ThienNhien.Net – TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) đã có cuộc trao đổi với Báo Hải quan về việc kiểm soát các dự án FDI nhằm hạn chế những dự án gây ô nhiễm môi trường.
Sau những sự cố ô nhiễm môi trường đáng tiếc liên quan đến khu vực FDI, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?
Năm 2017 là tròn 30 năm Việt Nam thực hiện thu hút FDI. Chúng ta sẽ phải tiến hành tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam, xem chúng ta đã thu hút, quản lý, sử dụng vốn đầu tư FDI hiệu quả đến đâu, tác động đến kinh tế – xã hội trong suốt 30 năm qua như thế nào.
Những sự cố gần đây trong thu hút đầu tư nước ngoài như sự cố môi trường do Formosa gây ra đặt ra cho chúng ta việc phải có cách đánh giá mới, sát thực hơn về các yếu tố đem lại thành công, nguyên nhân và những tồn tại mà chúng ta đang phải tháo gỡ. Nói một cách công bằng, không thể phủ nhận vai trò và tác động tích cực của FDI vào kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua. Quá trình phát triển đó chắc chắn sẽ phát sinh tồn tại, nhưng nếu rà soát lại từng khâu và quản lý tốt hơn, chúng ta sẽ hạn chế được rất nhiều tồn tại của thu hút FDI hiện nay.
Theo ông, đã có những lỗ hổng nào trong việc thu hút FDI dẫn đến những sự cố đáng tiếc về môi trường thời gian vừa qua?
Chu trình dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam thường qua các khâu chủ yếu: Xúc tiến đầu tư (bao gồm việc tiếp cận các nhà đầu tư, giới thiệu dự án tới các nhà đầu tư), thẩm định, đánh giá dự án, sau đó là khâu cấp phép đầu tư và cuối cùng là quản lý sau cấp phép. Chúng ta đã có điểm yếu ngay từ khâu đầu tiên, mặc dù trong những năm vừa qua chúng ta đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhưng đáng tiếc trong các chương trình này danh mục kêu gọi đầu tư chúng ta đưa ra không hợp “khẩu vị” của các nhà đầu tư nên đã không tìm ra được các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ hai là yếu kém trong năng lực quản lý. Giữa các cơ quan, bộ phận thực hiện các công đoạn trong chu trình đầu tư cũng như giữa Trung ương với địa phương đã thiếu sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau. Đối với các dự án quy mô lớn như Fomorsa phải xin ý kiến của 11 bộ, ngành nhưng sau khi có ý kiến của các bộ, ngành thì không thông báo ngược trở lại về việc đã cấp phép cho dự án, thời gian triển khai xây dựng, các giai đoạn vận hành ra sao để các bộ, ngành được biết và cùng vào cuộc giám sát, kiểm tra. Chưa kể, đối với thẩm định cấp phép, chúng ta giao hết cho địa phương và rồi không biết địa phương có thực hiện đúng quy trình không. Sau khi cấp phép, do cơ chế phân cấp nên chúng ta cũng phó mặc cho địa phương, điều đó để thấy các bộ phận quản lý của Nhà nước đã không có trách nhiệm đến nơi đến chốn.
Nói vậy để thấy chúng ta có lỗ hổng về mặt hệ thống, điều này xuất phát từ hệ thống luật pháp, chính sách của chúng ta còn vướng mắc, lủng củng giữa các luật, các văn bản hướng dẫn luật… Chúng ta luôn nói phải hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách bởi hệ thống luật pháp chính sách như con đường buộc người ta phải đi theo, nhưng con đường của chúng ta lại không rõ ràng.
Có ý kiến băn khoăn về việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư là không nên, vì nếu như vậy thông thường báo cáo này sẽ rất sơ sài. Quan điểm của ông như thế nào?
Hiện nay việc báo cáo đánh giá tác động môi trường có hai cách, một là phải đánh giá trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, hai là thực hiện sau khi chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Cá nhân tôi ủng hộ cách thứ hai, nghĩa là nên phê chuẩn chủ trương đầu tư trước, theo đó phê duyệt về nguyên tắc quy mô dự án cùng với các yêu cầu, điều kiện về địa điểm, tiến độ dự án, công nghệ, lao động…, sau đó chủ đầu tư làm báo cáo đánh giá tác động môi trường để được cấp phép đầu tư. Nếu chủ đầu tư không thực hiện theo đúng thỏa thuận ban đầu thì sẽ không được cấp phép. Nếu yêu cầu phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường trước thì ít nhà đầu tư thực hiện được, cụ thể vì còn tùy thuộc vào địa điểm đầu tư được cấp phép, mỗi địa điểm sẽ có tác động môi trường khác nhau. Việc phê chuẩn chủ trương đầu tư trước sẽ giúp chủ đầu tư có cơ sở pháp lý để vào khảo sát, nghiên cứu và báo cáo sẽ cụ thể, chất lượng hơn.
