ThienNhien.Net – Khói bụi, tiếng ồn và nước thải độc hại bao quanh thôn xóm, làng mạc… là thực tế ô nhiễm tại nhiều cụm công nghiệp (CCN) hiện nay. Các cơ quan chức năng thừa nhận, người dân đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.
Tại nhiều CCN, do hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ, chưa có hệ thống xả thải chung, nhiều công ty xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường,đã gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Nước thải chưa qua xử lý
Huyện Đan Phượng (Hà Nội) hiện có 6 CCN, tổng diện tích trên 78 ha, thu hút gần 600 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội, hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… được đầu tư khá bài bản, tuy nhiên nhiều CCN lại có tình trạng ô nhiễm đáng báo động.
Theo phản ánh của người dân sống gần CCN Cầu Gáo (xã Đan Phượng), nước thải từ CCN này được xả thẳng ra mương, đổ thẳng ra hồ nước, có ngày mưa to nước tràn ra cả đồng ruộng. Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phùng thừa nhận, các công ty trong CCN sông Cùng, xã Đồng Tháp và CCN Cầu Gáo (xã Đan Phượng) xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường.
Ông Lưu cho biết thêm, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, một số hộ dân đã có đơn kiến nghị về việc xả thải từ CCN ảnh hưởng đến sản xuất. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Vy, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, thuê đất tại khu đầm Goòng, sát với hai CCN này, để đầu tư xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng (VAC). Trong quá trình sản xuất, các công ty trong CCN xả thải vào đầm gây ô nhiễm nguồn nước, làm chết cá, thiệt hại khoảng hơn 2 tấn cá.
Ông Nguyễn Minh Tuấn (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng) thừa nhận, việc đầu tư hạ tầng xử lý xả thải tại các CCN hiện nay còn chưa đồng bộ. Hiện mới chỉ có CCN Liên Hà đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn hầu hết chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm.
Đầu tháng 4 vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 5 doanh nghiệp tại CCN thị trấn Phùng về công tác đảm bảo môi trường trong sản xuất kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra có 3 đơn vị đang xả thẳng nước thải ra môi trường, có thông số vượt quy chuẩn gấp 18 lần. UBND huyện Đan Phượng đã ra quyết định xử phạt hành chính gần 50 triệu đồng và yêu cầu đơn vị này phải có công đoạn xử lý nước thải, trước khi xả ra môi trường.
Tương tự, tình trạng xả thải thẳng gây ô nhiễm môi trường cũng diễn ra tại làng nghề sản xuất bánh kẹo, miến, bột dong riềng xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội). Tại đây có gần 3.143 hộ thì trên 2.800 hộ dân làm nghề, mỗi ngày chế biến hàng trăm tấn dong riềng, thải ra môi trường hàng chục nghìn m3 nước thải. Tất cả bã, nước thải đổ xuống cống rãnh, kênh mương quanh làng, mùi hôi thối lan ra cả vùng…
Hệ lụy sức khỏe
Nguồn thải từ các làng nghề Dương Liễu, Cát Quế… cũng đã khiến con kênh T2 bị ô nhiễm trầm trọng. Hệ quả là những người dân sống dọc con kênh này phải hứng chịu sự ô nhiễm từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Trí Quảng, xã Sơn Đồng (Hoài Đức), một trong những hộ dân sống gần kênh T2 cho biết, nhiều năm nay hàng trăm hộ dân ở Sơn Đồng phải sống chung với ô nhiễm. Con kênh T2 đưa chất thải từ thượng nguồn về, nước kênh đen ngòm, bốc mùi thối nồng nặc.
“Cứ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, là thời điểm các làng nghề trên vào mùa vụ sản xuất, lượng nước thải độc hại càng lớn. Mặt kênh thường có hiện tượng sủi bọt, những ngày trời nắng to, bọt trên mặt kênh khô cứng lại, trẻ con hay chó mèo chạy qua cũng không bị chìm. Nếu cầm một hòn gạch to ném ra giữa kênh tạo thành một miệng hố, rồi dùng mồi lửa châm vào miệng hố thì thấy lửa cháy”, ông Quảng cho hay.
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sự ô nhiễm từ các dòng kênh còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con bởi đây cũng là kênh tưới tiêu ruộng đồng của bà con xã Sơn Đồng. Nhiều gia đình cấy lúa xong cũng bị “mất trắng” vì nước thải từ kênh này và dân làng khi đi làm ruộng đều bị ngứa ngáy tay chân.
Tại xã Sơn Đồng, do lo ngại ô nhiễm nguồn nước, nhà nào cũng có giếng nước khoan nhưng… không ai dám dùng để ăn uống. Nhà nào cũng xây dựng một bể hứng nước mưa để ăn uống, còn các hoạt động sinh hoạt khác thì dùng nước giếng khoan đã qua máy lọc. Những gia đình không có điều kiện mua máy lọc nước thì lọc bằng đá cuội, thạch anh, sỏi, phèn chua, tuy nhiên vẫn không thể lọc hết được độc tố.
Năm 2012, Viện Khoa học Công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã về lấy khoảng 30 mẫu nước ở sông, ao, hồ, giếng, xét nghiệm. Kết quả cho thấy tất cả 100% mẫu đều bị nhiễm asen, hàm lượng kim loại nặng như: COD, H25, NH3… đều vượt hàng trăm lần cho phép. Năm 2014, đoàn kiểm tra của huyện Hoài Đức cũng về xã lấy mẫu nước sinh hoạt tại một số hộ dân ven sông kiểm tra. Kết quả, các chỉ số ô nhiễm thấp nhất là từ 30 – 40% và cao nhất lên tới 100 – 150%.
Một cán bộ tại Trạm Y tế xã Sơn Đồng cho biết, trung bình mỗi năm xã có khoảng 50 trường hợp bị tử vong, trong đó khoảng hơn chục ca ung thư, còn lại chưa xác định rõ. Điều đáng lo lắng là, những ca chết vì ung thư ở đây đang ở độ tuổi còn trẻ, chỉ khoảng 40 tuổi, nhiều gia đình có 3 – 4 người chết vì ung thư.
Ông Nguyễn Như Hải, cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Đồng cho biết, người dân cũng đã phản ánh và nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện, để có biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây, song tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay, cả nước có 615 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các KCN, CCN còn lại, hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu QCVN. Tỷ lệ DN thực hiện xử lý khí thải còn rất ít. |
Bài 2: Nghẹt thở vì khí thải