ThienNhien.Net – Tại Hội nghị Bảo tồn Quốc tế của IUCN vừa diễn ra tại Honolulu (Hoa Kỳ), Nhật Bản và Nam Phi đã làm nảy sinh tranh cãi bằng cách phản đối đề xuất đóng cửa thị trường ngà voi nội địa – lời kêu gọi đến từ hầu hết các chính phủ.
Thị trường ngà voi nội địa hợp pháp đang “dung túng” cho thị trường chợ đen
Theo báo cáo Tổng điều tra về loài Voi (Great Elephant Census – GEC) vừa mới được công bố, cứ 15 phút trôi qua lại có một con voi châu Phi bị giết hại để lấy ngà. Trong vòng 3 năm, GEC đã khảo sát trên tổng diện tích 560.000 km2 và kết luận số lượng voi đồng cỏ Châu Phi tại 15 quốc gia đã giảm 30% trong khoảng thời gian 2007-2014, tương đương 144.000 con. Tỷ lệ giảm thậm chí ngày càng trầm trọng, với con số hiện tại là 8%/năm do săn trộm lấy ngà, tương đương 27.000 con voi bị sát hại trong một năm.
Tạm dừng các thị trường voi nội địa được xem là một trong những kiến nghị quan trọng và gây nhiều tranh luận nhất tại Hội nghị Bảo tồn Quốc tế của IUCN. Thế nhưng, khi một nhóm đại diện cho một số chính phủ và tổ chức phi chính phủ nỗ lực đưa ra văn bản đề nghị chính thức, Nhật Bản và Nam Phi đã không đồng thuận với quyết định này. Đại biểu hai quốc gia đã rời khỏi cuộc họp ngay sau phiên quyết định giữ nguyên lời kêu gọi mạnh mẽ tạm dừng thị trường ngà voi nội địa, được đưa ra trước đó.
Đại biểu từ Nhật Bản và Nam Phi khẳng định, hai quốc gia đều có chung mong muốn bảo vệ loài voi như tất cả các nước khác, nhưng hướng đi đúng đắn cần thiết là tăng cường quản lý, đồng thời thắt chặt luật lệ đối với thương mại ngà voi nội địa, chứ không phải là một lệnh cấm.
Ông Naohisa Okuda, Trưởng ban Chính sách Đa dạng sinh học tại Bộ Môi trường Nhật Bản, cho rằng lệnh cấm là không phù hợp. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần tìm kiếm một hệ thống quản lý hiệu quả các hoạt động buôn bán ngà voi, từ đó có thể mang lại lợi ích cho việc bảo tồn những con voi châu Phi. Ông cho biết hệ thống quản lý của Nhật Bản khá hiệu quả, dù điều này còn gây nhiều tranh cãi trong giới bảo tồn.
Về phía Nam Phi, các đại biểu khẳng định số lượng voi vẫn đang ổn định, thậm chí còn có xu hướng gia tăng, vì vậy hoàn toàn có thể khai thác chọn lọc và sử dụng doanh thu từ việc bán ngà voi để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn.
Trước quan điểm trên của Nhật Bản và Nam Phi, các nhà bảo tồn từ các tổ chức phi chính phủ tỏ ra hết sức bất bình. Theo ông Morgan Griffiths thuộc Hiệp hội Động vật Hoang dã và Môi trường Nam Phi, mặc dù VQG Kruger sử dụng công nghệ bảo vệ khá tinh vi, ngày càng nhiều tay săn trộm từ Mozambique vẫn tìm cách lẻn vào khu bảo tồn. Chưa kể, các nỗ lực bảo tồn tại Nam Phi cũng bị phân khúc bởi nhiệm vụ bảo vệ tê giác.
Các quốc gia châu Phi còn lại đều đang kêu gọi đóng cửa thị trường ngà voi nội địa nhằm tạo mọi áp lực có thể khiến Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia chính nhập khẩu ngà voi bất hợp pháp, giảm nhu cầu về ngà voi. Trung Quốc cho đến nay vẫn là quốc gia tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp lớn nhất thế giới, chủ yếu thông qua Hồng Kông và Việt Nam. Quốc gia này đã cùng Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiến hành tạm dừng các thị trường nội địa vào năm ngoái, nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể, đồng thời giữ im lặng trong suốt cuộc thảo luận tại Honolulu. Phía Hồng Kông khẳng định sẽ tạm dừng thị trường ngà voi nội địa vào năm 2021.
Bên cạnh nội dung đóng cửa thị trường ngà voi nội địa, Hội thảo của IUCN còn thảo luận một số đề xuất khác như thiết lập các khu vực “Không xâm phạm” (No Go); thành lập các khu bảo tồn biển trên 30% diện tích đại dương hay hướng dẫn chính sách “đền bù đa dạng sinh học” bởi các doanh nghiệp.