Thách thức và hướng đi đối với nguồn tài trợ cho BĐKH

ThienNhien.Net – Là một trong số các quốc gia đang phát triển tích cực nhất trên các diễn đàn và chương trình hợp tác về tài chính khí hậu, Việt Nam hứa hẹn là điểm đến của rất nhiều chương trình, dự án, cũng như các khuôn khổ hợp tác lâu dài trong cuộc chiến nhằm giảm nhẹ và ứng phó với hiện tượng toàn cầu này. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội gia tăng nguồn tài chính khí hậu, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức trong việc tiếp nhận, phân bổ và sử dụng.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/PanNature
Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/PanNature

Cơ hội hứa hẹn

Trong những năm gần đây, “tài chính khí hậu” nổi lên như một dòng vốn chính trong hỗ trợ phát triển ít phát thải và tăng khả năng chống chịu các thay đổi khí hậu của các quốc gia. Tài chính khí hậu được xây dựng dựa trên Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Theo đó, các nước phát triển cam kết các nguồn tài chính cho các nước đang phát triển. Hiện nay, có hàng chục quỹ như Quỹ Khí hậu xanh (GCF) hoặc Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đang hoạt động đa phương, song phương hoặc dưới khuôn khổ của Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH. Tính đến tháng 5/2015, có khoảng 10,2 tỷ USD được cam kết cấp cho Quỹ khí hậu xanh với sự đóng góp của 33 quốc gia phát triển và 08 quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP21, chính phủ các nước thống nhất cùng nhau huy động 30 tỷ USD cho tiến trình khởi động nhanh và xây dựng lộ trình cụ thể để đóng góp 100 tỷ USD/năm từ năm 2020. Do đó, tài chính khí hậu được xem là chìa khóa cho Việt Nam trong việc thúc đẩy các hành động ứng phó và giảm nhẹ các tác động của BĐKH.

Trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung, Việt Nam được coi là quốc gia trọng điểm trong các chương trình hợp tác cấp khu vực như Diễn đàn chiến lược phát triển ít các-bon khu vực Châu Á hay Diễn đàn ứng phó với Biến đổi khí hậu Châu Á. Mặt khác, với mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác, nhà tài trợ lớn quan tâm tới cuộc chiến chống BĐKH như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) hay Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Việt Nam đã và đang nhận được nhiều hỗ trợ cả về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực. Đơn cử như chương trình song phương được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ tổng trị giá 54 triệu USD cho giai đoạn 2013-2018. Tương tự, Ngân hàng phát triển Châu Á cũng cam kết tăng viện trợ cho BĐKH từ 3 tỷ USD lên 6 tỷ USD cho khu vực Châu Á- Thái Bình Dương vào năm 2020 và cũng xác định Việt Nam là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở khu vực này (ADB, 2015).

Theo Báo cáo ngân sách cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam (CPEIR), chi cho ứng phó với BĐKH được tài trợ bởi nguồn vốn từ các đối tác phát triển lên tới 31% tổng chi ứng phó của 05 Bộ gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng. Phần lớn vốn ODA được cung cấp dưới hình thức vốn vay cho các dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu trọng tâm là đầu tư ứng phó với BĐKH. Bên cạnh nguồn ODA này, các khoản chi của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo cũng khá lớn, khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2010-2013.

300816_bdkh2
Bảng 1. Cam kết ODA cho ứng phó với BĐKH (triệu USD)

Có thể thấy nguồn hỗ trợ tài chính cho BĐKH ở Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong các mô hình ứng phó với BĐKH tại địa phương (Bảng 1), đặc biệt là trong điều kiện ngân sách hạn hẹp và nhu cầu chi cho ứng phó BĐKH ngày càng có xu hướng tăng lên (Bảng 2).

