Hành lang thoát lũ, giải pháp gỡ “bom đất” ở Lào Cai?

ThienNhien.Net – Nỗi ám ảnh mang tên “bom đất” với tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung rất có thể sẽ được giảm thiểu nếu sớm có hành lang, cơ sở pháp lý quy định rõ vùng ảnh hưởng của đường lũ đi qua đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thiếu hành lang, cơ sở pháp lý quy định vùng ảnh hưởng của đường lũ đi qua khiến rất nhiều căn nhà tại Lào Cai trở thành 'con mồi' của lũ lụt, sạt lở đất (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thiếu hành lang, cơ sở pháp lý quy định vùng ảnh hưởng của đường lũ đi qua khiến rất nhiều căn nhà tại Lào Cai trở thành ‘con mồi’ của lũ lụt, sạt lở đất (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thiếu hành lang thoát lũ

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thành, chuyên gia thuộc Viện Địa chất là người đã trực tiếp nghiên cứu các vấn đề liên quan đến bão lũ, thiên tai tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong nhiều năm. Trước những thiệt hại do bão lũ, sạt lở gây ra đối với Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, ông cho rằng: Điều quan trọng nhất là cần phải sớm xây dựng hành lang gồm những quy định, cơ sở pháp lý cụ thể về đường đi, phạm vi ảnh hưởng của lũ để giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Tiến sỹ Thành cho hay: Thực tế hiện nay, tại Việt Nam đang thiếu những công trình nghiên cứu rõ về mức độ ảnh hưởng của đường lũ đi qua. Vì vậy, câu chuyện người chết, nhà sập, núi đá đổ chưa lúc nào dừng mỗi mùa bão tới.

“Ở nước ta tồn tại một vấn đề, đó là hiểu biết về thiên tai và sự cố môi trường của cộng đồng, xã hội còn hạn chế, mang nặng tính bị động. Khi thiên tai xảy ra thì ứng phó, chứ chưa có nhiều những biện pháp ban đầu, chuẩn bị trước. Đây là vấn đề chung của nhiều nước kém phát triển chứ không riêng gì nước ta”- tiến sỹ chia sẻ.

Một nhà máy thủy điện ở xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) chìm nghỉm sau cơn lũ dữ đi qua (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một nhà máy thủy điện ở xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) chìm nghỉm sau cơn lũ dữ đi qua (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Thành phân tích thêm: Lũ hình thành tại các thung lũng (gọi là “lò phát sinh lũ”), khi mưa xuống tạo thành dòng chảy, do độ dốc khiến vận tốc dòng chảy rất lớn, quét sạch nhà cửa trên đường lũ đi qua, sau đó khi tới đồng bằng giữa núi, vận tốc giảm, đất đá bị cuốn trôi trước đó bắt đầu đùn lên trên vùi lấp nhà cửa tại nơi lũ dừng lại. Những vùng lũ quét qua cũng như vùng tích lũy cần phải có hành lang chỉ rõ phạm vi an toàn lũ không ảnh hưởng đến.

“Việc tính toán cũng không quá khó khăn, ta căn cứ theo các số liệu về bão lũ đã có, chọn ra mực nước lũ lịch sử cao nhất trong vòng 50 năm qua chẳng hạn, lấy đó là tiêu chuẩn để xác định phạm vi ảnh hưởng của lũ, trong phạm vi trên, quy định rõ việc cấm sinh sống, xây dựng nhà ở tại khu vực trên. Ở Nepal họ từng thực hiện việc này rất tốt,” tiến sỹ nhận định.

“Có một tâm lý dễ hiểu là tiếc đất, cho rằng phạm vi trên mà bỏ không thì phí, theo tôi, lũ một trận dù chỉ kéo dài 3 đến 5 giờ đồng hồ, nhưng sức tàn phá của nó rất khốc liệt. Tất nhiên là phải tính toán cho hợp lý, nhưng bão này qua, lũ kia tới, đừng để lúc nào cũng bị động,” tiến sỹ Thành chia sẻ.

Việc thiếu đi hành lang thoát lũ cũng là một trong những lý do khiến việc di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm trở nên khó khăn. Các địa phương đều nhận thức được việc hạn chế dân cư trên đường đi của lũ, nhưng phạm vi tránh tới đâu, thì chưa có quy định nào cụ thể, dẫn tới lúng túng trong quá trình di dời dân cư. Không có kinh phí từ trung ương, địa phương và cả người dân đều gặp khó khăn trong việc việc di dời cũng như ổn định cuộc sống. Bản thân người dân, kể cả có muốn di dời, cũng không biết di dời đi đâu.

