ThienNhien.Net – Từ lâu, Tiền Phong được biết đến là một trong những xã phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) mạnh ở huyện Thường Tín. Xã có 5 thôn thì 3 thôn được công nhận làng nghề, gồm: làng nghề mộc dân dụng Thượng Cung; làng nghề điêu khắc – mộc Định Quán và làng nghề chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu. TTCN phát triển đã giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá, nhưng cũng gây ra những lo lắng về ô nhiễm môi trường làng nghề, đặc biệt là từ phế thải nghề sản xuất chăn ga, gối đệm.
Mịt mù khói, bụi
“Ngày nào cũng vậy, trừ ngày mưa, từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau, hố chôn lấp chất thải rắn ở đội 7, thôn Trát Cầu luôn trong tình trạng rực lửa, khói bụi nghi ngút, khét lẹt, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc các bệnh về đường hô hấp. Nguyên nhân là người dân thôn Trát Cầu tự đốt chất thải nguy hại (chủ yếu là vải vụn, bông ép, sợi…) phát sinh trong quá trình sản xuất chăn ga, gối đệm. Vào những ngày ẩm ướt, chất thải cháy âm ỉ cả ngày nên không khí trong làng càng thêm ngột ngạt, khó chịu” – ông N., một người dân sống ở đội 3, thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới bằng những phàn nàn. Để hạn chế ảnh hưởng từ khói, nhiều hộ dân trong thôn phải đóng cửa im ỉm.
Người dân thôn Định Quán cũng bức xúc không kém. Ông Nguyễn Văn Tức, Trưởng thôn Định Quán nhẩm tính: Tình trạng ô nhiễm môi trường do khói đốt chất thải rắn đã diễn ra gần chục năm. Chất thải được đốt là của thôn Trát Cầu, nhưng người dân thôn này lại không bị ảnh hưởng nhiều bằng người dân đội 3, thôn Thượng Cung và đội 4, thôn Định Quán. Trong các kỳ họp HĐND xã, hay tiếp xúc cử tri, người dân thôn Định Quán, Thượng Cung đều kiến nghị UBND xã Tiền Phong, UBND huyện Thường Tín và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng đốt chất thải tùy tiện tại Trát Cầu; xây dựng lò đốt rác cho làng nghề nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, hoạt động đốt rác vẫn diễn ra từ năm này qua năm khác, gây bức xúc trong nhân dân.
Vài năm gần đây, làng nghề chăn ga, gối đệm Trát Cầu rất phát triển. Thôn có 1.300 hộ, trên 4.500 nhân khẩu thì hơn 80% số hộ làm nghề sản xuất chăn ga, gối đệm. Do đặc thù của nghề nên lượng chất thải phát sinh hằng ngày tương đối lớn (khoảng 4m3/ngày). Đoạn đường từ đội 7 đi vào bãi rác của xã Tiền Phong chỉ dài khoảng 400m, nhưng hai bên đường đầy chất thải của làng nghề Trát Cầu (chủ yếu là vải vụn). Tương tự, trên đoạn đường từ trục chính vào hố chôn lấp rác cũng ngổn ngang chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt và phế thải xây dựng. Tại khu vực hố chôn lấp, lượng rác tập kết không nhiều nhưng đầy tro bụi và khói từ đống rác gần đó đang âm ỉ cháy, kèm mùi khét lẹt. Chỉ đứng tại đây chừng 5 phút, phóng viên đã không thể chịu nổi.
Chưa có giải pháp!
Trao đổi với phóng viên về những phản ánh của người dân, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong thừa nhận phản ánh của người dân là đúng thực tế. Song theo ông, mấy năm gần đây, tình trạng ô nhiễm khói, bụi do người dân đốt chất thải rắn tại làng nghề Trát Cầu (chủ yếu là vải vụn) đã giảm nhiều so với khoảng 10 năm trước. Vì thời điểm đó, ngoài nghề sản xuất chăn ga, gối đệm, làng Trát Cầu còn có nghề thu mua vải vụn từ khắp các nơi rồi phân loại để bán. Số vải vụn thừa được các hộ dân châm lửa đốt quanh làng, khiến không khí luôn đặc quánh bởi khói bụi, môi trường ô nhiễm nặng.
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường kể trên, ông Minh cho biết, từ năm 2010, UBND TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng tại làng nghề Trát Cầu một hố chôn lấp chất thải rắn rộng 800m2 bằng công nghệ tiên tiến (xây ô, lót vải dưới đáy hố…). Tuy nhiên, do lượng rác thải làng nghề quá lớn, đến năm 2013 hố chôn lấp đã đầy. Không còn chỗ đổ chất thải rắn, một số người dân Trát Cầu đã tự tìm giải pháp xử lý là… đốt trộm. Để hạn chế việc đốt chất thải tại làng nghề Trát Cầu, từ nhiều năm nay, UBND xã Tiền Phong đã giao cho lãnh đạo thôn cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, xử lý việc đốt chất thải tại hố chôn lấp cũng như những nơi khác, nhưng không hiệu quả vì người dân cố tình đốt bất kể ngày đêm. Đến nay xã chưa có giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm do việc đốt chất thải tại làng nghề Trát Cầu.
Theo quy định, chất thải rắn nguy hại tại các làng nghề phải được thu gom và vận chuyển đi xử lý, nhưng do chi phí trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn làng nghề hiện nay cao, nên người dân Trát Cầu đã chọn giải pháp đổ chất thải làng nghề lẫn vào rác thải sinh hoạt, hoặc là đốt. Để khắc phục tình trạng đốt chất thải rắn tại làng nghề Trát Cầu, rất mong các cơ quan hữu quan và UBND huyện Thường Tín đầu tư xây dựng điểm xử lý chất thải rắn làng nghề trên địa bàn, đồng thời xây dựng đơn giá chung thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải làng nghề với mức hợp lý. Có như vậy mới thu gom, xử lý triệt để được chất thải rắn nguy hại tại làng nghề Trát Cầu nói riêng và tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội nói chung, giúp người dân được sống trong môi trường trong lành, không khói, bụi ô nhiễm.