ThienNhien.Net – Quan tâm đến những thông tin xung quanh dự án xây dựng ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm, KTS Ngô Doãn Đức – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết về việc làm thế nào để hài hòa giữa phát triển và bảo tồn không gian văn hóa hồ Gươm.
PV: Thưa ông, Hà Nội đã thống nhất về mặt chủ trương phương án Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 thuộc dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Dưới góc độ một kiến trúc sư (KTS), ông đánh giá sao về phương án này?
KTS Ngô Doãn Đức: Phương án Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được công bố từ lâu. Tuy nhiên, địa điểm xây dựng lại nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn nên đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng xã hội.
Những phương án được đưa ra trước đó đều chưa nhận được sự đồng thuận và có nhiều ý kiến còn chưa tán đồng từ giới nghiên cứu, KTS với những phân tích hết sức cụ thể. Vừa qua, cũng có đề xuất dự kiến sẽ chọn đặt cổng nhà ga C9 ở khu vực sau đền Bà Kiệu, nhưng theo tôi đây cũng chỉ là một ý kiến và chúng ta cần phải có thêm nhiều phương án mới.
Tôi cho rằng khu vực đường Đinh Tiên Hoàng nên là điểm “tĩnh”. Tại khu vực này từ đường đến mặt hồ Hoàn Kiếm không nên xây dựng bất cứ một công trình nào. Ngoài ra, quanh khu vực hồ Gươm bên cạnh việc giữ cảnh quan chung là thảm cỏ, cây xanh, ghế ngồi… thì các công trình công cộng chỉ nên xây với Quy mô nhỏ sẽ tạo nên một không gian rất đẹp.
Tựu trung lại, cùng với những di tích lịch sử, văn hóa đã có sẵn thì quanh hồ Gươm hiện nay không nên xây thêm bất cứ một công trình mới nào. Thậm chí là cần mở rộng không gian để tạo ra những khoảng trống cho khu vực này.
Có nhiều ý kiến cho rằng vì không thể lựa chọn được vị trí nào phù hợp nữa, nên trong đề xuất thiết kế đành phải chọn vị trí ga ngầm C9 ở phía sau đền Bà Kiệu?
– Theo tôi khoảng trống đằng sau đền Bà Kiệu hiện nay là quá nhỏ, nếu giải phóng nên xây dựng đây thành vườn hoa. Bởi, chúng ta đang tiến hành thí điểm mở rộng không gian phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm nên rất cần những không gian rộng hơn. Còn vị trí đặt nhà ga C9, cá nhân tôi đã từng kiến nghị vị trí hợp lý nhất hiện nay là tại tòa nhà của Sở Điện lực. Theo tôi, TP Hà Nội nên mạnh dạn di dời địa điểm để đặt ga ngầm C9 tại vị trí này.
Trước đây, Sở Điện lực cũng “vin cớ” đây là địa điểm có dấu ấn lịch sử. Đây cũng là điều rất quý nhưng vì tương lai lớn chúng ta nên mạnh dạn thay đổi. Còn với những giá trị lịch sử riêng của tòa nhà chúng ta nên thu nhỏ thành những mô hình để lưu giữ. Sự hi sinh của cơ quan nhà nước ở đây không chỉ vì cộng đồng mà còn vì tương lại phát triển của Hà Nội.
Cùng với đó, việc di dời còn giải quyết được bài toán thiếu khoảng trống, quảng trưởng của hồ Gươm. Vì một công trình và không gian công cộng tôi nghĩ chúng ta cần phải làm hết sức quyết liệt và triệt để. Như đã thấy trong thời gian qua, việc xây dựng các công trình xung quanh hồ Gươm đã nảy sinh ra quá nhiều bất cập. Hồ Gươm hơn bao giờ hết cần được trả lại không gian vốn có với những vườn hoa, bãi cỏ rộng rãi.
Theo ông, ngoài tòa nhà của Sở Điện lực, còn vị trí nào thích hợp để đặt ga tàu điện ngầm nữa hay không?