Bản thân tiến sỹ Nguyễn Quốc Thành, trong quá trình nghiên cứu về bão lũ tại các tỉnh miền Bắc, ông đã nhiều lần đề xuất ý kiến trên. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định: về nguyên tắc thì làm được, nhưng để làm thì rất khó, nguyên do chủ yếu là từ vấn đề kinh phí và nguồn nhân lực hiện tại của địa phương và chính phủ chưa thể đáp ứng.

“Khó khăn trước mắt, chính là cần một khoản kinh phí không hề nhỏ đề di dời và ổn định dân cư sinh sống từ trước khi phạm vy hành lang thoát lũ được xây dựng. Trước đó nữa, kinh phí và nhân lực cho một công trình cụ thể, phát triển đề tài nghiên cứu cũng đáng lưu tâm”, ông Thành ái ngại.

Cần đánh giá lại công trình đường bộ để chống sạt lở

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thành đưa ra một nhận định rất đáng lưu tâm: Những nhà ở xây dựng trên cao của đồng bào dân tộc, thực ra lại ít nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở hơn những ngôi nhà được xây trên địa hình bằng phẳng. Ngoài yếu tố sạt lở từ trên xuống do thói quen canh tác (làm ruộng bậc thang, tích tụ nước mưa gây ra khe nứt), nhà ở xây trên sườn đồi núi vô tình bị vạ lây bởi việc xây dựng các công trình giao thông phía dưới.

“Khi xây dựng các công trình giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng đi qua các khu sườn dốc, vô tình đơn vị thi công làm tăng độ dốc. Hiện tượng trượt lở có tính lan truyền, khi đã trượt, sẽ tiếp tục trượt cho đến khi nào có được sự cân bằng thì mới ổn định”. Ông Thành lý giải.

“Đại bộ phận người miền núi, họ đều xây nhà trên sườn núi, chúng ta đều quan niệm nguy cơ chỉ đến do đá lở từ trên xuống, nguyên do từ thói quen canh tác trên cao, nhưng ít ai để ý đến rủi ro từ dưới lên khi đất đá trượt lở dần dần đến vị trí sinh sống của họ.

Trong tương lai, sẽ còn rất nhiều căn nhà nằm trong vùng nguy hiểm sẽ chịu hậu quả thảm khốc như thế này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong tương lai, sẽ còn rất nhiều căn nhà nằm trong vùng nguy hiểm sẽ chịu hậu quả thảm khốc như thế này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện tượng trên làm các hộ dân ở phía trên bị vạ lây. Cho nên, khi xây dựng cần phải tính toán để có biện phát xử lý chống trượt lở”, tiến sỹ nhận định.

Tuy nhiên, trên thực tế, yếu tố mà ông đề cập đến thường bị các đơn vị thi công bỏ qua, không tính đến…

Lấy ví dụ từ Quốc lộ 4D, hai cơn bão vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho tuyến đường huyết mạch từ thành phố Lào Cai lên huyện Sapa. Hậu quả từ cơn bão số 2 khắc phục chưa được bao lâu, tuyến đường này lại nhanh chóng chịu sự tàn phá còn nặng nề hơn từ cơn bão số 3 với hàng chục điểm sạt lở, giao thông ách tắc kéo dài.

Theo tiến sỹ Nguyễn Quốc Thành: đường 4D đoạn chạy qua tỉnh Lào Cai có nhiều taluy rất cao và dốc. Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã có nhiều nổ lực để khắc phục, nhưng chưa đủ.

“Quan điểm của tôi, đối với tuyến đường này, nên làm đánh giá lại để xác định được những điểm có mái dốc nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao và ưu tiên xử lý những điểm này trước.”, tiến sỹ nhận định và đưa ra một số giải pháp như: làm kè, khoan vào mái dốc tạo đường thoát nước hay đóng trụ để neo các trụ đá.

Theo chuyên gia này, cần phải sớm có phương án khắc phục, ngoài đảm bảo tuổi thọ công trình, tránh ách tắc, gây thiệt hại về kinh tế xã hội, còn là để bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống dọc trên tuyến đường, trên miền cao.

Nguồn: