Nông nghiệp miền núi Tây Bắc cần hướng đến các mô hình thân thiện khí hậu

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, khu vực Tây Bắc thường xuyên phải đối mặt với những biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu. Dữ liệu quan trắc tại địa phương cho hay nhiệt độ trung bình năm ở nhiều huyện tại Tây Bắc tăng từ 2-30C, nắng hạn xảy ra thường xuyên hơn; mùa đông lạnh, nhiều sương muối, các đợt rét đậm rét hại gia tăng trong khi mùa hè mưa trái vụ, mưa lớn gây lũ ống, lũ quét… Sự thay đổi bất thường này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con vùng núi, cụ thể làm giảm năng suất, tăng chi phí đầu tư, gây xói mòn, thoái hóa đất, thay đổi cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc áp dụng các mô hình nông nghiệp thân thiện khí hậu, có thể giúp giảm nhẹ tác động của thiên tai.

Mô hình canh tác lúa SRI tại Điện Biên (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)
Mô hình canh tác lúa SRI tại Điện Biên (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Biến đổi khí hậu không còn xa lạ với vùng nông nghiệp Tây Bắc

Ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu thời gian qua tình trạng nóng và hạn dẫn đến thay đổi thời vụ cấy lúa chiêm xuân, nắng nhiều cháy lúa, cháy các nương chè, giảm năng suất lúa, ngô, các loại cây ăn quả không đậu quả. Nắng hạn cũng kéo theo việc tăng các chi phí cho sản xuất nông nghiệp về công lao động và vật liệu, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Những biến động thời tiết khí hậu mang tính cực đoan còn dẫn đến tình trạng mất diện tích đất canh tác mà hầu như gặp ở tất cả các xã trên vùng Tây Bắc. Thể hiện rõ nhất của việc mất đất canh tác là tại khu vực các bãi màu ven sông do mưa lũ gây sạt lở bờ sông. Tại những vùng núi có độ dốc lớn, canh tác nương rẫy cũng chịu cảnh mất đất trồng trọt do hạn hán, sa mạc hóa cục bộ hay xói mòn, rửa trôi do mưa lũ. Không chỉ vậy, thay đổi khí hậu còn là nguyên nhân gia tăng suy thoái đất canh tác, độ phì nhiêu của đất suy giảm nhanh chóng trên các vùng đất dốc.

Đất canh tác bị thoái hóa cùng với những thay đổi khí hậu bất thường dẫn đến phải thay đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương. Một số giống cây trồng trước đây có hiệu quả cao nay không thể thích nghi được với điều kiện mới, hoặc không đạt năng suất cần thiết, buộc phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác, kém giá trị hơn và làm gia tăng xói mòn, thoái hóa đất trồng.

Có thể thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng có tác động sâu rộng và trực tiếp tới năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp, buộc nền nông nghiệp ở các địa phương phải có những biện pháp thích ứng với những tác động mới này. Một đánh giá nhanh ở huyện Điện Biên của tỉnh Điên Biên cho thấy phần lớn người dân cho biết những thay đổi của khí hậu và thời tiết cực đoan ở địa phương của họ ảnh hưởng trước hết tới năng suất và giá thành của sản xuất nông nghiệp (Nguyễn Thị Hương, Phan Văn Thăng, Nguyễn Đức Tố Lưu, 2015). Ở mức độ ít hơn là việc giảm diện tích đất canh tác và thay đổi cơ cấu cây trồng. Nhìn chung đây cũng là nhìn nhận của người dân ở Tây Bắc đối với ảnh hưởng của BĐKH tới sản xuất nông nghiệp.

Nhận thức về ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp của các hộ dân ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Nguyễn Thị Hương, Phan Văn Thăng, Nguyễn Đức Tố Lưu, 2015)
Nhận thức về ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp của các hộ dân ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Nguyễn Thị Hương, Phan Văn Thăng, Nguyễn Đức Tố Lưu, 2015)

Ngoài ra, cho dù Tây Bắc không phải là vựa lúa lớn của cả nước nhưng là nơi kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, cũng gây phát thải khí nhà kính từ các chân ruộng ngập nước, cùng với nạn phá, đốt rừng làm rẫy vốn rất phổ biến tại đây.

Trước thực trạng này, nông nghiệp miền núi Tây Bắc cần áp dụng các biện pháp tổng hợp hướng tới sản xuất ổn định bền vững, giúp thích ứng với những thay đổi của khí hậu, đồng thời cũng nhằm giảm thiểu nguyên nhân gây ra BĐKH.

