ThienNhien.Net – Huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), nơi dự kiến triển khai siêu dự án thép Hoa Sen – Cà Ná Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen xin chủ trương đầu tư – dẫn đầu trong số các huyện thiếu nước sinh hoạt. Ngay tại khu vực kề dự án, nhiều người dân vẫn không có nước sạch để sử dụng. Câu hỏi đặt ra là, nếu siêu dự án thép lấy nước từ Nhà máy nước Phước Nam (công suất 30.000m3/ngày/đêm) thì tình hình thiếu nước ngọt ở địa phương này sẽ diễn biến ra sao?
Triền miên thiếu nước
Bà Trịnh Thị Nghĩa (thôn Thương Diêm 2, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) cho hay, dân ở đây chỉ mới nghe “râm ran” về dự án chứ chưa thấy chính quyền địa phương tổ chức một cuộc họp dân nào để lấy ý kiến.
“Bên cạnh vấn đề dự án có gây ô nhiễm môi trường ven biển hay không, chúng tôi còn muốn biết nhiều vấn đề khác như sinh kế sau khi nhường đất cho dự án, việc đền bù có thỏa đáng và con cháu chúng tôi có được vào làm việc tại dự án hay không. Thêm nữa, nếu tỉnh cung ứng nước ngọt cho Tập đoàn Hoa Sen sản xuất thép thì câu hỏi đặt ra là lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân có ảnh hưởng hay không” – bà Nghĩa trăn trở.
Ông Đỗ Ngọc Sơn – Trưởng thôn Thương Diêm 1 (xã Phước Diêm) cho biết: “Dù chưa biết rõ thông tin về dự án nhưng tôi đang quan tâm đến vấn đề tỉnh cung ứng nước cho siêu dự án này”. Liệu có thiếu nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt hay không trong khi Ninh Thuận là tỉnh hạn “vô địch” – ông Sơn nói và cho hay ngay tại 2 thôn Thương Diêm 1 và thương Diêm 2 của xã Phước Diêm có khoảng 90% hộ dân không có nước sinh hoạt sử dụng cả 3 tháng nay.
“Đường dây ống bắt đến nơi rồi nhưng để không chứ chưa thấy nước non gì cả. Nhiều người dân vẫn đi mua nước bình sử dụng” – ông Sơn nói. Nói về vấn đề ô nhiễm môi trường nếu trong quá trình vận hành dự án sản xuất thép xảy ra sự cố, ông Sơn cho biết “đó là quan tâm “số 1” của người dân nơi đây. Nghe ô nhiễm môi trường ven biển, dân không ai không lo sợ, còn đời con đời cháu nữa. Chính vì vậy, việc cấp phép cho dự án phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chứ tôi thấy Ninh Thuận có không ít dự án chủ đầu tư “bỏ của chạy lấy người” rồi”.
Dân nhịn khát thì vẫn thiếu 3.000m3 nước cho dự án
Ông Phan Thành Sơn – Chủ tịch UBND xã Cà Ná – cho biết, nếu dự án thép Hoa Sen – Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen được triển khai thì Nhà máy nước Phước Nam (huyện Thuận Nam) sẽ cung ứng nước cho dự án này. Theo ông Sơn thì vấn đề người dân quan tâm nhất bây giờ vẫn là môi trường.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, Nhà máy nước Phước Nam có công suất chỉ 30.000 m3/ngày/đêm. Trong khi đó, giai đoạn đầu, Nhà máy sản xuất thép Hoa Sen – Cà Ná cần đến 33.000m3 nước sạch/ngày (theo đề nghị của Tập đoàn Hoa Sen).
Báo cáo về tình hình nước sinh hoạt của Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến giữa tháng 6, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt phải vận chuyển hằng ngày là 4.099 hộ/16.507 khẩu.
Đáng chú ý, huyện Thuận Nam là địa phương dẫn đầu về tình trạng thiếu nước sinh hoạt với 2.853 hộ/11.149 khẩu, tiếp đến là huyện Thuận Bắc với 997 hộ/4.421 khẩu và cuối cùng là huyện Ninh Hải với 249 hộ/937 khẩu.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 5, Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh và công an tỉnh đã vận chuyển nước 57m3/ngày hỗ trợ cho nhân dân khu vực thiếu nước.
