Kỳ 1: Tiếp cận “thủ phủ” gỗ lậu
ThienNhien.Net – Việc chặt phá rừng “công khai” ở Yên Bái từng bị phanh phui, nhưng đến thời điểm này “lá phổi xanh thứ 2” của Tây Bắc vẫn đang tiếp tục bị bào mòn , cạn kiệt…
Yên Bái những ngày tháng 8, sau vụ đại án rúng động dư luận về cái chết bất ngờ của 2 cán bộ đầu ngành tỉnh là đồng chí Bí thư tỉnh ủy và đồng chí Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy với những phát súng oan nghiệt. Người được cho là hung thủ là vị Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm, cũng có thể là người liên quan trực tiếp đến những gì mà nhóm PV chúng tôi gửi đến quý độc giả trong loạt phóng sự này. Bí mật xung quanh vụ án vẫn đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, trong lúc đó, nhóm PV báo Người đưa tin đã lên đường để tìm hiểu thực trạng gỗ lậu đang hàng ngày, hàng giờ nhức nhối nơi đây.
Vào vai những người chủ thu mua gỗ số lượng lớn, chúng tôi đã có mặt tại Yên Bái vào những ngày mưa ròng, cánh PV phải mất 2 ngày không thể triển khai công việc được vì trời cứ mưa tầm tã, những cơn mưa mà người dân ở đây thường ví “Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái”, trời mưa làm những con đường rừng trở nên lầy lội, trơn trượt, như muốn làm nản lòng chúng tôi, bởi đến những chiếc xe “Win chiến” của người bản địa còn rất khó khăn mới ra được huống chi cánh xế lạ.
Địa điểm được nhóm PV chọn là xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, địa phương này vốn được coi là “điểm nóng” của nạn khai thác gỗ lậu. Đây chính là điểm bắt đầu của dãy núi Con Voi, nơi có trữ lượng gỗ quý cực lớn (khoảng 3.000 ha), trải dài từ khe An Bình (xã Lâm Giang) đến xã Lang Thíp. Dãy Con Voi là hệ thống núi cổ nằm phía hữu ngạn sông Chảy với những núi thấp đỉnh tròn, sườn thoải chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đây là đường phân thủy của sông Hồng và sông Chảy. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ tập trung tại đầu nguồn và trên vành cao dãy núi, nhiều lâm sản quý hiếm. Điểm cao nhất của dãy núi thuộc xã Long Khánh, phía bên kia dãy núi là huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Lục Yên (Yên Bái).
Theo cách tính của người dân bản địa thì diện tích rừng trải dài từ bờ sông Chảy đến tận bờ sông Hồng. Chính vì nhiều thuận lợi cả về đường xá, sông ngòi, nên nơi đây từng trở thành “thủ phủ” của giới buôn gỗ lậu.
Là một trong những địa phuơng có diện tích rừng rất lớn, gồm nhiều loại gỗ quý hiếm, đã có thời gian, huyện Văn Yên từng là “điểm nóng” trong chặt phá, khai thác rừng, nhất là rừng tự nhiên. Nhiều diện rừng bị khai thác kiệt quệ, những cây gỗ quý hiếm bị đốn hạ, khai thác không thương tiếc… Tình hình một vài năm gần đây tưởng chừng như “lắng dịu” hơn khi nguồn tài nguyên đã gần cạn kiệt, tuy nhiên, nguy cơ khai thác gỗ trái phép với số lượng lớn thực ra chưa hề dừng lại…
Diện tích đất lâm nghiệp ở Lang Thíp là rất rộng lớn, với gần 6.000 ha. Tuy vậy, do hậu quả của việc phá rừng, xâm canh đất rừng làm nương rẫy trong thời gian dài nên diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể. Đến nay, diện tích rừng tự nhiên của xã bị xâm hại nghiêm trọng, số lượng còn lại chỉ tập trung ở núi Thíp, núi Bùn và trên rừng trồng.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định bắt đầu cho chuyến hành trình đi sâu vào rừng của mình. Mọi công việc đã chuẩn bị xong, chỉ đợi tạnh mưa là “lên đường”. Sau 2 ngày chờ đợi, cuối cùng thì thời tiết cũng khá hơn, cái nắng sau cơn mưa bỏng rát như muốn khoét sâu càng thúc giục nhóm PV nhanh chóng tiếp cận sự thật bên trong núi rừng hùng vĩ..
Hành trình đi sâu vào con đường khốn khổ, nhóm PV tiếp tục bắt gặp nhiều cảnh kỳ quái, những ngôi nhà phủ bạt bất thường, những câu chuyện với một “cò” gỗ người dân tộc Dao.. Câu chuyện sẽ được đăng tải trên Người đưa tin trong kỳ 2. Mời quý độc giả đón đọc.