ThienNhien.Net – Nông nghiệp là ngành chịu tác động mạnh mẽ bởi BĐKH nhưng cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, sau sản xuất công nghiệp. Do đó, nghiên cứu, xây dựng và phát triển khung chỉ số ứng phó BĐKH trong sản xuất nông nghiệp rất cần thiết, đặc biệt với những địa phương dễ bị tổn thương và phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong những năm qua, ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thường xuyên phải đối mặt với biến đổi khí hậu thể hiện qua cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, rét đậm, rét hại, sương muối… Mặc dù chính quyền các địa phương đã quan tâm ban hành các chính sách, hành động ứng phó BĐKH nhưng còn thiếu chủ động trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó BĐKH, đặc biệt chưa có những lồng ghép cụ thể về ứng phó BĐKH trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Nhằm hỗ trợ hoạt động lồng ghép BĐKH tại ba địa phương, nhóm nghiên cứu chính sách Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam (CEMI) khởi xướng nghiên cứu xây dựng Khung chỉ số nông nghiệp ứng phó với BĐKH. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả giới thiệu cơ sở, tiến trình xây dựng và nội dung Khung chỉ số nông nghiệp ứng phó BĐKH gọi tắt là CRAI (Climate Change Responded Agriculture Index) áp dụng cho cấp xã tại ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Cơ sở xây dựng
CRAI là bộ công cụ được sử dụng trong lập kế hoạch và giám sát phát triển kinh tế – xã hội của dịa phương nhằm ứng phó với BĐKH. Việc xây dựng và áp dụng CRAI có ý nghĩa quan trọng không chỉ giúp nâng cao nhận thức và mối quan tâm, tăng mức độ sẵn sàng và chủ động của địa phương về nông nghiệp ứng phó BĐKH, mà còn thúc đẩy lồng ghép BĐKH trong các chính sách phát triển địa phương nói chung, phát triển ngành nông nghiệp nói riêng. Trong phạm vi Dự án CEMI[2], Khung chỉ số CRAI được xây dựng và áp dụng cho cấp xã dựa trên các cơ sở về pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Về cơ sở pháp lý, Bộ NN&PTNT là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng các chính sách ứng phó với BĐKH. Từ năm 2007, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành tại Quyết định số 3665/QĐ-BNN-KHCN. Trên cơ sở này cùng với các nghị quyết, chỉ thị, quyết định liên quan, Bộ NN&PTNT tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách về ứng phó, lồng ghép BĐKH vào các chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, có một số chính sách quan trọng như: Khung chương trình hành động thích ứng BĐKH của ngành nông nghiệp giai đoạn 2008-2020; Chỉ thị về việc lồng ghép, tích hợp có tính đến yếu tố BĐKH vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2050… Tại ba địa phương Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, nhiều kế hoạch, quy hoạch, đề án, chương trình liên quan đến BĐKH cũng đã được ban hành điển hình là các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và chiến lược tăng trưởng xanh. Dù còn một số hạn chế, song hầu hết các chính sách đều ít nhiều đề cập đến các giải pháp thích ứng với BĐKH, phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường và hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Về cơ sở khoa học, CRAI kế thừa các nghiên cứu về ứng phó BĐKH ở khái niệm, cách tiếp cận và phương thức xây dựng chỉ số đánh giá khả năng ứng phó với BĐKH. Theo IPCC (2007), hai mục tiêu chính của ứng phó BĐKH là (i) thích ứng với BĐKH nhằm giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH, đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển và (ii) giảm nhẹ BĐKH là các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Hiện có nhiều cách tiếp cận trong nghiên cứu đánh giá khả năng ứng phó với BĐKH, tùy vào mục tiêu từng nghiên cứu. Chẳng hạn cách tiếp cận xây dựng bộ chỉ số thích ứng với BĐKH do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu thực hiện (2015) hay bộ chỉ số môi trường – xã hội được xây dựng nhằm đánh giá hiện trạng môi trường – xã hội cho quá trình chuẩn bị triển khai và thực hiện REDD+ cấp tỉnh (PanNature, 2015). Đáng lưu ý, ngoài việc kế thừa các nghiên cứu đã có về cách tiếp cận và phương thức xây dựng bộ chỉ số, CRAI tích hợp thêm mục tiêu lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển của địa phương thông qua năng lực quản trị hay quản trị ứng phó với BĐKH (tổ chức, thể chế và năng lực địa phương) bên cạnh hai mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Ba mục tiêu này tương ứng với ba lĩnh vực chính mà CRAI quan tâm, bao gồm: thích ứng với BĐKH; giảm phát thải và quản trị ứng phó BĐKH.
Về cơ sở thực tiễn, CRAI tham khảo, sử dụng các số liệu thực tế trong các nghiên cứu thành phần của Dự án CEMI, gồm: Nghiên cứu cơ bản về những thông tin kinh tế – xã hội và sản xuất nông nghiệp và mức độ ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông lâm kết hợp; Nghiên cứu về rà soát chính sách phát triển kinh tế – xã hội và nông nghiệp trong bối cảnh BĐKH tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Các nghiên cứu này có vai trò quan trọng trong việc nhận diện các biểu hiện và ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp tại ba địa phương, đồng thời phác họa thực trạng áp dụng các mô hình canh tác nông nghiệp cùng hoạt động lồng ghép BĐKH trong các chính sách phát triển kinh tế – xã hội nói chung, chính sách phát triển nông nghiệp nói riêng.