Đó là chưa kể một số địa phương như thôn Phương Cựu (xã Phương Hải, huyện Ninh Hải) và 2 thôn Bình Nghĩa, Xóm Bằng (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc) sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ hệ thống kênh Bắc và suối Kiền Kiền, do đóng nước kênh Bắc để kiên cố hóa kênh mương và hiện tại suối Kiền Kiền đã hết nước.
Sở NNPTNT phải chỉ đạo cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn – điều tiết nước tạm thời từ hệ thống Nha Trinh để phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân.
Ông Phạn Quang Thựu – Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc Nhà máy nước Phước Nam cung ứng nước như thế nào cho dự án thép Hoa Sen – Cà Ná là do Sở Xây dựng thực hiện nên “tôi không biết gì về vấn đề đó cả”. “Nếu nhà máy cung ứng nước cho dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen thì liệu có thiếu nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân huyện Thuận Nam? – PV Lao Động hỏi.
“Tôi không rõ. Cái đó nước công nghiệp, quy hoạch nguồn nước là do Sở Xây dựng. Chúng tôi chỉ phối hợp trong vấn đề này thôi. Chúng tôi chỉ làm công tác cấp nước nông thôn thôi” – ông Thựu cho hay.
Cùng ngày, PV Lao Động liên lạc với ông Lê Huyền – Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam – để trao đổi về tình hình nước sinh hoạt trên địa bàn nhưng ông này trả lời: “Tôi đang ở TPHCM”.
Bộ Công Thương nói gì về dự án thép Cà Ná?
Dư luận gần đây đặt nhiều quan ngại xung quanh siêu dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen. Để rộng đường dư luận, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) – cơ quan tham mưu cho Bộ Công Thương về chính sách đối với ngành công nghiệp thép. Ông Hoài cho biết: – Đối với dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen, trước đây quan điểm là nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm, tới đây, các cơ quan chức năng phải thẩm định kỹ về công nghệ, phương án xả thải trước khi cấp phép đầu tư. Các chuyên gia kinh tế và dư luận đặt nhiều quan ngại dự án thép Cà Ná có công suất lên tới 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư trên 10,6 tỉ USD. Chưa nói đến năng lực của nhà đầu tư trong nước thì riêng việc đặt dự án ở Ninh Thuận, là vùng khô hạn, liệu dự án sẽ lấy nước ở đâu ra để hoạt động. Ngoài nước là điện, cơ sở hạ tầng đều chưa rõ? – Theo chúng tôi hiểu thì để sản xuất thép hiện nay nhà đầu tư đều phải theo công nghệ luyện thép lò cao. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư dự án thép Cà Ná không đi theo công nghệ luyện cốc, mà chỉ sản xuất thép thì suất tiêu hao nước lò cao chỉ khoảng 7m3/tấn thép. Sau đó số nước này lại có công nghệ tuần hoàn trở lại 6m3 chứ không mất đi. Tính ra mỗi ngày một nhà máy thép như Cà Ná tiêu hao khoảng 10.000m3 nước là không lớn. Về điện, đa phần các nhà máy luyện thép lò cao thường đầu tư luôn nhà máy điện do tận dụng được nhiệt thải ra từ lò cao. Thậm chí như Nhà máy thép Hòa Phát hiện đang bán điện dư thừa cho EVN để phát lên lưới điện quốc gia. Vì vậy, sẽ không lo công nghệ hiện nay không xử lý được vấn đề này. Các vấn đề xả thải ra môi trường của dự án thép, sau khi nhà đầu tư xin Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư sẽ trình báo cáo tiền khả thi lên Bộ Kế hoạch – Đầu tư, sau khi nghiên cứu Bộ Kế hoạch – Đầu tư sẽ lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để thẩm định dự án. Riêng Bộ KHCN và Tài nguyên – Môi trường có báo cáo đánh giá công nghệ và tác động môi trường riêng. Sau đó, Bộ Công Thương là cơ quan thẩm định dự án có khả thi không, năng lực nhà đầu tư có đáp ứng được yêu cầu hay không, kể cả nếu thấy nhà đầu tư không đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, vốn, thì Bộ Công Thương lúc đó từ chối cũng chưa muộn. – Xin cảm ơn ông! Hồng Quân (thực hiện) |