ThienNhien.Net – Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong tháng 9 sẽ phân bổ tiền bồi thường của Formosa đến tận tay người dân các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng ô nhiễm biển.
Ngày 30/8, Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ 500 triệu USD tiền bồi thường do sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.
“Đầu tháng 9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ làm việc tại miền Trung (cụ thể là Hà Tĩnh) về các nội dung: đời sống người dân; việc hỗ trợ người dân; phân bổ kinh phí bồi thường do gây ô nhiễm môi trường biển; việc Formosa phải thực hiện các công việc gì…
Căn cứ trên việc kê khai mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của từng vùng miền, sẽ phân bổ tiền bồi thường của Formosa đến tận tay người dân” – Bộ trưởng Hà nói.
Theo lộ trình, đầu tháng 9 sẽ chuyển tiền bồi thường đến người dân trên cơ sở kê khai, thẩm định, đánh giá của các địa phương về các thiệt hại do sự cố Formosa gây ra. Sau đó, các địa phương cùng Bộ NN&PTNT sẽ tính toán các chính sách phù hợp với từng địa phương, từng cộng đồng dân cư, hỗ trợ công ăn việc làm, sinh kế…
“Nội dung này sẽ phải tính toán, trao đổi trên ý kiến, nguyện vọng của người dân xem bộ phận dân cư nào có thể ra khơi, cần đóng tàu lớn; bộ phận nào vẫn tiếp tục khai thác đánh bắt gần bờ; những vùng có khả năng chuyển đổi sang nông nghiệp thì cũng phải hỗ trợ”, Bộ trưởng TN&MT khẳng định.
Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ huy động các ngành công nghiệp thu hút lao động đông người, hay như vấn đề xây dựng hạ tầng cho các khu công nghiệp; cầu tàu, cầu cảng để đánh bắt gần bờ.
Tiếp tục giám sát chất lượng nước biển
Bộ trưởng Hà cũng cho hay, bước tiếp theo là hoàn thiện (hồ sơ, quy trình…) để xử phạt hành chính, sau đó đánh giá, kiểm tra để thống nhất phê duyệt phương án khắc phục vi phạm, tồn tại của Formosa.
Trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan trung ương giám sát, kiểm soát nguồn thải của Formosa. Về lâu dài, sẽ đặt hệ thống quan trắc môi trường biển để không chỉ giám sát Formosa mà còn giám sát các nguồn thải nói chung, khi có hiện tượng ô nhiễm hoặc các hiện tượng bất thường có thể nhận biết được ngay và xác định được luôn nguồn thải.
Về 3 khu vực quan trắc chưa đạt quy chuẩn môi trường biển ở mức cho phép, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sẽ tiếp tục giám sát chất lượng nước ở các vùng này.
“Tuy đã đạt quy chuẩn nhưng vẫn còn khả năng nồng độ ô nhiễm vẫn cao hơn nồng độ trung bình cho phép ở các nơi khác do đặc thù riêng về lớp trầm tích, dòng xoáy, hải lưu…
Về việc xử lý những tồn lưu dưới biển, với khả năng tự làm sạch của biển và kết quả của các nhà khoa học phân tích từ trầm tích cho đến nước đáy, nước mặt, nước ngầm cho thấy, không phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm thượng lưu, đó là điều may mắn.
Từ nay đến cuối tháng 9, nếu môi trường biển được làm sạch hoàn toàn ở ba điểm đó thì mới tuyên bố biển đã được làm sạch hoàn toàn, đã an toàn trên 2 phương diện: chất lượng môi trường (lớp trầm tích đáy, nước đáy, nước tầng giữa và nước mặt) và chất lượng hải sản.
“Bộ Y tế tiếp tục theo dõi an toàn hải sản bởi ô nhiễm môi trường dù đã hết nhưng trong con cá vẫn phải có thời gian trễ hơn để tự đào thải, bài tiết… Chỉ khi nào kiểm tra toàn diện mà hải sản đánh bắt lên được kiểm tra không còn tồn lưu bất kỳ chỉ số không cho phép nào, lúc đó mới khẳng định hải sản an toàn. Nhiệm vụ đó Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục”, ông Hà nói.