Bảng 2: Ước tính tổng nhu cầu tài chính cho BĐKH (Nguồn: Báo cáo CPEIR)
Bảng 2: Ước tính tổng nhu cầu tài chính cho BĐKH (Nguồn: Báo cáo CPEIR)

Trước triển vọng đầy tích cực về việc gia tăng nguồn tài chính khí hậu, Việt Nam đã và đang hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách cũng như chuẩn bị năng lực cho các cán bộ từ cấp Trung ương tới địa phương trong việc tiếp cận tài chính khí hậu quốc tế. Bên cạnh việc ban hành các chính sách quan trọng, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH – tập trung lồng ghép ứng phó với BĐKH trong phát triển kinh tế – xã hội và Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH – tập trung vào các cơ chế tài chính giúp mở rộng phạm vi ứng phó với BĐKH, điều phối xây dựng chính sách, đối thoại giữa chính phủ cũng như các đối tác phát triển, Việt Nam cũng thành lập Ủy ban quốc gia về BĐKH vào năm 2012 nhằm chủ trì, điều phối và giám sát việc thực hiện các chương trình BĐKH, đặc biệt là hợp tác quốc tế về BĐKH.

Song song với đó, Việt Nam cũng thành lập các Ủy ban điều phối kế hoạch hành động về BĐKH cấp tỉnh. Ủy ban này đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng, lập kế hoạch và phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư về BĐKH cấp tỉnh. Theo Nghị định 16/2016/NĐ-CP, cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án có quy mô tài trợ dưới 2 triệu USD. Điều này cho phép các địa phương, nhất là những địa phương chịu nhiều tác động của BĐKH như Đồng bằng sông Cửu Long có thể trực tiếp huy động các nguồn tài trợ từ các đối tác phát triển và các Quỹ tài chính khí hậu. Thực tế hiện nay, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) cũng đã nghiên cứu và triển khai Dự án ứng phó BĐKH vùng ĐBSCL tại Bến Tre và Trà Vinh với tổng kinh phí đầu tư 1.034 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng Thế giới cũng phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD nhằm góp phần đảm bảo sinh kế bền vững cho khoảng 1,2 triệu người dân sinh sống tại 9 tỉnh ĐBSCL, đồng thời cam kết nhân rộng mô hình ra những khu vực khác của Việt Nam trong những năm tới.

Thách thức trong tiếp nhận, phân bổ và sử dụng

Thách thức trước tiên là việc tiếp nhận nguồn vốn ODA, bao gồm cả vốn đầu tư cho các chương trình, dự án về BĐKH có thể giảm sút từ năm 2017 khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Điều này đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh các đối tác phát triển đóng góp tới khoảng 31% tổng chi cho ứng phó với BĐKH tại 05 Bộ nêu trên thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

Hơn nữa, về cơ chế, chính sách, hệ thống quy định luật pháp hỗ trợ phát triển các thể chế tài chính xanh và ngân hàng xanh vẫn chưa được hoàn thiện, chưa có công cụ chính sách để hỗ trợ cho các ngân hàng đánh giá rủi ro của các dự án đầu tư phát thải cao, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hiện Việt Nam vẫn chưa có “Cơ quan thực hiện đa phương”, là cơ quan chịu trách nhiệm tư vấn, rà soát, hỗ trợ chuẩn bị và theo dõi đánh giá trong quá trình triển khai và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn từ các quỹ tài chính khí hậu.

Bên cạnh đó, các chính sách để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ tài chính khí hậu cũng chưa được đầy đủ. Đặc biệt, Việt Nam chưa có cơ chế khuyến khích, trao đổi thông tin về các nguồn tài chính có thể huy động cho việc giảm nhẹ hoặc thích ứng với BĐKH. Thêm nữa, năng lực quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách về BĐKH, cũng như mối liên kết giữa các Bộ ngành và địa phương còn khá yếu và rời rạc. Điều này dẫn tới sự chậm trễ trong việc triển khai các chương trình dự án về BĐKH hoặc nảy sinh trường hợp một số địa phương chịu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH nhưng lại không nhận được nguồn tài trợ cho các biện pháp ứng phó và giảm nhẹ.

