ThienNhien.Net – Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/9/2012 được coi là chìa khóa nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020. Đến nay, với những nỗ lực và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong thực hiện Chiến lược này. Tuy nhiên, trong số các kết quả đã đạt được, nhiệm vụ thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng cũng như lồng ghép, xây dựng và áp dụng Chiến lược tăng trưởng xanh trong chính sách phát triển địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa rõ ràng và đồng bộ trên phạm vi cả nước. Bài viết do đó sẽ tập trung phân tích thực tiễn áp dụng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và triển vọng áp dụng chiến lược này trong chính sách phát triển của các địa phương.
Thực trạng áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng
Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam xác định yêu cầu xuyên suốt là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, trong đó đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài. Chiến lược đặt ra các chỉ số cụ thể cần đạt được là: giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% – 20% giai đoạn 2011-2020 và từ 35% – 45% cho giai đoạn 2020 – 2030; giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt khoảng 42%-45% (2010-2020) và 80% (2020-2030); 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; phát triển đô thị bền vững; xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường, cung cấp nước sạch, sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt, xử lý 100% rác thải sinh hoạt; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh thông qua thay đổi hành vi tiêu dùng.
Nhằm cụ thể hóa Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh với nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 428/QĐ-TTg. Trong đó, mục tiêu tăng tỷ trọng phát triển năng lượng tái tạo được xây dựng từ 7% năm 2020 lên trên 10% vào năm 2030. Cụ thể, ưu tiên phát triển thủy điện, nhất là các dự án mang lại lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện), nâng tổng công suất các nguồn thủy điện từ khoảng 17.000 MW lên khoảng 21.600 MW vào năm 2020, và khoảng 24.600 MW (chiếm tỷ trọng 20,5%) vào năm 2025. Điện gió được chú trọng đầu tư, nâng tổng công suất từ 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Tổng công suất điện mặt trời được dự báo tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, và khoảng 12.000 MW vào năm 2030 (chiếm tỷ trọng 3,3%) (Thủ tướng Chính phủ, 2011). Có thể thấy cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong giảm tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng hóa thạch, tuy nhiên nhiệt điện than theo quy hoạch vẫn chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện trong 15 năm tới (Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, 2016). Trong khi đó, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo được mong đợi phát triển nhất thì vẫn chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn.
Ngoài ra, với Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ phế phẩm nông nghiệp. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, tổng lượng rác thải trong nông nghiệp vào khoảng 140-150 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 70-80% là rác thải từ chăn nuôi. Ngoài ra, hàng năm sản xuất nông lâm nghiệp còn tạo nên một khối lượng rất lớn phụ phẩm với khoảng 30 triệu tấn rơm rạ, 10-15 triệu tấn cám và trấu, hàng triệu tấn cám cưa, nhiều thân, cành cây trồng. Những rác phế thải, phụ phẩm này nếu không được xử lý sẽ là rác hại, nhưng trên 70% số đó có thể sẽ thành tài nguyên cho sản xuất và đời sống nếu được tái chế sử dụng (Viện Khoa học Công nghệ và Phát triển Nông thôn. 2015). Trên thực tế, tổng công suất hiện nay từ năng lượng sinh khối (152 MW) và từ rác thải sinh hoạt (8 MW) là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 3,4% so với tiềm năng khai thác từ nguồn năng lượng này (Hoàng Thị Thu Hường, 2014).
Chiến lược tăng trưởng xanh trong chính sách phát triển địa phương
Trên cơ sở triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Với trọng tâm là cụ thể hóa các mục tiêu, các chỉ tiêu và giải pháp trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, hiện nay, có trên 25 địa phương, bao gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bến Tre, Tp. Đà Lạt, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã và đang xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh còn được triển khai ở quy mô cấp vùng như Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc (Nguyễn Thế Phương, 2015).
Dù việc áp dụng, lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương đã đạt được một số thành tựu nhất định, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức. Tại một số địa phương, dù kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và ban hành nhưng thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như các kết quả đạt được chưa rõ ràng do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương.