Hiện nay chúng ta có khá nhiều dự án FDI trong các lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Không phải đến bây giờ chúng ta mới thấy tầm quan trọng của vấn đề môi trường, mà từ trước tới nay quản lý vấn đề ô nhiễm môi trường của chúng ta vẫn lỏng lẻo, đơn cử như sự việc của Vedan năm 2008. Hiện nay chúng ta đã có cả lực lượng Công an môi trường nhưng cuối cùng vẫn để xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Vấn đề đặt ra hiện nay là có phải đặt yếu tố môi trường lên đầu không? Tôi cho rằng không hẳn như thế. Thực tiễn thu hút FDI cho thấy, yếu tố môi trường là một trong 3 nội dung quan trọng mà FDI trong giai đoạn tới phải tính đến. Theo đó, cả 3 yếu tố gồm: Môi trường, an ninh quốc phòng và hiệu quả của nguồn vốn vào thực tiễn gắn với công nghệ, chúng ta đặt yếu tố nào lên đầu tiên cũng được.
Tôi cho rằng, để sàng lọc các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, tới đây, trong khâu đánh giá năng lực của nhà đầu tư, nên có sự lựa chọn hết sức bài bản theo hệ thống tiêu chí đã có, ưu tiên các nhà đầu tư có lý lịch tốt trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đối với thẩm định cấp phép các dự án quy mô lớn, Nhà nước cần phải thành lập một ủy ban thẩm định làm việc độc lập chứ không phải chỉ là một bộ phận thẩm định riêng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc là của riêng địa phương. Hơn nữa, yếu tố con người rất quan trọng, vì thế cần có đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực, trình độ, phải đặt lợi ích của Nhà nước lên trên hết.
Trong yếu tố an ninh quốc phòng, việc cấp đất cho các dự án này ở các vùng nhạy cảm, thành phần của các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần phải chú ý vì đây là những yếu tố có thể gây bất ổn, phải rất cẩn trọng và phải có những chính sách hoặc những hàng rào kỹ thuật để kiểm soát.
Theo ông, riêng với những dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhưng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cần có cơ chế như thế nào để ngăn chặn, kiểm soát ngay từ đầu các dự án này?
Về tổng thế, không có dự án nào không có chất thải, từ dự án nhỏ đến dự án lớn, nhưng đặc biệt đối với các dự án lớn có nguy cơ cao thì chúng ta cần phải hết sức chú ý. Tôi cho rằng, 3 yêu cầu: Vốn gắn với công nghệ, môi trường và an ninh quốc phòng cần phải được rà soát rất kỹ và đối với vấn đề môi trường càng cần phải đặc biệt chú trọng. Theo đó, một là Bộ Khoa học và Công nghệ phải vào cuộc ráo riết về kiểm soát công nghệ, phải xác định rất rõ công nghệ nào là tiên tiến, có thể ngăn chặn được ô nhiễm. Hồ sơ dự án khi trình lên Bộ Khoa học và Công nghệ phải được thẩm tra, xem xét kỹ càng. Nhà đầu tư sẽ phải cam kết và thực hiện đúng với những cam kết về máy móc, thiết bị, đảm bảo an toàn về môi trường… và chỉ đồng thuận cấp phép sau khi kiểm tra cho thấy chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, đồng thời cần phải tăng cường giám sát ngay từ đầu khi dự án mới khởi công.
Bên cạnh đó, cần phải gắn trách nhiệm của địa phương và các bộ, ngành liên quan. Các bộ phải có sự kết nối để giám sát chặt chẽ tiến độ, quy trình vận hành, xả thải… Khi cả bộ máy vào guồng thì việc thẩm định, giám sát, quản lý các dự án FDI sẽ tốt hơn, kiểm soát được vấn đề gây ô nhiễm môi trường ngay từ đầu.
Xin cảm ơn ông!