ThienNhien.Net – Còn cách Trung tâm Điện lực Duyên Hải gần chục cây số đã thấy ống khói vươn trời cao, tỏa khói rộng xung quanh. Đường đi lên hạnh phúc đâu chẳng thấy, mà giờ đây đang gieo mối lo lớn về ô nhiễm không khí, thiệt hại cho sản xuất và sức khỏe con người.
Muối đen
Từ Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải phải qua phà vượt con Kênh Tắt rộng lớn vừa đào (thuộc dự án Luồng qua kênh Quan Chánh Bố đưa tàu biển vô sông Hậu) mới sang được huyện Duyên Hải. Đi tiếp tới ấp Cồn Cù, xã Đông Hải. Trưởng ấp Nguyễn Hồng Quân cho biết: “Đây cách Trung tâm Điện lực khoảng 4km nhưng khói vẫn bay tới, đã gây thiệt hại lớn cho dân làm muối”.
Muối Cồn Cù nức tiếng ĐBSCL từ xưa bởi độ mặn vừa phải và sạch sẽ, giá bán gấp nhiều lần muối bình thường. “Năm nay gió đưa luôn khói của nhà máy điện vô ruộng muối, làm muối bị đen, phải bán giá rẻ mất một nửa”, ông Quân nói. Cả ấp Cồn Cù có 115 hộ làm 98ha muối, đều bị đen.
Diêm dân Nguyễn Văn Tư và Lê Tấn Đạt than thở, bao đời làm muối nay mới bị đen lần đầu. Hai ông kể, ruộng muối khi phơi đã bị khói bụi nhà máy điện bay đến tạo váng đen trên mặt nước. Họ làm đơn lên xã và xã cử cán bộ nông nghiệp xuống lập biên bản xác minh “hộ sản xuất muối bị ảnh hưởng từ tro, bụi của nhà máy nhiệt điện hoạt động”.
Phó chủ tịch UBND xã Đông Hải, ông Lữ Minh Tâm, cho biết thêm, ở ấp Đông Cao cũng có 12 hộ dân làm 85ha muối bị đen. Sau khiếu nại của diêm dân, đầu tháng 3, tổ công tác liên ngành gồm đại diện Sở TN-MT, NN-PTNT, Công thương, Công an và chính quyền các cấp có xuống xã kiểm tra. Sau đó đã “đề nghị Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người sản xuất muối”.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, nhiều hộ đã bán muối nên chưa thống kê được mức độ thiệt hại. Tổ liên ngành yêu cầu UBND xã Đông Hải và các cơ quan chức năng khảo sát xác định cụ thể thiệt hại; còn Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải “có biện pháp hạn chế thấp nhất việc phát thải gây ảnh hưởng đến các hộ dân sản xuất muối”.
Đến nay, diêm dân bị thiệt hại vẫn chưa được hỗ trợ. Còn ngọn khói theo gió đổi mùa đã quay sang hướng khác và giữa không gian lồng lộng ven biển, có thể thấy khói nhà máy điện xoay tròn bốn hướng với bán kính rất rộng.
Báo cáo, giám sát: Hình thức!
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, ông Nguyễn Quốc Tuấn, giải thích là do nhận được thông tin chậm, tổ liên ngành xuống thì vụ muối đã qua nên có khó khăn trong xác định nguyên nhân và thiệt hại. Ông cho biết, các thông số khói bụi của nhà máy điện được giám sát thì vẫn nằm trong giới hạn an toàn theo quy định. Tuy nhiên, việc giám sát chỉ dựa vào số liệu quan trắc môi trường tự động khí thải do Nhà máy Nhiệt điện báo cáo định kỳ về Sở TN-MT mỗi tuần một lần.