Những hướng đi trong nông nghiệp thân thiện với khí hậu

Cho dù mục tiêu của nông nghiệp thân thiện với khí hậu (Climate-smart Agriculture) và nông nghiệp sinh thái (Agroecology) không hoàn toàn như nhau nhưng hai lĩnh vực này có nhiều điểm chung vì cùng hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, sạch, ít phát thải, thích ứng với môi trường. Ở nước ta, nhất là đối với các tỉnh Tây Bắc, có thể đẩy mạnh một số hướng đi mang tính hệ thống trong nông nghiệp thân thiện với khí hậu gồm:

Nông nghiệp bảo tồn (Conservation Agriculture): Được phát triển và thực hành bởi Tổ chức CIRAD (Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Pháp) trong khu vực, nông nghiệp bảo tồn áp dụng các biện pháp canh tác hướng tới bảo vệ đất, duy trì độ phì nhiêu đất lâu dài như hạn chế tối đa tác động cơ học khi làm đất, che phủ mặt đất thường xuyên bằng lớp phủ hữu cơ (cây trồng che phủ hoặc rơm rạ, thân cây trồng), đa dạng hóa các loại cây trồng luân canh hay kết hợp. Những biện pháp này giúp tăng lượng Các-bon chứa trong đất, hạn chế xói mòn đất trong điều kiện thời tiết cực đoan.

Những kỹ thuật canh tác hướng tới bảo vệ đất và nguồn nước đã được áp dụng tại một số nơi. Chẳng hạn, ở thôn Mười, xã Mậu A của huyện Văn Chấn, Yên Bái, người dân đã áp dụng rộng rãi việc trồng ngô xen với các băng cỏ và cây đậu đen. Việc trồng xen cỏ và cây họ đậu trên đất dốc giúp chống xói mòn đất, bổ sung đạm và chất hữu cơ cho đất, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập đáng kể từ các sản phẩm trồng xen.

Nông lâm kết hợp (Agroforestry): Đi đầu là Tổ chức Nông lâm Quốc tế (ICRAF), mô hình nông lâm kết hợp thúc đẩy việc trồng cây gỗ hoặc các cây dài ngày vào trong hệ thống nông nghiệp, được quản lý để cùng mang lại sản phẩm và lợi ích đa dạng, nâng cao lượng Các-bon lưu trữ trong đất và trong cây trồng, giảm các rủi ro thiệt hại kinh tế do thời tiết. Ở Tây Bắc nhiều mô hình nông lâm kết hợp đã được xây dựng. Chẳng hạn mô hình trồng ngô xen với cây ăn quả như nhãn, mận; hay mô hình cà phê trồng xen với cây gỗ đã cho những kết quả tốt. Tuy nhiên những thực hành về nông lâm kết hợp trên thực tế ở diện rộng còn chưa được áp dụng phổ biến.

Thâm canh lúa cải tiến SRI (System of Rice Intesification): Canh tác Lúa SRI đã được phổ biến và đưa vào chính sách áp dụng ở cách tỉnh miền Bắc. Đây là hệ thống các biện pháp canh tác lúa với các nguyên tắc như cấy thưa, quản lý nước hiệu quả, quản lý sâu hại tổng hợp, vừa giúp giảm lượng khí phát thải do ngập nước từ ruộng lúa, vừa nâng cao sức đề kháng và thích nghi của cây lúa với thời tiết, sâu bệnh, giảm chi phí và tăng năng suất cây lúa.300816_bdkhnongnghie2

Nhằm giúp bà con tiếp cận với các phương thức canh tác mới, thân thiện với môi trường và thích ứng được với tình hình thiên tai, BĐKH, ba tỉnh Tây Bắc gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã được lựa chọn để giới thiệu, thực hành thí điểm một số mô hình canh tác lúa, ngô thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI), mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc trong khuôn khổ Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (CEMI). Dự án do Hiệp hội các tổ chức xã hội dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA), được triển khai từ năm 2014 với sự hợp tác giữa Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Hội Nông dân tỉnh Sơn La, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu và Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

VAC (Intergrated Farming System): Là hệ thống canh tác tổng hợp giữa Vườn – Ao – Chuồng (VAC) cho những nông hộ và trang trại nhỏ, vốn được khuyến khích phát triển từ cuối thế kỷ trước. Ưu điểm của VAC là khép kín, hệ thống ít rác thải, tận dụng tối đa các sản phẩm phụ tạo ra của chăn nuôi, trồng trọt. Với tính chất kết hợp sinh học giữa các cây trồng và vật nuôi, VAC có khả năng giảm phát thải khí nhà kính, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro mất mùa do thời tiết thất thường.

