ThienNhien.Net – Baikal, hồ có trữ lượng nước ngọt lớn nhất thế giới, là một trong những di sản thiên nhiên theo xếp hạng của UNESCO. Thời gian gần đây, các chuyên gia đã và đang đưa ra những dẫn chứng về việc 20% nguồn nước ngọt của hành tinh ở nơi này đang bị “bức tử”.
Với tuổi đời khoảng 25 triệu năm và lại nằm ở khu vực thiên nhiên rộng lớn, còn khá hoang sơ của vùng Syberia hùng vĩ (Nga) cùng nhiều kỷ lục khác, như 20% tổng lượng nước ngọt của thế giới được tích tụ tại nơi đây- tương đương với 23.000 km3 nước, hồ có chiều sâu kỷ lục, nơi sâu nhất là 1.637m và được kết nối với khoảng 300 con sông lớn nhỏ…, hồ Baikal luôn là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch.
Mặt trái của “ngành công nghiệp không khói”
Đảo Olkhon, hòn đảo lớn nhất tại hồ Baikal là nơi được các đoàn khách du lịch ngoại quốc ghé thăm nhiều nhất. Người dân bản địa vẫn còn nhớ vào những năm 1990, các đoàn khách Nhật Bản lớn tuổi thăm lại chiến trường xưa với cả xấp đô-la trên tay nhưng họ cũng chẳng biết tiêu pha, mua bán gì vì vào thời điểm đó khách du lịch còn chưa lũ lượt đổ về đây. Vậy mà giờ đây, chỉ tính riêng tại “trung tâm đầu não” của đảo Olkhon là làng Khuzhir với vỏn vẹn 1.500 nhân khẩu nhưng luôn phải gồng mình tiếp đón khoảng nửa triệu du khách mỗi năm.
Du lịch bùng nổ kéo theo các ngành nghề “ăn theo”, như nhà hàng, khách sạn, sản xuất đồ mỹ nghệ… phát triển và đương nhiên đằng sau nó là chất thải, rác rưởi bắt đầu tràn ngập khu vực ven hồ.
Vì phát triển còn chưa đồng bộ và vì số lượng cư dân còn ít nên phương án xây dựng nhà máy để xử lý rác thải tại đây vẫn chưa được triển khai do bị cho là không hiệu quả, mà với mức thu 500 ruble (khoảng 7 USD) cho việc vận chuyển 1m3 rác cũng bị coi là đắt đỏ so với lương hưu nên tình trạng “rác chồng lên rác” đang ngày càng trở nên trầm trọng. Rác thu gom được ở Olkhon người ta cho đổ vào khe núi Shaman và cứ mỗi năm lại cho đốt để huỷ một lần. Theo người dân ở đây, cứ mỗi lần như vậy khói bụi, mùi hôi lại bay ngập trời.
Những “bàn tay” đang gián tiếp “bức tử” hồ Baikal
Từ năm 2011, tại phía Bắc hồ Baikal- nơi có số cư dân sinh sống đông nhất quanh hồ (khoảng 24.000 người)- các chuyên gia chuyên nghiên cứu về hồ ao thuộc Viện hàn lâm khoa học LB Nga đã phát hiện sự xuất hiện ngày càng nhiều tảo spirogyra mà sự phát triển của nó sẽ kéo theo hiện tượng sụt giảm lượng oxy ở trong nước. Cùng với đó, các nhà khoa học còn tìm thấy loại vi khuẩn cyanobateria độc hại và các loài nhuyễn thể như trai ốc… chết la liệt tại tầng đáy của những vùng nước có loại tảo và vi khuẩn này. Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hồ Baikal Andrey Phedotov, nếu để tình trạng này lan rộng thì có thể sẽ trở thành thảm họa.
Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng đó là do biến đổi khí hậu, nước hồ bị sụt giảm, ấm hơn và nguy hiểm hơn cả đó là các chất thải độc hại đang trực tiếp xả vào lòng hồ.