Trong các địa phương nêu trên, Quảng Ninh là một trong những địa phương tích cực nhất trong lồng ghép và áp dụng Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh trong chính sách phát triển của tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt chỉ tiêu về bảo vệ môi trường và xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến và nơi đáng sống, một số mục tiêu chính đã được đề ra như giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn 100% tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (UBND Tỉnh Quảng Ninh, 2015). Với quyết tâm chuyển đổi phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” và hướng tới phát triển bền vững, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh được coi là một hướng tiếp cận mới, hiệu quả, thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế, cũng như khắc phục được các tồn tại trước đây do tăng trưởng kinh tế gây ra.
Tuy nhiên, xét trên phạm vi cả nước, con số các tỉnh, thành phố đạt được những thành công bước đầu như Quảng Ninh còn rất hạn chế. Nhiều địa phương chần chừ trong triển khai xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Việc huy động các nguồn lực tài chính cho xây dựng, thực hiện các nội dung của hai chính sách này còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế dần bị cắt giảm những năm gần đây. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đặt ra các thách thức lớn cho nhiều địa phương, nhất là các địa phương có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và các ngành nghề thâm dụng lao động, tài nguyên.
Triển vọng, tiềm năng và thách thức trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Là một quốc gia được dự báo chịu tác động lớn của biến đối khí hậu, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh không chỉ là mối quan tâm hàng đầu như một động lực phát triển và công cụ định hướng nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, mà còn giúp Việt Nam ứng phó và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn, song cơ hội và triển vọng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam cũng rất lớn.
Đối với Việt Nam, thuận lợi đầu tiên có thể kể đến là sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thông qua các tổ chức phát triển như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chương trình phát triển Liên hợp Quốc (UNDP), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID)…
Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo phân bổ rộng khắp trên cả nước. Sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp. Tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện nhỏ (<30MW) hơn 4.000MW. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp đất nước. Vị trí địa lý của Việt Nam với hơn 3.400km đường bờ biển cũng giúp Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió với tiềm năng ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2 /năm (Tường Tú, 2015).
Là một quốc gia đi sau trong triển khai thực hiện, lồng ghép và áp dụng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam có nhiều cơ hội để học tập các mô hình tăng trưởng xanh hiệu quả và tận dụng các hỗ trợ từ các quốc gia tiên phong như Nhật Bản, Hàn Quốc ở Châu Á và Đức, Anh, Pháp ở Châu Âu.
Được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia, Việt Nam đang thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể là thông qua kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh còn được phản ánh qua những thay đổi của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Dù cơ hội và triển vọng áp dụng chính sách về tăng trưởng xanh khá rộng mở, song không ít thách thức cũng đang đặt ra cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt là khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực và trình độ công nghệ phục vụ cho tăng trưởng xanh.
Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khai thác thô, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng hóa thạch cho phát triển kinh tế và tiêu dùng. Với đặc điểm là một nước sản xuất nông nghiệp, việc chuyển dịch sản xuất theo hướng hiện đại, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đang là thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là tại các địa phương nghèo, các tỉnh miền núi.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ cho việc phát triển năng lượng tái tạo, song do đây là ngành công nghệ mới, với vốn đầu tư lớn và ẩn chứa nhiều rủi ro nên chưa thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ giá cũng như đảm bảo giá mua ổn định cho năng lượng tái tạo, do đó thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn phát triển tương đối chậm nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.
Trình độ công nghệ ở một số lĩnh vực như nông nghiệp, lắp ráp vẫn ở mức thấp, đầu tư nước ngoài chủ yếu vẫn ở các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và tài nguyên, điều này đặt ra các thách thức cho các địa phương trong việc đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, giảm tiêu hao, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về tài chính, dù Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên tích lũy ngân sách cho việc thực hiện tăng trưởng xanh còn rất thấp. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, việc huy động các nguồn hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật đang gặp nhiều khó khăn không chỉ ở trong nước mà cả từ các nhà tài trợ quốc tế.
