ThienNhien.Net – Ngày 26.3.2013, báo Lao Động
đăng phóng sự: “Sống lang bạt trong rừng phòng hộ”, phản ảnh hiện tượng hàng trăm hộ dân sống du canh theo kiểu “nhảy dù”, gây bất ổn trong các cánh rừng ở Bạc Liêu. Ngay sau khi báo đăng, tỉnh Bạc Liêu gấp rút phê duyệt dự án di dân ra khỏi rừng với số tiền lên đến gần 360 tỉ đồng. Ba năm sau chúng tôi trở lại nơi này, bất ngờ gặp lại, vẫn cảnh cũ người xưa và giật mình biết rằng dự án di dời dân đã ngốn gần 200 tỉ đồng từ năm 2014 đến nay, nhưng hàng trăm hộ dân vẫn chưa di dời ra khỏi khu vực rừng phòng hộ.
Dân vẫn sống trong rừng
Ông Trần Quang Phó – Trưởng ban Nhân dân ấp 14, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu, nhân vật trong phóng sự cách đây hơn 3 năm cười xòa “vẫn còn đó những hộ dân ở bìa rừng, sinh sống trong rừng, cất nhà ở bìa rừng, vào rừng, xuống biển sinh sống. Có điều là những người không đất đai, chuyện sống bằng “nghề rừng” đã được UBND huyện Hòa Bình di dời vào nơi an toàn rồi”.
Ông Phó cho biết ông được giao nhiệm vụ vận động các hộ dân trong ấp chấp hành chủ trương di dời ra khỏi rừng thuộc dự án có tên gọi “Khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu” (dự án) đã được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt mấy năm rồi.
Ông Trần Văn Lành, người dân sống ở kinh 12, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình định cư ở đây từ năm 1980 lo lắng: “Mùa mưa bão sắp tới, nước biển chắc chắn sẽ đánh vào con lộ ở xóm này, đe dọa cuộc sống của người dân. Chúng tôi không dám làm nhà, làm đường vì có thông báo di dời vào khu dân cư do nhà nước xây dựng”.
Tại phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) vẫn còn đó những căn nhà ở bìa rừng cạnh dự án khu du lịch Nhà Mát hoành tráng nhất Bạc Liêu. Bà Trần Thị Thoa hằng ngày ra bìa rừng bắt nghêu. Hôm nào trời mưa lớn hay con nước lớn bà cùng đứa con trai bán nhang đèn cho người dân di lễ Phật bà Nam Hải tại khu du lịch Phật bà Nam Hải gần đó. Bà than vãn, “tôi ở đây cả chục năm rồi, mỗi khi đến mùa mưa bão là kê tủ giường lên do nước ngập. Các anh ở phường nói chờ di dời vô trong tôi mừng lắm. Nhưng nói đã 3 năm nay rồi mà có thấy gì đâu”.
Chủ tịch UBND Phường Nhà Mát – Quách Vũ Lộc – nêu thực tế “Nhà Mát được xây dựng là phường đô thị văn minh kiểu mẫu. Nhưng anh thấy đó, dân còn sống trong rừng, cặp các khu du lịch. Khách đến du lịch nhìn những hộ dân sống nhếch nhách, nhà lụp sụp, em khổ tâm lắm”.
Khảo sát của Sở NNPTNT và các huyện Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu: Khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu có 940 hộ với 3.725 nhân khẩu sinh sống. Trong đó số hộ dân cư trú bất hợp pháp là 22 hộ, với 81 nhân khẩu đã được UBND các địa phương di dời vào nơi an toàn. Số hộ đang sinh sống ở khu vực ven rừng, bìa rừng, đầu kênh, ngoài đê biển là 521 hộ với 2.175 nhân khẩu (đối tượng 2). Theo khảo sát của các địa phương các hộ thuộc đối tượng 2 không có việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu từ nghề bắt nghêu, sò, lấy củi… dưới tán rừng ngập mặn. Ngoài ra có 397 hộ (trong đó có 5 tổ chức) với 1.469 khẩu nhận khoán đất rừng (đối tượng 3). Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết đối tượng 3 đều chấp hành tốt chủ trương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Do rừng đã có chủ nên tình trạng chặt phá cây rừng không diễn ra; hầu hết sản xuất theo mô hình lâm ngư kết hợp nên có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/hộ/năm.
Trước thực trạng người dân sinh sống trong rừng phòng hộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản mỗi khi đến mùa mưa bão, Chính phủ đã chấp nhận cho Bạc Liêu tạm ứng vốn 100 tỉ đồng từ năm 2014 để thực hiện dự án.
