ThienNhien.Net – Cá chết bất thường, nhiều sự cố ô nhiễm ở các địa phương diễn ra. Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm cơ quan thu, chi thuế, phí môi trường.
Từ ngày 6-9/9, tại vùng biển xã Tĩnh Hải và Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra hiện tượng cá chết bất thường khiến người dân đặc biệt xôn xao. Bước đầu, kết luận của các cơ quan chức năng địa phương cho rằng: Cá chết là do hiện tượng tảo nở hoa gây nên… Cá chết không ăn được, cá đánh bắt ngoài khơi về, thương lái không dám thu mua, ngư dân đang lo ngại về một mùa buông chèo trong những tiếng thở dài…
Mặc dù ngư dân ở đây cho biết, họ không “bị đánh” các khoản thuế trực tiếp cho môi trường, tuy nhiên, phí môi trường gián tiếp từ việc tiêu thụ xăng dầu cho đánh bắt, sản xuất, vận chuyển cá thì không hề nhỏ.
Được biết, từ 2015-2016, trong mỗi lít xăng dầu mà người dân sử dụng đã “cõng” từ 3000-4000 đồng thuế phí bảo vệ môi trường. Cũng trong năm 2016, nguồn thu thuế, phí bảo vệ môi trường là 38.000 tỉ đồng, trong khi mức chi chỉ là 12.290 tỉ đồng….
Dù năm 2016 mới chỉ đi hết ¾ quãng đường nhưng đã có không ít vụ việc liên quan tới sự cố ô nhiễm môi trường như: Sự cố vỡ hồ chứa bùn thải của nhà máy chì, kẽm của công ty TNHH CKC ở Cao Bằng; các sự cố cá chết tại một số tỉnh như Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Nội; ô nhiễm tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận; Công ty TNHH Nhà nước MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ xả thải gây ô nhiễm; nước mưa chảy tràn của Nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú gây ô nhiễm môi trường tại Hòa Bình,… Đặc biệt phải kể đến sự cố xả thải Formosa làm chết cá hàng loạt dọc ven biển miền Trung… cho đến giờ vẫn chưa đến hồi kết. Câu chuyện về ô nhiễm môi trường vẫn là một câu chuyện dài.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Ủy viên BCH Trung ương Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chia sẻ, hiện nay lượng chi cho môi trường chưa thực sự được đảm bảo.
Còn rất nhiều vấn đề về môi trường từ nông thôn cho tới thành thị đang tiến đến mức báo động như xử lý rác thải, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí,… Thậm chí, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa có đủ các trạm quan trắc môi trường, cơ sở xử lý rác thải,…
“Chừng nào ở đô thị vẫn còn những con kênh đen kịt, bốc mùi hôi thối thì chừng đó, sự đầu tư vào môi trường của chúng ta chưa thể nói là đảm bảo được”, GS. Huỳnh khẳng định.
Cũng theo GS. Huỳnh, vấn đề đặt ra hiện nay là việc các cơ quan chức năng có liên quan tới nguồn thu và chi cho vấn đề bảo vệ môi trường cần phải minh bạch hơn nữa với người dân: “Người dân nộp thuế với hi vọng về một môi trường khỏe mạnh thì đừng để phụ niềm kỳ vọng của nhân dân.
Người dân đóng phí bảo vệ môi trường cũng giống như trả tiền để nhận dịch vụ, nếu dịch vụ không đảm bảo thì đương nhiên, họ có quyền khiếu kiện. Tuy nhiên, do vấn đề về luật của chúng ta hiện nay vẫn chưa thực sự hoàn thiện, việc khiếu kiện cũng sẽ có những khó khăn nhất định”.
ĐBQH Trần Du Lịch: Cần phải xem xét lại trách nhiệm cơ quan thu và chi…
Chúng ta đừng suy nghĩ tiền thu cho bảo vệ môi trường mà sử dụng không hết là tốt. Dứt khoát không dùng tiền đó cho việc khác. Thực tế chúng ta cần rất nhiều tiền để bảo về môi trường. Ví dụ như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có rất nhiều vấn đề về ô nhiễm cần phải xử lý, vậy mà lại để số tiền lớn như vậy không giải quyết tôi cho là không thể chấp nhận. Dứt khoát Quốc hội – Cơ quan giám sát cần phải kiểm tra tại sao không sử dụng nguồn này, để người dân hiểu. Ví dụ như, phí cầu đường mà không sửa chữa đường mà làm việc khác là không được. Trách nhiệm của cơ quan thu là sẽ phải chi đúng mục đích cho việc bảo vệ môi trường. Nếu không sử dụng hết thì phải trả lời câu hỏi: “Phải chăng ta đang thu một mức quá cao so với thực tế? Tuy nhiên, theo tôi thấy thì hiện nay mức thu cho môi trường tại Việt Nam không quá cao. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan thu và chi từ thuế phí bảo vệ môi trường cần phải xem xét lại. |