ThienNhien.Net – Theo dự báo, nắng nóng, hạn hán và các loại hình thiên tai khác sẽ gia tăng do sự nóng lên toàn cầu. Và điều đáng lo ngại là những thảm họa thiên nhiên này đang đẩy các quốc gia tới thảm họa xung đột vũ trang, đặc biệt là ở các nước vốn bị chia rẽ sắc tộc.
Các nhà khoa học môi trường từng cảnh báo rằng nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao trong thế kỷ tới, nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới có lẽ sẽ không thể là nơi cư trú. Hàng triệu người sẽ phải di cư sang nơi khác, làm tăng nguy cơ bùng phát xung đột.
Không chỉ như vậy, nghiên cứu mới được tiến hành bởi các học giả Đức còn phát hiện ra mối liên hệ giữa những xung đột vũ trang trên diện rộng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Theo Tiến sĩ Carl Schleussner (Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam), những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu có nguy cơ tác động đến các xã hội vốn bị chia rẽ sắc tộc một cách rất thảm khốc.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích thống kê các cuộc xung đột vũ trang và thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu trong khoảng thời gian 1980-2010. Kết quả cho thấy, một phần tư các cuộc xung đột tại các quốc gia bị chia rẽ sắc tộc trùng với thời gian xảy ra thiên tai. Điều này có nghĩa là chiến tranh nên được bổ sung vào danh sách hậu quả của sự nóng lên toàn cầu, cùng với nước biển dâng, mất mùa, khan hiếm nước và lũ lụt.
Được đăng tải trên chuyên san của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences), nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ công ty tái bảo hiểm quốc tế Munich Re kết hợp với thông tin về các cuộc xung đột và chỉ số xác định mức độ chia rẽ sắc tộc của các nước.
Kết quả, tỷ lệ trùng hợp ngẫu nhiên trên toàn thế giới giữa các cuộc xung đột vũ trang và thiên tai như hạn hán và các đợt nắng nóng là 9%. Tuy nhiên, ở các nước có sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc, tỷ lệ này tăng lên khoảng 23%.
Theo nghiên cứu, nhiều quốc gia châu Phi và Trung Á nằm trong những nước bị chia rẽ sâu sắc nhất, khiến những khu vực này trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang. Trong khi đó, mô hình khí hậu cũng dự đoán các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng đáng kể ở những khu vực này.
Đặc biệt, những phân tích gần đây về hậu quả xã hội do hạn hán gây ra tại Syria và Somalia cho thấy hiện tượng khí hậu cực đoan có thể là một trong những nguyên nhân gây bùng phát xung đột vũ trang hoặc các cuộc xung đột kéo dài ở cả hai nước. Thậm chí, những bất ổn ở Bắc Phi và khu vực Cận Đông có thể lan rộng ảnh hưởng do các luồng di cư sang các nước láng giềng hay tới tận châu Âu.