Ngoài các mô hình/hệ thống nêu trên, còn có nhiều hướng đi và cách làm khác cũng góp phần nâng cao tính thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH như Nông nghiệp hữu cơ (Organic Agriculture) hay hệ thống quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM). Bên cạnh đó, những nghiên cứu cải tiến và áp dụng các giống cây trồng có tính chống chịu, chịu hạn, chịu rét cũng là một hình thức giúp nông nghiệp thích ứng hơn với các thay đổi của thời tiết khí hậu.

Khó khăn và khuyến cáo việc áp dụng nông nghiệp thân thiện với BĐKH

Việc phổ cập rộng rãi các thực hành nông nghiệp thân thiện với khí hậu ở khu vực vùng núi phía Bắc, nơi có đặc điểm nhiều hộ dân tộc sản xuất nhỏ, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, hiện gặp nhiều khó khăn như áp lực dân số gia tăng; tập quán canh truyền thống lạc hậu khó thay đổi; nguồn lực và năng lực của người dân, nhất là các hộ nghèo người dân tộc hạn chế; thiếu vắng những cơ chế cụ thể trong các chính sách và kế hoạch của chính quyền xã, huyện đối với nông nghiệp thích ứng, quy hoạch đất để lồng ghép và tính tới những yếu tố cần thiết nhằm ứng phó và giảm thiểu BĐKH.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là tập quán canh tác của người dân ở nhiều nơi còn lạc hậu và nhận thức của người nông dân về sản xuất thâm canh, sản xuất bền vững thích ứng với thời tiết khí hậu khó thay đổi. Chẳng hạn, trường hợp áp dụng Lúa SRI với kỹ thuật cấy thưa một dảnh, cấy mạ non, khác hẳn so với tập quán canh tác hiện hành cấy dày, cấy mạ già theo khóm. Khi mới làm Lúa SRI, người dân rất lo lắng vì cho rằng ruộng cấy thưa cây non dễ chết, không mang lại năng suất cần thiết và họ chỉ sẵn lòng áp dụng kỹ thuật khi được hướng dẫn trực tiếp và tự mình thực hành. Tương tự như vậy, việc trồng xen canh các loại cây họ đậu, xen cỏ hay nông lâm kết hợp luôn bị người dân coi là mất thêm công sức, phức tạp trong thiết kế kỹ thuật và làm giảm sản lượng cây trồng chính. Do đó, để khuyến khích các nông hộ nhỏ áp dụng những biện pháp này cần có những mô hình thuyết phục và cách tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ, cụ thể.

Không chỉ e ngại trong việc áp dụng các mô hình sản xuất mới, nhận thức của người dân ở các tỉnh miền núi Tây Bắc về sự cần thiết phải có những biện pháp thích ứng với sự thay đổi của khí hậu nhìn chung còn thấp. Cho dù họ quan sát và trải nghiệm những thực tế về biến đổi khí hậu tại làng bản của mình nhưng phần lớn người dân chưa có những biện pháp khắc phục, ứng phó cần thiết. Một đánh giá trên địa bàn 10 xã của Sơn La cho thấy chỉ có 20% số người dân được hỏi cho biết đã áp dụng những biện pháp nhất định trước những biến đổi thất thường của thời tiết và khí hậu. Tương tự, ở Lai Châu, phỏng vấn cho thấy những hộ nghèo hầu như không có phản ứng gì trước tình hình thay đổi của thời tiết khí hậu so với các hộ nông dân thu nhập trung bình và khá. Điều này có thể lý giải rằng người nghèo ít có nguồn lực về vật chất cũng như năng lực để tiến hành thay đổi phương thức canh tác, ứng phó với những thay đổi của khí hậu, do đó cũng là những người sẽ chịu tác động của quá trình này nhiều nhất. Trong khi đó, các nhóm hộ cận nghèo và trung bình là những người quan tâm và thực hiện các biện pháp thích ứng nhiều hơn trước những thay đổi của khí hậu và thời tiết khắc nghiệt tại địa phương.

Mức độ hành động thích ứng của các hộ nông dân theo mức thu nhập đối với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp tại một số huyện của tỉnh Lai Châu (Đặng Xuân Trường, Lê Quang Thưởng, Nguyễn Hữu Minh, 2015).
Mức độ hành động thích ứng của các hộ nông dân theo mức thu nhập đối với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp tại một số huyện của tỉnh Lai Châu (Đặng Xuân Trường, Lê Quang Thưởng, Nguyễn Hữu Minh, 2015).

