ThienNhien.Net – Việt Nam có 3.260 km đường biển trải dài từ Bắc tới Nam. Rừng ngập mặn hiện diện ở ven biển và các vùng đất ngập nước ở khắp 29 tỉnh và thành phố cả nước. Nhận thức tầm quan trọng của rừng ngập mặn, nhiều chương trình trồng và tái phục hồi rừng ngập mặn đã được triển khai. Đến nay, tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng việc phát triển rừng ngập mặn vẫn còn nhiều thách thức và những hạn chế cần khắc phục.
Theo nhiều nguồn thống kê, năm 1943 cả nước ta có tổng diện tích khoảng 408.500 ha rừng ngập mặn, trong đó có 329.000 ha ở miền Nam. Trong giai đoạn chiến tranh, từ 1962 đến 1975, rừng ngập mặn nguyên sinh giảm mạnh do thay đổi trong sử dụng đất qua quá trình hình thành đô thị và canh tác, như mở rộng khu vực nuôi tôm. Từ 1990 đến 2000, gần 30% rừng ngập mặn của Việt Nam đã bị phá hủy. Tình trạng phá rừng ngập mặn để nuôi tôm đã góp phần gây nên hiện tượng xói lở bờ biển nghiêm trọng, xâm nhập mặn và giảm đa dạng sinh học các loài thủy sinh. Nhìn nhận những mất mát từ phá hủy rừng ngập mặn, nhiều nỗ lực tái trồng rừng và quản lý rừng ngập mặn đã được triển khai và nhờ vậy diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam đã tăng lên mức 209.000 ha vào năm 2006.
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về số lượng các loại cây rừng ngập mặn và cây tham gia rừng ngập mặn (mangrove associated trees) ở Việt Nam. Sự khác biệt trong phương pháp luận, phân loại, quy mô bản đồ hóa… có thể sẽ dẫn đến sự thiếu nhất quán trong ước tính về dữ liệu rừng ngập mặn. Theo nghiên cứu của Phan Nguyên Hồng và Hoàng Thị Sản (1993), có 69 loài cây rừng ngập mặn được ghi nhận ở miền Nam và 34 loài ở miền Bắc. Các vùng rừng ngập mặn, từ biển tới đất liền, chủ yếu có các loài sau: cây mắm (Avicennia) – loài cây tiên phong trong bãi bùn ngập theo triều, cây đước (Rhizophoraceae), loài cây giúp ổn định nền đất phù sa; cây bần (Sonneratia), cây dừa nước (Nypa) cùng các loài khác trồng xa biển hơn trên đất liền. Tại ĐBSCL, các loài cây rừng ngập mặn chủ yếu là Bần chua (Sonneratia caseolaris); Mấm trắng (Avicennia alba); Mấm biển (Avicennia marina); Đước (Rhirophora apiculate); Đưng (Rhirophora mucronata); Vẹt tách (Bruguiera parviflora); Vẹt trụ (Bruguiera cylindrical); Dà (Ceriop decandra); Cóc vàng (Lumnitzera racemose); Xu ổi (Xylocarpus granatum); Dừa nước (Nypa frutican); và Tra (Threspecia populnea).
Theo Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng của Việt Nam, ban hành năm 2004, rừng ngập mặn được chia làm 3 loại, dựa trên chức năng của chúng, bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Trong đó, rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước và đất, bảo vệ xói lở và sa mạc hóa, điều hòa khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Rừng đặc dụng được sử với mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, thương mại gỗ và các sản phẩm rừng ngoài gỗ.
Trồng và khôi phục rừng ngập mặn
Năm 1998, Quốc hội đã thông qua Chương trình Quốc gia trồng và phát triển 5 triệu ha rừng. Chương trình đã được triển khai với quyết định số 881/QĐ/TTg nhằm nâng tổng diện tích rừng toàn quốc lên 14 triệu ha vào năm 2010, tương đương với tăng độ che phủ rừng xấp xỉ 43%. Một triệu ha rừng trong chương trình này đã được trồng ở các khu vực đầu nguồn ven biển, tạo nên bức tường chắn gió, chắn cát và bảo vệ đê biển. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình chưa đạt được mục tiêu ban đầu. Cụ thể, trong giai đoạn 1998- 2005, tổng diện tích rừng trồng mới chỉ đạt 70%, trồng rừng công nghiệp mới chỉ đạt 49% mục tiêu.
Giữa năm 1991 và 2002, tám tỉnh ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình và Nam Định đã nhận nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế để tái trồng 14.000 ha rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, một số khu bảo tồn rừng ngập mặn như Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Tiền Hải, Khu BTTN đất ngập Thạnh Phú, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng được hỗ trợ trong chương trình quản lý rừng ngập mặn. Giai đoạn 2004-2007, Chương trình Bảo vệ và Phát triển đất ngập nước ven biển của Ngân hàng thế giới (WB) đã thực hiện trồng khoảng 4.662 ha rừng ngập mặn và 1.214 ha cây phân tán ở các tỉnh miền nam ĐBSCL.