Gấp rút phê duyệt, tà tà triển khai
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án có tốc độ rất nhanh từ khâu lập dự án đến quyết định phê duyệt. Cuối năm 2013 UBND tỉnh Bạc Liêu giao cho Cty cổ phần đầu tư và phát triển Đông Dương (Cty Đông Dương) làm đơn vị tư vấn lập dự án. Đến tháng 9.2014 dự án chính thức được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt bằng Quyết định số 1565/QĐ-UBND. Theo quyết định được phê duyệt, dự án xây dựng 8 điểm tái định cư tại huyện Hòa Bình, Đông Hải, thành phố Bạc Liêu với các hạng mục chính: San lấp mặt bằng, điểm sinh hoạt văn hóa, chợ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, đường – cầu giao thông, hệ thống điện… Địa điểm xây dựng được xác định, TP Bạc Liêu 2 điểm tại khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát và ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông; huyện Hòa Bình đầu tư 2 điểm tại ấp 13, ấp Thống Nhất, ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu và ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh; huyện Đông Hải đầu tư 4 điểm: Ấp Cái Cùng, ấp Bửu 2, ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông và ấp Gò Cát, xã Điển Hải. Diện tích sử dụng đất lên đến trên 103ha. Tổng mức đầu tư toàn dự án gần 460 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 206 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng lên đến 16,7 tỉ đồng. Quyết định nêu rõ nguồn vốn trung ương hỗ trợ công trình cấp bách, bức xúc (đầu tư theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước) 60% tương đương 215,7 tỉ đồng, ngân sách địa phương phần vốn còn lại chủ yếu chi cho công tác giải phóng mặt bằng. Dự án do Sở NNPTNT Bạc Liêu làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án năm 2014 -2018.
Ông Nguyễn Văn Út – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, đơn vị được Sở NNPTNT giao quản lý dự án cho biết, tới tháng 9.2016 dự án đã cơ bản hoàn thành 1 điểm tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu nhưng để di dời 20 hộ dân vào đây còn phải chờ kinh phí. Đang triển khai thi công 2 điểm tại ấp 13 – Thống Nhất – Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình và ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải. Hai điểm này đã tiến hành san lấp mặt bằng, hiện còn 1 hộ vẫn chưa giải tỏa được nên tiến độ thực hiện có chậm.
Ông Út cho biết, các điểm tái định cư còn lại (kể cả điểm khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát) thuộc giai đoạn 2 của dự án. Như vậy cho đến 10.9, toàn bộ 915 hộ dân phải di dời, trong đó có hàng trăm hộ cần phải di dời khẩn cấp vẫn chưa có hộ nào vào được khu tái định cư của dự án.
Lộ hàng loạt bất cập
Bất cập đầu tiên và dễ thấy nhất là các điểm tái định cư nằm dọc theo chiều dài tuyến biển trên 54km của tỉnh Bạc Liêu. Vì vậy khu dân cư không tập trung mà nằm rải rác tại nhiều địa phương. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Út cho biết, do người dân ở trong rừng không tập trung nên bố trí tái định cư theo địa lý hành chính và tạo điều kiện cho người dân có điều kiện sinh sống.
Theo đề án được phê duyệt, trong 8 điểm tái định cư nói trên ngoài điểm ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu không có trường mẫu giáo, trường tiểu học, nhà văn hóa còn lại tất cả các điểm đều có các hạng mục này dù điểm nhiều nhất chỉ có 325 hộ ít nhất 60 hộ. Hiện tại Bạc Liêu đang xây dựng nông thôn mới, nên hầu hết các xã đã có nhà văn hóa ấp, nhà văn hóa xã, nhưng dự án lại tiếp tục đầu tư trụ sở văn hóa nên chưa xây đã lộ lãng phí.
Góp ý cho dự án này, ngay từ đầu năm 2014, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bạc Liêu đã chỉ ra bất cập này, đồng thời đề nghị xem lại bố trí tại các điểm tái định cư hai điểm trường (mẫu giáo, tiểu học) có phù hợp với quy hoạch giáo dục của tỉnh hay không vì xây nhiều trường học như vậy có nguy cơ lãng phí. Dù vậy, dự án vẫn không được điều chỉnh phù hợp.
Dự án bố trí cho mỗi hộ đủ điều kiện tái định cư ngoài nhà ở, còn được cấp 500m2 đất gọi là đất sản xuất ngay tại khu tái định cư. Tuy nhiên, tại 8 địa điểm được chọn làm khu tái định cư đất nhiễm mặn nghiêm trọng, người dân khó có thể canh tác để sinh kế từ mảnh đất này.
Dự án khẩn cấp được đầu tư từ hai năm nay vẫn chưa di dời được hộ nào. Và điều bất ngờ hơn, trước đó, ngày 18.12.2009 UBND tỉnh Bạc Liêu đã có Quyết định 3826/QĐ-UBND phê duyệt dự án có tên gọi “Bố trí, sắp xếp lại dân cư ở khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 – 2010” có tổng mức đầu tư trên 65 tỉ đồng. Dự án được triển khai thực hiện nhưng vẫn không có hộ nào được di dời ra khỏi rừng phòng hộ.
Hàng trăm tỉ đồng đã đổ vào dự án di dân ra khỏi rừng phòng hộ để rồi hiện tại chẳng hộ nào được di dời. Mùa mưa bão sắp tới họ tiếp tục nơm nớp nỗi lo nhà ngập, nước tràn và đáng buồn hơn họ bị mang án “dân cư bất hợp pháp” treo lơ lửng trên đầu suốt nhiều chục năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu – đơn vị chủ đầu tư cho biết, dự án đã triển khai giai đoạn 1, nhưng hiện nay đã không còn vốn để triển khai. Sở NNPTNT tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục xin nguồn vốn của trung ương để bố trí tiếp nhằm triển khai đúng tiến độ. Trong khi đó theo tài liệu của chúng tôi có được, T.Ư đã bố trí trên 100 tỉ đồng tại dự án này. Năm 2016 tỉnh đã bố trí trên 50 tỉ đồng từ nguồn xổ số kiến thiết cho dự án. Tất cả số tiền này được ông Nguyễn Văn Út – Chi cục Phát triển nông thôn cho biết đã giải ngân hết. |