Một sự trùng hợp rất dễ lý giải khi các chuyên gia nhận thấy “tổ” của tảo spirogyra và vi khuẩn cyanobateria ở khu vực phía Bắc hồ lại chính là nơi có nhiều chất tẩy rửa có nguồn gốc photphat (là tác nhân giúp 2 loại độc hại này bùng phát) chảy xả vào nước hồ. Tại vùng này có trạm bảo dưỡng đầu máy, toa xe của tuyến đường sắt BAM (xuyên Syberia, nối vùng hồ Baikal với vùng Amur). Các công nhân sau khi tẩy rửa và làm sạch các toa tàu bằng hoá chất tẩy rửa đã xả chúng xuống hồ. Đây chính là nguồn “dinh dưỡng” giúp cho các sinh vật độc hại phát triển. Mặc dù hiện nay trạm bảo dưỡng đã lắp đặt hệ thống làm sạch khép kín nhưng các nguồn “dinh dưỡng” dạng này từ các khu vực dân cư khác vẫn chưa được kiểm soát hoặc kiểm soát yếu ớt. Theo thống kê, trong số 28 điểm dân cư quanh hồ chỉ có 3 trạm lọc và xử lý nước thải được lắp đặt và các trạm này cũng chỉ làm việc chừng 25% công suất!
Các nhà khoa học tại Syberia đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ với đề xuất cấm sử dụng các chất tẩy rửa có chứa nguyên tố photphat nhưng thời đại hội nhập, đề xuất này khó mà trở thành hiện thực, cán bộ thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề về thuỷ học thuộc Viện hàn lâm khoa học LB Nga Mikhail Bolgov cho biết.
Năm 2003, Chính phủ Nga đã phải ban hành nghị quyết quy định mực nước thấp nhất của hồ Baikal cho phép dao động ở mức cao hơn mực nước biển từ 456 đến 457m, nếu thấp hơn tức là mức báo động.
Có lẽ biến đổi khí hậu và nhiệt độ của bầu khí quyển nóng lên chính là một trong những nguyên nhân khiến mực nước hồ Baikal sụt giảm. Tuy nhiên, tham vọng phát triển kinh tế thông qua việc sử dụng tiềm năng của nước cũng chính là một trong những nguy cơ đe dọa tới sự bình yên của hồ. Từ năm 2014, sau khi phía Trung Quốc cam kết sẽ cấp cho chính phủ Mông Cổ khoản tín dụng 1 tỷ USD để xây nhà máy thuỷ điện với công suất 250 MW trên sông Selenga, một trong số 300 con sông đổ nước vào hồ Baikal, phía Nga liên tục phản đối vì việc làm này sẽ gây tác động xấu đến môi sinh của hồ Baikal. UNESCO cũng lên tiếng khi cho rằng, việc ngăn dòng chảy có thể sẽ làm biến mất một số loài chim và cá hiếm tại khu vực này. Ngày 23/6 mới đây, tại cuộc gặp ba bên Nga- Trung Quốc- Mông Cổ đã nhất trí tạm thời đóng băng dự án này lại để cùng nhau xây dựng một hành lang sinh thái tại khu vực này.
Hồi tháng 2/2016, Tổng thống Nga V.Putin đã ký văn bản quyết định xoá khoản nợ 174,20 triệu USD cho Mông Cổ. Nhằm đáp ứng nhu cầu cho quốc kế dân sinh, hằng năm, Mông Cổ vẫn phải nhập khẩu một lượng điện năng từ LB Nga tương đương 25 triệu USD. Để thuyết phục Mông Cổ đồng ý ngừng dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện, phía Nga cam kết sẽ xem xét lại giá bán điện cho thời gian sắp tới.
Hồ Baikal- di sản thiên nhiên của thế giới, bể nước ngọt gần như vô tận của nhân loại. Theo tính toán, với số dân hiện nay trên hành tinh, nếu mỗi người dùng 1,5 lit/ngày thì nước hồ Baikal sẽ đủ cho cả nhân loại tới 6.000 năm! Việc giữ gìn nguồn lợi này đã và đang là trách nhiệm của những người đương thời. Lãnh đạo của Quỹ “Trách nhiệm vì tương lai” Elena Demygina cho biết, để cứu lấy sự trong lành cho vùng hồ, Quỹ đã phát động một phong trào “bờ bãi sạch sẽ đem lại nguồn nước sạch”. Nhờ có phong trào này mà các tình nguyện viên từ khắp mọi miền của đất nước, thậm chí cả từ thủ đô Moscow đã thay nhau tụ tập về đây để thu gom rác, làm sạch bờ bãi quanh hồ Baikal. Mặc dù vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng nhưng các tình nguyện viên luôn tin tưởng rằng sự nhiệt thành của họ sẽ đánh thức lòng trắc ẩn cho cả cư dân lẫn du khách tại nơi đây về ý thức bảo vệ môi sinh.