ThienNhien.Net – Các doanh nghiệp (DN) khai thác đất, đá trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua được chính quyền TP cấp phép nhằm đáp ứng nhu cầu san lấp mặt bằng các dự án xây dựng. Tuy nhiên, khi các DN tiến hành khai thác khoáng sản đã gây nên tình trạng xói lở đồi núi, phá hủy hệ thống đường sá, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trầm trọng cho đời sống người dân.
Phá đường, lấp ruộng
Đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ), hướng về quốc lộ 14B qua địa phận huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), trong những ngày này dễ dàng bắt gặp từng đoàn xe trọng tải lớn nối đuôi nhau chạy vào TP. Có mặt tại đây, PV ghi nhận trong vài tiếng buổi sáng những ngày cuối tháng 8 đã đếm được hàng trăm lượt xe ben chạy ầm ầm, bấm còi inh ỏi.
Ông Phạm Quyết Thắng – tổ trưởng tổ 17B, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) – cho biết, nhiều năm nay, căn nhà mặt tiền nơi gia đình ông sinh sống luôn phải đóng cửa im lìm vì bụi đất, đá. “Chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương nhiều lần, rồi các ngành chức năng cũng tổ chức ra quân tuần tra, cân tải trọng, yêu cầu DN tưới nước xe… nhưng chỉ một thời gian rồi vấn nạn ô nhiễm lại tiếp diễn. Như nhà tôi đây, dù luôn đóng cửa nhưng mỗi ngày tôi cũng phải lau chùi 3 lượt” – ông Thắng ngao ngán nói.
Chúng tôi tiếp tục ngược lên hướng quốc lộ 14B, đoạn qua địa phận huyện Hòa Vang, ngoặt về thôn Phước Hậu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), nơi được xem là vùng “rốn” ô nhiễm tại Đà Nẵng. Được biết, xã Hòa Nhơn chỉ có diện tích gần 33km2 nhưng nơi đây có đến 7 mỏ đá, 4 mỏ đất đang hoạt động hết công suất mỗi ngày. Riêng thôn nghèo Phước Thuận đã có 6 mỏ đá và 3 mỏ đất được cấp phép hoạt động. Con đường vào thôn Phước Thuận từ lâu chằng chịt những vết lồi lõm do xe ben quá tải phá nát.
Bà Đặng Thị Anh (tổ 2, thôn Phước Thuận) – than thở: “Dân chúng tôi sinh sống nhiều đời rồi nhưng chưa bao giờ lại lâm vào cảnh khốn cùng như hiện giờ. Mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì đường lầy lội, trẻ con đi học ngã té túi bụi”. Chính vì quá bức xúc trước việc khai thác đất, đá gây ô nhiễm môi trường nên bà con trong thôn đã dùng đồ vật chặn xe không cho xe chở đất chạy qua khu vực dân cư. Và để hạ “nhiệt” người dân, nhiều chủ mỏ miễn cưỡng đồng ý tưới nước giảm bụi trên đường. “Họ tưới nước vài lượt/ngày chẳng thấm vào đâu trong mùa nắng nóng. Nước vừa tưới xong, đường lại khô rồi lại tiếp tục ô nhiễm” – một người dân trong thôn bức xúc.
“Vùng đất chết”, đó là lời ai oán của ông Nguyễn Hoa (tổ 2, thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) khi dẫn chúng tôi vào sâu trong các mỏ khai thác đất, đá. Từng triền đồi, ngọn núi bao bọc thôn Phước Thuận nhiều năm nay theo lời kể của ông Hoa đã bị cày xới nham nhở. Dẫn chúng tôi đến một vùng đất bằng phẳng hiếm hoi giữa tứ bề là đồi núi đang bị “mổ xẻ”, ông Hòa cho biết, khu vực này trước đây là một cánh đồng lúa màu mỡ với diện tích rộng gần 9ha. “Sau khi DN đưa phương tiện vào phá núi mở đường thì những cánh đồng bị bồi lấp hoàn toàn. DN trước bồi lấp một ít, đến DN sau bồi lấp thêm… cứ thế, nơi đây giờ chỉ còn là cánh đồng chết” – ông Anh nói như mếu.
Chính quyền “bó tay”?
Theo đại tá Trần Thanh Nhơn – Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an TP. Đà Nẵng, việc kiểm tra xử lý xe ben vi phạm trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được đơn vị lên kế hoạch phối hợp cùng các ngành liên quan thực hiện. Tuy nhiên, vị lãnh đạo của PC49 cũng thừa nhận, lực lượng chức năng hiện còn quá ít nên việc kiểm tra, xử lý xe ben vi phạm có những hạn chế nhất định. “Chúng tôi chỉ có thẩm quyền xử lý tài xế để vương vãi vật liệu gây ô nhiễm môi trường khi họ rời mỏ còn bên trong thì chúng tôi không quản lý” – đại tá Trần Thanh Nhơn nói.
Còn về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Lê Đức Toại – Trưởng phòng TNMT huyện Hòa Vang cho biết, tại khu vực thôn Phước Thuận, UBND TP vừa qua đã yêu cầu 9 DN khai thác tại đây phải “góp tiền” nâng cấp và cải tạo đường công vụ số 1,2 để người dân yên tâm đi lại. Khi PV đặt câu hỏi về vai trò giám sát, kiểm tra các đơn vị vận chuyển từ các bãi ra khu dân cư gây ô nhiễm của Phòng TNMT thì vị trưởng phòng này lại cho rằng, việc quản lý này thuộc về trách nhiệm của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện.
“Huyện đã lập tổ công tác liên ngành giám sát do Phòng Kinh tế hạ tầng chủ trì để tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát các DN khai thác khoáng sản” – ông Toại nói. Thế nhưng, trái với giải thích của ông trưởng phòng TNMT, ông Lê Đức Trí – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện lại phân trần, thẩm quyền của Phòng Kinh tế hạ tầng chỉ quản lý nhà nước, ra các văn bản để hướng dẫn các ngành cùng phối hợp. “Nếu về chức năng chính liên quan đến công tác quản lý các mỏ đất, đá trên địa bàn thì đó là nhiệm vụ của Phòng TNMT” – ông Trí nói.
Ông Nguyễn Tấn Phát – Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho rằng, chính quyền sở tại luôn thường xuyên kiểm tra các mốc giới được cấp phép tại các bãi khai thác. Ông Phát còn chia sẻ về những lợi ích của việc thu hút DN đầu tư khai thác khoáng sản thế nhưng ông Phát quên rằng người dân trong xã hằng ngày vẫn sống chung với ô nhiễm.