Giải pháp khuyến nghị

Mặc dù Việt Nam đã bước đầu hình thành các cơ chế huy động nguồn lực hợp tác quốc tế để ứng phó với BĐKH như Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) hay Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, song các cơ chế chính sách vẫn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Do đó, thời gian tới, Chính phủ cần rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các chính sách tài chính cũng như các cơ chế huy động vốn mới. Được biết, gần đây, Ngân hàng thế giới và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc đã phối hợp triển khai Diễn đàn Các lựa chọn tài chính khí hậu nhằm hỗ trợ các quốc gia và địa phương trong việc tiếp cận thông tin tài chính cho BĐKH. Đây là công cụ hữu hiệu nhằm tổng hợp, sàng lọc và chia sẻ thông tin về các nguồn tài chính có thể huy động cho việc giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.

Song song với việc rà soát, hoàn thiện chính sách, cần nâng cao hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về BĐKH như một cơ quan cấp quốc gia chịu trách nhiệm điều phối và hỗ trợ các cơ quan thực hiện các cấp từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, với thực tế mỗi Quỹ tài chính khí hậu có một cơ chế tiếp cận, huy động, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ khác nhau, cần có một cơ quan chuyên môn đủ năng lực để đánh giá và điều phối tất cả các chức năng liên quan đến chu trình lập kế hoạch, dự toán ngân sách cũng như đưa ra các cơ chế tài chính phù hợp với từng đối tác tài trợ về BĐKH.

Việc xây dựng một hệ thống Giám sát, Báo cáo, Đánh giá (MRV) hoàn thiện cũng là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong thời gian tới. MRV là một phần trong các cách tiếp cận giảm thiểu BĐKH, đây là một hệ thống nhằm đánh giá đóng góp của các khoản đầu tư thích ứng khí hậu đối với các mục tiêu phát triển. Cùng với việc làm này, Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong việc huy động, sử dụng các nguồn tài trợ về BĐKH nhằm tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ cũng như đảm bảo một cơ chế tài chính vững chắc để chủ động trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Ngoài ra, danh mục các dự án ưu tiên được đầu tư theo nhiều phương thức khác nhau cũng cần được xây dựng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các hỗ trợ quốc tế về BĐKH. Với cam kết Việt Nam có thể giảm tới 25% lượng phát thải khí nhà kính nếu nhận được các hỗ trợ quốc tế, việc đưa ra một lộ trình và danh mục dự án thực hiện rõ ràng sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư và năng lực công nghệ cao như năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn trong các phương thức hợp tác với các đối tác nhằm đảm bảo các cách tiếp cận sáng tạo được thúc đẩy để đưa tài chính khí hậu trở thành vấn đề chính trong quản trị và phát triển.

Cuối cùng, nguồn lực con người trong huy động và thực hiện các chương trình, dự án về BĐKH cần được nâng cao hơn. Bên cạnh việc đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác về BĐKH tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, việc bổ sung tài chính khí hậu trong các chương trình đào tạo tại cấp đại học và sau đại học là rất quan trọng nhằm chuẩn bị đủ nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính khí hậu trong khoảng 5 – 10 năm tới. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Chính phủ về tài chính khí hậu, các chương trình hành động về BĐKH trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về chính sách thu hút nguồn hỗ trợ quốc tế cho BĐKH.

Nguyễn Tuấn Anh, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường


Tài liệu tham khảo:

1. Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI). 2011. Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Nỗ lực và Kỳ vọng.

2. PGS.TS. Trần Thục, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2011. Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc. 2015. Ngân sách cho ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Đầu tư thông minh vì tương lai bền vững.

4. Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). 2009. Tác động Kinh tế của Biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á: Báo cáo khu vực.

5. ADB. 2015. ADB tăng gấp đôi tài trợ hàng năm cho chống biến đổi khí hậu lên 6 tỷ Đôla cho Châu Á và Thái Bình Dương vào năm 2020. Nguồn: http://bit.ly/btcs00438

Nguồn:
Bản tin Chính sách số 21 - Trung tâm Con người và Thiên nhiên