ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý dừng chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn để xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phôk, tỉnh Đắk Lắk.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo việc không xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích 63 ha đất lâm nghiệp tại Vườn quốc gia Yok Đôn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị chuyên đề về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, vào năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO) lập dự án nhà máy thủy điện Đrang Phôk với công suất 26MW tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Theo hồ sơ thiết kế, Nhà máy thủy điện Đrăng Phôk xây dựng theo kiểu đập dâng trên sông Sêrêpôk có công suất dự kiến 26 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỷ đồng. Khi xây dựng thủy điện Đrăng Phôk, dự án sẽ chiếm 308,7 ha đất, trong đó có 295,4 ha đất Vườn Quốc gia Yok Đôn và 28,88 ha rừng đặc dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ngay từ những ngày đầu tiên được phê duyệt, dự án đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía người dân và chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn. Nhiều nhà khoa học cũng cảnh báo dự án sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường về tài nguyên và môi trường, nên cần phải xem xét lại việc được mất giữa nhà máy và môi sinh.
Sau khi bị chính quyền địa phương phản đối và các cơ quan ngôn luận đồng loạt vào cuộc, dự án đã bị tạm dừng để đánh giá lại các tác động. Tuy nhiên, Chủ đầu tư TECCO vẫn quyết tâm theo đuổi dự án. Bằng chứng là tại Hội thảo tham vấn ý kiến về các tác động môi trường và các giải pháp khắc phục dự án “Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đrang Phôk” được tổ chức hồi tháng 3/2016, Tập đoàn này cho biết đang hoàn tất các thủ tục có liên quan để dự án được triển khai trong thời gian tới.
Tuy nhiên, kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 cho biết, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên và dừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến đất rừng Tây Nguyên.
Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 5 năm (2010-2014), trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu mét khối. Trong khi đó, các đập thủy điện dù mang lại lợi ích lớn nhưng nếu không tính toán kỹ sẽ gây ra thảm họa khôn lường về môi trường cũng như đời sống, tính mạng của người dân.