Đối với chính quyền cấp cơ sở, trong các chính sách điều hành phát triển kinh tế – xã hội còn thiếu vắng những cơ chế thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với khí hậu, chủ yếu mới chỉ tập trung cho năng suất và sản lượng lương thực. Vấn đề môi trường chưa được lồng ghép sâu rộng trong các kế hoạch phát triển ở địa phương trên thực tế. Mặt khác, hầu hết các địa phương chưa có những kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương hơn trước ảnh hưởng của BĐKH như người nghèo, người dân tộc ít người. Hệ thống khuyến nông ở nhiều nơi tuy đã phát triển nhưng để phổ cập, hỗ trợ các kỹ thuật canh tác mới tới người nông dân thì còn chưa đủ năng lực, nguồn lực, phương pháp khuyến nông có sự tham gia chưa được áp dụng rộng rãi.

Ngoài ra, quy hoạch đất ở địa phương hiện vẫn còn mang tính tự phát, chưa tính đến những yếu tố nông nghiệp thích ứng với BĐKH hoặc nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Thậm chí vấn đề duy trì và tăng độ phì nhiêu của đất, chống rửa trôi xói mòn chưa được chú trọng trong quy hoạch. Chẳng hạn, nhiều nơi ở Tây Bắc có tình trạng phá bỏ rừng ở đỉnh đồi dốc để độc canh một số ít loại cây, trồng cây ngắn ngày như ngô, sắn trong khi những cây ăn quả dài ngày, thậm chí cây lâm nghiệp lại được trồng ở chân và sườn đồi, dẫn đến tình trạng đất không được bảo vệ che chắn ở phía trên đỉnh khi mưa xuống, gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi và sạt lở đất.

Nhằm thúc đẩy áp dụng rộng rãi thực hành nông nghiệp thân thiện với khí hâu, một số giải pháp sau cần được quan tâm:

  • Từng địa phương cần có đánh giá điều kiện sinh thái nông nghiệp cụ thể của mình, từ đó làm cơ sở cho quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và cơ cấu cây trồng phù hợp, tính tới những yếu tố thay đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Lựa chọn và áp dụng những kỹ thuật canh tác phù hợp với đặc điểm kinh tế sinh thái của từng địa phương.
  • Phát triển và nâng cao năng lực của hệ thống khuyến nông cấp cơ sở, hướng tới các phương thức canh tác bền vững và thân thiện với khí hậu.
  • Tổ chức người dân học tập theo các nhóm cộng đồng trên các mô hình thực tế. Lấy người nông dân làm yếu tố chính trong việc phát triển nông nghiệp thân thiện với khí hậu. Bằng cách thức tiếp cận trực tiếp và học hỏi lẫn nhau trong cộng đồng, người nông dân sẽ dễ dàng hơn trong việc thay đổi nhận thức và hành động để ứng phó với BĐKH.
  • Xây dựng và lồng ghép vào các chính sách và kế hoạch phát triển của địa phương những nội dung ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp. Trong các chính sách và kế hoạch phát triển địa phương cần chú ý tới các đối tượng dễ bị tổn thương bởi BĐKH như người nghèo, phụ nữ, người dân tộc thiểu số.
  • Phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và nhà nông trong việc đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất đồng thời đảm bảo tính bền vững của nông nghiệp trước những thay đổi của khí hậu.

ThS. Nguyễn Đức Tố Lưu – Trung tâm Con người và Thiên nhiên,

Nguyễn Ngọc Hưng – Tổ chức ADDA tại Việt Nam,

ThS. Phan Văn Thăng – Trung tâm Con người và Thiên nhiên.


Tài liệu tham khảo:

1.       Fagerstrom M H H. 2005. Development of sustainable land use practices in the uplands for food security: An array of field methods developed in Vietnam. Science and technics Publishing House.

2.       Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD), 2012. Một số mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng – Kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

3.       Đặng Xuân Trường, Lê Quang Thưởng, Nguyễn Hữu Minh. 2015. Báo cáo hiện trạng canh tác nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại tỉnh Lai Châu. Trung tâm con người và thiên nhiên.

4.       Nguyễn Thị Hương, Phan Văn Thăng, Nguyễn Đức Tố Lưu. 2015. Báo cáo điều tra cơ bản tình hình canh tác nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trung tâm con người và thiên nhiên.  

Nguồn:
Bản tin Chính sách số 21 - Trung tâm Con người và Thiên nhiên