máy điện bay bao xa? Trưởng ấp Cồn Cù, ông Nguyễn Hồng Quân, lo lắng khói bụi bay gần chục cây số, đe dọa diện tích rất lớn làm muối và thủy sản. Trong lúc, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà máy, khỏi bụi chỉ bay xa khoảng 2,5km(!)
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường của Sở TN&MT, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, việc giám sát hiện chỉ dựa vào số liệu quan trắc môi trường tự động khí thải do Nhà máy Nhiệt điện báo cáo định kỳ về Sở TN&MT mỗi tuần một lần. “Báo cáo bằng cách gửi email, chứ chưa có hệ thống tự động truyền số liệu quan trắc về cho cơ quan quản lý theo dõi, kiểm tra. Chúng tôi đã báo cáo Bộ TN&MT đề nghị hỗ trợ xây dựng hệ thống kết nối”, ông Tuấn nói.
Nhằm giám sát bảo vệ môi trường, giữa năm 2015, tỉnh Trà Vinh thành lập “tổ liên ngành nghiên cứu, đánh giá công tác bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải”. Tổ có 15 vị đại diện cho nhiều cơ quan thì trong đó, 14 vị ở tỉnh và huyện, tại xã Dân Thành chỉ có một Phó chủ tịch UBND. Các thành viên đều kiêm nhiệm và giám sát gián tiếp, mang tính hình thức.
GS. Nguyễn Ngọc Trân nêu bất ổn khác: tính không ổn định địa mạo vùng Duyên Hải, bờ biển luân phiên lúc bồi lúc lở. Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2011, sóng biển đã đánh vỡ đê bao bảo vệ nền nhà máy, đánh sụp một mảng nền ở sát biển và GS. Trân cho rằng, tương lai còn nghiêm trọng trong tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng. GS. nêu câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm về những tổn thất gây ra, cho dân, cho môi trường, và về việc sử dụng không hiệu quả ngân sách nhà nước khi “bật đèn xanh” cho việc triển khai dự án?”.
Cùng với đó, hàng năm, các nhà máy cũng sẽ thải ra hàng chục triệu tấn tro xỉ. Nên mỗi nhà máy có một bãi chứa tro xỉ rộng trên dưới 30 ha. Ủy viên Chuyên trách Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Hữu Hiệp cho rằng, nguy cơ của nhà máy điện than rất lớn ở nhiều phương diện, từ nhập khẩu than đến tro xỉ, từ khói bụi đến nguồn nước làm mát mà mỗi trung tâm sử dụng cả triệu khối một ngày rồi thải ra môi trường. Ông Hiệp cảnh báo: Cần tăng cường giám sát công tác xử lý xả thải, bởi nếu xảy ra sự cố với vựa lúa và thủy sản quốc gia thì hậu quả rất nghiêm trọng.