ThienNhien.Net – Sau gần 10 năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về việc tham gia sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI). Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như PVN, TKV… chủ trì đang khiến quá trình tham gia bị “trì hoãn” vô thời hạn.
Thuế tài nguyên chỉ trên… 1% tổng thu ngân sách
Tại tọa đàm “Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI): Cơ hội hay rào cản?” tổ chức sáng 13.9 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế và môi trường đều nhận định Việt Nam nên nhanh chóng tham gia EITI. Cụ thể, EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị đối với tài nguyên dầu khí và khoáng sản. Tiêu chuẩn này được thực hiện bởi Chính phủ các nước, phối hợp với các Cty và xã hội dân sự. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 51 quốc gia đang thực thi EITI; 305 báo cáo EITI cấp quốc gia đã được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên tới 1.900 tỉ USD. Về bản chất, EITI tập trung chủ yếu vào hoạt động theo dõi và giám sát nguồn thu của ngành công nghiệp khai thác, có thể dầu khí, khoáng sản (sắt, titan, đồng, bauxit…), lâm nghiệp và cả năng lượng tái tạo.
Theo bà Trần Thị Thanh Thủy – Đại diện Liên minh Khoáng sản, các khoản thu như thuế tài nguyên chủ yếu dựa trên sản lượng, chất lượng, giá bán và thuế suất. Tỉ trọng thu thuế tài nguyên trừ dầu thô trong những năm qua tuy có xu hướng tăng lên song vẫn chỉ chiếm một tỉ trọng xấp xỉ trên… 1% trong tổng thu NSNN (!). Theo đánh giá, mức thất thu trong khai thác tài nguyên chiếm khoảng 5 – 25% GDP. Theo Tổng cục Thống kê, GDP từ ngành khai khoáng năm 2015 của Việt Nam là hơn 426.000 tỉ đồng, tổng thất thu từ khai thác khoáng sản và dầu khí ước đạt khoảng… 21.000 tỉ đồng (!).
Theo bà Thủy, Việt Nam cần thúc đẩy tham gia EITI vì VN đang gặp nhiều khó khăn từ ngân sách, việc tham gia sẽ góp phần giảm hành vi trốn và tránh thuế trong lĩnh vực khai khoáng. Cụ thể, Nigeria đã tránh thất thu được khoảng 1 tỉ USD/năm từ ngành khai thác khoáng sản nhờ thực thi sáng kiến này. Bên cạnh đó, việc tham gia EITI cũng giảm thiểu rủi ro pháp lý cho chính phủ, đặc biệt là trong công đoạn cấp phép, cơ chế ISDS sau khi TPP có hiệu lực. Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, EITI sẽ tạo môi trường đầu tư tốt hơn, qua đó lựa chọn được những dự án có hiệu quả; bên cạnh đó, hỗ trợ quản trị tốt hơn tài nguyên khoáng sản thông qua minh bạch cấp phép, sản xuất và thu ngân sách.
Lỗi ở Bộ Công Thương?
Điều đáng nói là dù Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận EITI từ năm 2007 nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn này kéo dài lên đến gần 10 năm có thể xuất phát từ việc chỉ định sai cơ quan đầu mối xem xét thực thi là Bộ Công Thương.
Theo ông Tuấn, cơ quan chủ trì của EITI hiện nay được giao cho Bộ Công Thương – bộ chủ quản của nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam… “Vì vậy, khi hành xử Bộ Công Thương không chỉ cân nhắc lợi ích dưới góc độ quản lý nhà nước mà còn có thể cân nhắc dưới góc độ một nhà đầu tư, “ông chủ” của những tập đoàn lớn. Mà trên thực tế, quan hệ này lại có những điểm “đặc biệt” – ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trần Thị Thanh Thủy cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quản chủ quản của nhiều tập đoàn, DNNN về khai thác khoáng sản. Việc điều hành cũng tồn tại nhiều vấn đề khi Chính phủ hiện đang phải bảo lãnh nợ cho khối DNNN 26 tỉ USD. Thực tế, nhiều dự án dù không hiệu quả nhưng vẫn được cho phép triển khai Dự án Mỏ sắt Thạch Khê hay các dự án Bôxít ở Tây Nguyên. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang quản lý vấn đề quy hoạch khoáng sản và theo đánh giá của VCCI, bản quy hoạch này cũng đang có vấn đề. Bởi lẽ, trong trường hợp DN thăm dò đc 1 mỏ không có trong quy hoạch thì sẽ phải xin Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch, đây bản chất là cơ chế “xin – cho” không minh bạch.
Theo bà Thủy, hiện nay, tiến trình xem xét EITI được giao cho Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Công Thương, chính xác là một cán bộ phụ trách. Tuy nhiên, “Lộ trình của Bộ Công Thương gần như không tiếp cận được bởi họ chỉ gửi tham vấn tới một số bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ TNMT và những bên liên quan. Những thông tin này đều được đóng dấu mật và không được phép tiết lộ ra bên ngoài”. Bà Thủy đánh giá, việc Bộ Công Thương một mình xây dựng tiến trình và các biểu mẫu mà không có sự tham gia của các tổ chức xã hội, các DN, cũng như sự hỗ trợ chuyên môn khác.
“Tôi cho rằng bảo vệ “lợi ích nhóm” là nguyên nhân chính khiến tiến trình bị gián đoạn. Nếu như Myanmar chỉ mất đúng 2 năm để giải quyết vấn đề thì Việt Nam đã mất gần 10 năm. Để đẩy nhanh tiến trình, vấn đề về năng lực kỹ thuật, nguồn lực kĩ thuật không phải là rào cản chính mà là quyết tâm chính trị” – bà Thủy khẳng định.
Theo đó, ông Tuấn cho rằng: “Để tiến trình cân nhắc EITI của Việt Nam nhanh hơn, đơn vị thực thi, chủ trì tham mưu cho Chính phủ nên được giao cho Bộ TNMT, Bộ Tài chính hoặc Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội thay vì Bộ Công Thương”.