– Ngoài vị trí nói trên, tôi cũng từng đề xuất dịch chuyển ga tàu điện ngầm lái về phía đường gần cầu Chương Dương. Trước đó, rất nhiều chuyên gia văn hóa cũng đã nhìn nhận đặt ga tàu điện ngầm ở đây sẽ ảnh hưởng tới huyết mạch. Nhưng đấy chỉ là vấn đề tâm linh, còn với những người làm dự án cần phải có những tham chiếu cụ thể.
Việc xây dựng ga tàu điện ngầm hoàn toàn chỉ trong lòng đất, nhưng nếu xây dựng tại khu vực hồ Gươm sẽ gián tiếp làm mật độ người dân tập trung tăng cao tại khu vực này. Tuy nhiên, không phủ nhận dự án này đã được các chuyên gia nước ngoài cũng như các KTS Việt Nam nghiên cứu trong nhiều năm với vô số những ý kiến tham vấn phản biện.
Đơn cử, đề xuất xây dựng đường tàu điện ngầm trong lòng phố cổ bị phản đối bởi nỗi lo sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thoát nước. Nhưng theo tôi cách giải quyết không khó trong vấn đề kỹ thuật.
Việc xây dựng ga lên, xuống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không gian đang ngày càng bị thu hẹp của hồ Gươm. Do đó, vấn đề ở đây cần phải giải quyết một cách hết sức tinh tế. Quan trọng hơn ở đây các cơ quan quản lý cần mạnh dạn và gương mẫu vì cộng đồng, cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử của hồ Gươm. Nếu chỉ có duy nhất đề xuất vị trí xây dựng ga ngầm C9 phía sau đền Bà Kiệu cũng không hay lắm.
Từng là một nhà quản lý Quy hoạch đô thị, theo ông chúng ta cần phải làm gì để hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn – cụ thể là trong trường hợp này?
– Việc phát triển ở bất cứ đất nước hay thành phố nào đương nhiên phải diễn ra. Nếu như chúng ta chỉ “khư khư” bảo tồn mà không có sự chắt lọc sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Ở đây, tôi xin nói về không gian quanh khu vực hồ Gươm. Lẽ ra phải bảo vệ không gian này. Nhưng rất tiếc trường hợp tòa nhà số 2 Lý Thái Tổ dù có ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, KTS nhưng công trình này vẫn được xây dựng lên.
Bảo tồn không gian chính là giúp hài hòa giữa sự phát triển và tồn tại của các các công trình cũ và mới. Nhưng nếu cứ làm mới, phủ nhận hết những cái cũ thì sẽ đánh mất những giá trị lịch sử vốn có. Cho nên, việc xây dựng các công trình đồ sộ, hiện đại xung quanh hồ Gươm trong thời gian qua nhận được quá nhiều sự quan tâm từ cộng đồng, âu cũng là điều dễ hiểu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị bao gồm:
Tuyến số 1: Ngọc Hồi-Yên Viên-Như Quỳnh, phục vụ các khu vực ngoại thành phía Đông Bắc và Nam Hà Nội đi qua trung tâm thành phố. Tuyến số 2: Nội Bài-trung tâm thành phố-Thượng Đình là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Kết nối với tuyến số 2 sẽ là tuyến đường sắt Hà Nội-Hà Đông, bắt đầu từ khu vực Cát Linh đến Ba La. Tuyến số 3: Nhổn-Ga Hà Nội-Hoàng Mai nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và khu vực phía Nam. Tuyến số 4: Đông Anh-Sài Đồng-Vĩnh Tuy-Thanh Xuân-Từ Liêm-Thượng Cát-Mê Linh gắn kết với các dự án phát triển đô thị. Tuyến số 5: Nam Hồ Tây-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc theo hành lang Láng-Hòa Lạc. Hiện tuyến số 2 nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ cộng đồng và các nhà nghiên cứu, bởi vị trí ga ngầm C9 sẽ được đặt sát Hồ Gươm. |