ThienNhien.Net – Trước thềm Hội nghị không chính thức các nhà tài trợ Ủy hội sông Mê Kông (MRC) vào ngày mai, hôm nay Liên minh Cứu Sông Mê Kông (Save the Mekong – StM) đã gửi thư tới các nhà tài trợ MRC, bày tỏ những quan ngại sâu sắc về vai trò của MRC cũng như các vấn đề xung quanh việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Trong bức thư ngỏ, Liên minh StM đã kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục yêu cầu MRC minh bạch hóa các dự án đập đang xây dựng thông qua việc công bố đầy đủ các nghiên cứu nền, đánh giá tác động xuyên biên giới và minh chứng hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu được đề xuất. Liên minh cũng đề nghị các đối tác phát triển của MRC tiếp tục kêu gọi MRC và chính phủ Lào công bố thiết kế hiện tại của đập Xayaburi và làm rõ tình trạng của quy trình Thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCN) đối với đập Don Sahong.
Theo StM, hiện nay đập Xayaburi đã hoàn thiện được 60% trong khi đó bản thiết kế chưa bao giờ được công bố đầy đủ, phản biện độc lập, hay được đánh giá về mặt hiệu quả giảm thiểu tác động. Đặc biệt, bản thiết kế lại này bao gồm đường đi của cá, một chi tiết vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực của địa phương và toàn khu vực, vốn rất cần được công bố rộng rãi và chia sẻ với những cộng đồng bị đe dọa bởi hoạt động phát triển thủy điện.
Bên cạnh đó, nhà máy phát điện của dự án thủy điện Don Sahong cũng đã được Lào chính thức khởi công vào tuần trước. Dự án này thực ra đã được gấp rút triển khai từ đầu năm nay, mặc dù những lo ngại cũng như yêu cầu đánh giá tác động xuyên biên giới và các tác động khác của con đập mà chính phủ Campuchia, Việt Nam và Thái Lan đưa ra vẫn chưa hề được hồi đáp. Đến nay chính phủ Lào và đơn vị phát triển dự án không hề cung cấp bất cứ tài liệu nào từ đánh giá nền, nghiên cứu giám sát cá hay bất kì thông tin nào khác.
Đáng chú ý hơn, chính phủ Lào gần đây cũng đã công bố kế hoạch dự kiến xây dựng đập Pak Beng vào năm 2017 – dự án thủy điện thứ ba trên dòng chính sông Mê Kông.
Chính vì vậy, theo Liên minh StM, dòng sông Mê Kông hiện đang bị khai thác để làm thử nghiệm cho các công nghệ mới chưa được chứng minh, đặt an ninh lương thực, sinh kế và quyền con người của hàng triệu dân Lưu vực Mê Kông trước rủi ro vô cùng lớn. Cách tiếp cận này vốn bị bản Đánh giá môi trường Chiến lược năm 2010 của MRC phản đối kịch liệt.
MRC cũng đã bước đầu xem xét lại một số quy trình, thủ tục của mình, bao gồm các quy trình ra quyết định xây dựng thủy điện trên dòng chính như Quy trình Thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận trước (PNPCA). Về điều này, StM cũng kêu gọi các đối tác phát triển của MRC đề nghị cơ quan này cải cách các quy trình trước khi có bất cứ dự án nào được khởi công trên sông Mê Kông, bao gồm quy định về đánh giá tác động tổng thể, công bố thông tin, sự tham gia của công chúng một cách có ý nghĩa và quy chế minh bạch về giải quyết bất đồng.
StM nhấn mạnh, MRC có thể và cần thiết phải thể hiện vai trò của mình và đồng thời kêu gọi các đối tác phát triển của MRC cân nhắc lại những hỗ trợ của mình nếu MRC không hoàn thành được mục tiêu đảm bảo tinh thần và các nguyên tắc của Hiệp định Mê Kông năm 1995.