Tiến trình và nội dung đánh giá
Khung CRAI được thiết lập dựa trên quá trình nghiên cứu, tham vấn, thu thập và xử lý thông tin với 7 bước thực hiện, gồm:
- Bước 1: Xác lập các cơ sở xây dựng
- Bước 2: Dự thảo khung chỉ số và tham vấn chuyên gia
- Bước 3: Tham vấn địa phương để thống nhất phạm vi và nội dung (cho cấp xã)
- Bước 4: Xây dựng phương pháp và công cụ thu thập thông tin cho các chỉ số
- Bước 5: Thu thập thông tin và xây dựng báo cáo cho từng xã
- Bước 6: Chia sẻ kết quả đánh giá và đối thoại với cấp quản lý xã, huyện, tỉnh
- Bước 7: Chuyển giao và áp dụng
Trong đó, Bước 1 và 2 đã xây dựng được Khung chỉ số theo ba lĩnh vực, mỗi lĩnh vực được đánh giá thông qua các chỉ số. Mỗi chỉ số được lựa chọn theo 5 tiêu chí (Tính cụ thể – Specific, Tính toán được – Measureable, Có thể đạt được – Achievable, Mức độ quan trọng/liên quan – Relevant và Giới hạn về thời gian -Time-bound), được xây dựng theo cách tiếp cận về mức độ tác động/thiệt hại của BĐKH; các biện pháp can thiệp và/hoặc các điều kiện hỗ trợ thiệt hại.
Ở Bước 3, Khung chỉ số tiếp tục được tham vấn địa phương nhằm xác định mức độ phù hợp và sự đồng thuận về nội dung của CRAI tại mỗi tỉnh. Đối tượng tham vấn bao gồm: Lãnh đạo/chính quyền xã (Đảng ủy, UBND, HĐND); Cán bộ phụ trách nông nghiệp, lâm nghiệp, đất đai, môi trường, khuyến nông, thống kê; Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên; Các tổ, nhóm cộng đồng, hợp tác xã. Thời gian tham vấn Khung chỉ số được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 5/2016 với sự tham gia của đại diện 26 xã thuộc 3 tỉnh. Kết quả cho thấy nội dung CRAI phù hợp, có ý nghĩa thực tiễn và phản ánh các mục tiêu đưa ra.
Sau tham vấn, Khung chỉ số CRAI được bổ sung, chỉnh sửa gồm 14 chỉ số thuộc 3 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực Sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH gồm 07 chỉ số về thích ứng với rét đậm, rét hại, sương muối; thích ứng với hạn hán và thích ứng với lũ lụt, trượt lở; lĩnh vực Sản xuất nông nghiệp giảm phát thải có 02 chỉ số về giảm phát thải trong trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp; lĩnh vực Quản trị ứng phó với BĐKH có 05 chỉ số phản ảnh mức độ đóng góp của các tổ chức xã hội, hỗ trợ của các công cụ tài chính, nhận thức và kỹ năng lồng ghép BĐKH của cán bộ xã, sự tiếp cận thông tin và tham gia của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH.
Nhằm thu thập dữ liệu đầu vào để tính toán các chỉ số và đánh giá năng lực ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ công cụ thông qua phiếu điều tra, bảng hỏi và dữ liệu thống kê. Khung chỉ số CRAI dự kiến được áp dụng thí điểm tại 7 xã thuộc 3 tỉnh dự án. Hy vọng CRAI sẽ là công cụ hữu ích giúp các địa phương thúc đẩy và hiện thực hóa các kế hoạch lồng ghép BĐKH trong các chính sách phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Xa hơn, CRAI kỳ vọng được tiếp tục phát triển và có cơ hội nhân rộng ở một số địa phương lân cận bởi tính phù hợp và thực tiễn ứng dụng của nó.
Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam (CEMI) do Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á – Đan Mạch (ADDA), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Quỹ Phụ nữ phát triển huyện Điện Biên thực hiện tại ba tỉnh nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và sự tham gia của người dân trong các quá trình chính sách liên quan đến nông nghiệp và BĐKH. |
ThS. Nguyễn Việt Dũng – ThS. Nguyễn Hồng Huế – Đặng Xuân Trường (Trung tâm Con người và Thiên nhiên)
Tài liệu tham khảo
1. FAO. 2015. Climate smart agriculture: A call for action. Synthesis of the Asia-Pacific Regional Workshop. Bangkok, Thailand, 18 to 20 June 2015.
2. IPCC. 2007. Climate Change 2007: Working Group II: Impacts, Adaptation and Vulnerability.
3. Trung tâm Con người và Thiên nhiên, 2015. Chỉ số môi trường-xã hội cho thực hiện REDD+ cấp tỉnh.
4. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và môi trường. 2015. Nghiên cứu phát triển bộ chỉ số thích ứng với BĐKH phục vụ công tác quản lý nhà nước về BĐKH.