Bên cạnh đó, tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh vẫn bị xem nhẹ ở một số địa phương. Điều này dẫn tới tình trạng chặt phá rừng, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên, xả thải trực tiếp ra môi trường và hủy hoại thiện nhiên còn phổ biến. Trình độ và nhận thức của người dân về tăng trưởng xanh và các nội dung liên quan như cắt giảm khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, tiêu dùng xanh và bền vững còn chưa đầy đủ.
Khơi dậy tiềm năng, đẩy lùi thách thức
Nhằm gỡ bỏ các khó khăn trước mắt, Việt Nam cần huy động các nguồn lực và cơ chế tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ tư nhân cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường như thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ các-bon để đảm bảo tính bền vững và nguồn lực tài chính ổn định cho tăng trưởng xanh. Đối với cơ chế tài chính cho tăng trưởng xanh ở cấp địa phương, cần phân cấp rõ nguồn vốn tài chính trung ương và địa phương cho tăng trưởng xanh cũng như đa dạng hóa các hình thức thu hút, huy động tài chính cho tăng trưởng xanh như phát hành trái phiếu xanh ở các địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu và sử dụng các công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, việc đảm bảo giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo cũng cần được sớm ban hành. Các cơ chế mới này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp tại địa phương mạnh dạn thay đổi các công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm bằng các công nghệ mới với năng suất và hiệu quả cao hơn trong sử dụng các nguồn tài nguyên.
Về cơ cấu kinh tế, cần tăng dần tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chú trọng đầu tư tận dụng lợi thế từ nguồn năng lượng tái tạo, nhất là nguồn năng lượng sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp và năng lượng gió từ đường bờ biển dài hơn 3400km. Hơn nữa, cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ vốn, đất đai và đảm bảo giá đầu ra nhằm khuyến khích nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Việc chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương trước hết cần nhận được sự đồng thuận từ các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân. Do đó, công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết. Với sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, công tác tuyên truyền, giáo dục về Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cần được thực hiện thông qua các hình thức gần gũi với các tầng lớp nhân dân như triển lãm ảnh, quảng cáo các sản phẩm về tăng trưởng xanh trên mạng xã hội, thi tìm hiểu kiến thức về tăng trưởng xanh trên truyền hình, phát động các sáng kiến, bộ phim ngắn về tăng trưởng xanh cũng như đưa các nội dung liên quan tới tăng trưởng xanh vào chương trình giảng dạy ở các cấp học.
Hiểu rõ được Chiến lược tăng trưởng xanh, các thách thức và triển vọng, cùng với nỗ lực của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu nhất định trong tương lai, nhất là ở các khâu sản xuất, khai thác và tiêu dùng.
Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư
Tài liệu tham khảo:
1. Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam. 2016. Bình luận về Quy hoạch Điện 7 hiệu chỉnh. Nguồn: http://bit.ly/btcs00432.
2. Hoàng Thị Thu Hường. 2014. Thực trạng năng lượng tại tạo Việt Nam và hướng phát triển bền vững. Nguồn: http://bit.ly/btcs00433.
3. Viện Khoa học Công nghệ và Phát triển Nông thôn. 2015. Đề xuất khoa học công nghệ, Biến rác phế thải nông lâm nghiệp thành tài nguyên để tái chế thành năng lượng sạch, sản phẩm sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống và vệ sinh môi trường. Nguồn: http://bit.ly/btcs00434.
4. Nguyễn Thế Phương. 2015. Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Xu hướng và thực tiễn. Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 23. Nguồn: http://bit.ly/btcs00435.
5. UBND tỉnh Quảng Ninh. 2015. Kế hoạch triển khai thực hện chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Nguồn: http://bit.ly/btcs00436.
6. Tường Tú. 2015. Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác phát triển năng lượng sạch. Nguồn: http://bit.ly/btcs00437.