Việt Nam kỳ vọng phát triển thêm 100.000 ha rừng ngập mặn trong thập kỷ này nhằm khôi phục diện tích rừng ngập mặn đã mất trong quá khứ. Tháng 1/2010, Việt Nam đã trở thành thành viên đầy đủ của Sáng kiến Rừng ngập mặn vì tương lai và được hỗ trợ trồng, khôi phục rừng ngập mặn.
Ngoài ra, Chương trình Quản lý Tổng hợp Vùng ven biển (ICMP) bắt đầu được triển trong ĐBSCL giai đoạn 2011-2017. Dự án ICMP được Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) thực hiện và với sự đồng hỗ trợ tài chính của Cục Đối ngoại và Thương mại Austrailia (DFAT). Có ba hướng tiếp cận trong dự án này: thực hiện tái trồng rừng ngập mặn và sử dụng hệ sinh thái ngập mặn để bảo vệ bờ biển; hỗ trợ người dân địa phương ven biển ứng phó và thích nghi với các rủi ro thiên tai cũng như tác động của biến đổi khí hậu; và hợp tác xuyên biên giới để bảo vệ vùng ven biển và phát triển thích ứng biến đổi khí hậu. Theo GIZ (2014), với chương trình này, đê biển của chừng 99% đường bờ vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu sẽ không còn chịu tác động trực tiếp của sóng biển; hơn 600 ha rừng ngập mặn ven biển được tái trồng; hơn 22 mô hình sinh kế mới được 8.500 hộ gia đình thực hiện, giảm sức ép môi trường và nâng thu nhập của người dân tới 60% so với trước dự án.
Còn đó nhiều thách thức
Dưới tác động của những rủi ro thiên tai trong khu vực và biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như những thay đổi trong sử dụng đất, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong hiện tại và tương lai, khi nhiệt độ tăng cao hơn, mưa bất thường, bão nhiệt đới, mực nước biển tăng, xâm nhập mặn và chế độ nước thay đổi. Rừng ngập mặn dọc bờ biển hiện đang bị suy giảm mạnh. Trong khi đó, một trong những giải pháp phi công trình, đồng thời là cách tiếp cận chính để giảm nguy cơ thảm họa và giảm nhẹ biến đổi khí hậu là gia tăng diện tích che phủ rừng, bao gồm trồng rừng ngập mặn ven biển và quản lý rừng bền vững. Các nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển một vùng rừng ngập mặn có khả năng quản lý hệ sinh thái đồng bằng ven biển theo cách thích ứng với biến đổi khí hậu là khả thi.
Thừa nhận tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong hệ sinh thái ven biển và vai trò của nó như một hàng rào chắn bão, chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình quốc gia trồng và phát triển rừng trong bốn thập kỷ qua. Việc trồng rừng ven biển đã đạt được một số thành quả trong 20 năm qua. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều thách thức và rào cản đối với trồng rừng quy mô lớn và rừng ngập mặn ven biển của chính phủ cũng như chương trình 327 (với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc toàn quốc) với ngân sách quốc gia khoảng 273 triệu USD, hay chương trình 5 triệu ha rừng.
Từ những năm 1990, chính phủ đã trao quyền sử dụng hơn 9 triệu ha đất rừng cho các hộ gia đình, các cộng đồng và các đơn vị kinh tế. Bằng cách này, chính phủ đã thu hút sự tham gia của người dân địa phương trong bảo vệ rừng, phát triển trồng rừng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả các dự án vẫn được quản lý theo cách quan liêu hành chính, theo sự tiếp cận từ trên xuống. Mục tiêu và các thủ tục không minh bạch đối với các cộng đồng nghèo, đặc biệt là đối với các nhóm dân tộc thiểu số dễ tổn thương. Ngoài ra, cũng thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích; dự án đơn thuần chỉ áp vào các hộ dân nghèo mà không cân nhắc đầy đủ nhu cầu và sinh kế của họ.
Ở các khu vực ven biển, các đầm tôm xuất khẩu được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển dẫn đến hiện tượng rừng ngập mặn bị phá bỏ. Trong một số trường hợp, do thay đổi người lãnh đạo, một số hợp đồng và thỏa thuận bảo vệ rừng giữa các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương bị vi phạm.
Việt Nam có rất nhiều luật và quy định liên quan đến bảo vệ rừng và chính sách phục hồi rừng đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thực thi chính sách còn hạn chế. Mặc dù rừng ngập mặn không đảm bảo cung cấp nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương khi so sánh với tiềm năng thu hoạch từ nuôi tôm, song về dài hạn với cách tiếp cận phát triển, rừng ngập mặn có thể giảm đáng kể tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các nguy cơ thiên tai khác.
Để cải thiện thực trạng hiện nay, điều cần thiết là phải lập một khung về quy trình ra quyết định có sự tham gia bao gồm xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin đáp ứng yêu cầu của cộng đồng. Song song đó, cần nâng cao nhận thức và năng lực cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, đồng thời cải thiện phương pháp quản lý và cần giám sát tốt các cam kết và quy định về bảo tồn rừng ngập mặn.
TS. Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ (DRAGON ins. – Mekong)
TS. Maria Lourdes T. Munárriz (Trưởng Khoa Quy hoạch Đô thi và Vùng, Đại học Phillippines – Diliman)