“Báo cáo bằng cách gửi email, chứ chưa có hệ thống tự động truyền số liệu quan trắc về cho cơ quan quản lý theo dõi, kiểm tra. Cả nhà máy điện đã vận hành thương mại cũng chưa kết nối tự động được. Việc này chúng tôi đã báo cáo Bộ TN-MT đề nghị hỗ trợ xây dựng hệ thống kết nối”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà máy thì khói bụi chỉ bay xa khoảng 2,5km. Chủ trì làm báo cáo ĐTM là Trưởng ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3, đại diện cho chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Báo cáo ĐTM của Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 1 được Bộ TN-MT phê duyệt ngày 29/12/2009; báo cáo ĐTM của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 được Bộ TN-MT phê duyệt ngày 25/7/2011. Việc tham vấn cộng đồng trong quá trình thực hiện ĐTM rất sơ sài. Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 chỉ họp với 57 người dân; sau đó, báo cáo ĐTM được gửi đến UBND và UBMTTQ xã để xin ý kiến của các tổ chức này.
Các báo cáo ĐTM chủ yếu nêu lên sự cần thiết của dự án, kiến nghị sớm triển khai. Người dân địa phương không được biết đầy đủ về những tác động tới đời sống như khói bụi và tiếng ồn khủng khiếp khi vận hành thử nhà máy mà nay họ đang phải chịu đựng.
Chuyên gia Sinh thái và Phát triển bền vững ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện nhận xét: “Vấn đề cốt lõi còn nằm ở chỗ, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải gồm 4 nhà máy và 3 cảng than, 1 cảng tổng hợp là một phức hợp rất lớn. Đến nay mới có các báo cáo ĐTM riêng rẽ từng nhà máy, không có báo cáo ĐTM chiến lược.
Như vậy, không thể nhìn được tác động tích lũy của các công trình cùng lúc, trên phạm vi địa lý rộng lớn, và khung thời gian lâu dài. Không có báo cáo ĐTM chiến lược để đưa ra quyết định chiến lược (ví dụ về lựa chọn loại năng lượng, vị trí, công nghệ, tầm cỡ nhà máy…) thì cũng chỉ loay hoay giải quyết tình huống “chuyện đã rồi” mà thôi”.
Ở Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, công chức địa chính xã Long Đức Trần Minh Hiền cũng cho biết, trước đây chủ đầu tư có xuống họp dân hỏi ý kiến về tác động môi trường nhưng dân không biết gì mà nói. Gần đây, “có đơn vị xuống lấy ý kiến người dân cho giai đoạn hai, phát phiếu và dân viết nhiều lắm, đều bày tỏ sự hoang mang lo lắng”, ông nói.
Trung tâm Điện lực Sông Hậu trải dài nhiều cây số ven sông Hậu, tới gần thành phố Cần Thơ. Trước thông tin khói bụi nhà máy điện ở Trà Vinh bay xa 4 – 5km, Phó ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 Phạm Xuân Diệu trấn an: “Ở đây chúng tôi sử dụng công nghệ đốt siêu tới hạn với thiết bị của Hàn Quốc chế tạo theo tiêu chuẩn Mỹ nên không gây ô nhiễm như ở Trà Vinh sử dụng thiết bị Trung Quốc”.
Còn bãi tro xỉ do nhà máy thải ra, một năm chừng một triệu tấn, nhiều năm sẽ cao như núi bên bờ sông Hậu có nền đất yếu là một nguy cơ lớn khác thì ông Diệu không đề cập.
Sông Hậu và môi trường sống đang đối mặt với một viễn cảnh thiếu tươi sáng!
+ Chuyên gia ô nhiễm không khí và than Lauri Myllyvirta (Mỹ) cho biết tại cuộc hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tháng 7/2015, ô nhiễm không khí ở ĐBSCL đang làm 8.000 người chết sớm mỗi năm do bị bệnh về đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ. Dự báo năm 2030, các nhà máy điện than theo quy hoạch hoàn thành, ô nhiễm không khí ĐBSCL ở mức nguy hiểm, có thể làm chết sớm thêm 2.590 người.
+ “Quy hoạch điện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, đã điều chỉnh giảm nhà máy điện than so với quy hoạch trước đây. Cụ thể, đến năm 2030, cả nước giảm 18 nhà máy, công suất nhà máy điện than chỉ còn chiếm 42,7% tổng công suất các nhà máy điện, trước đây là 52%. Trung tâm Điện lực Sông Hậu cũng giảm 1 nhà máy, từ 3 xuống còn 2. Tuy nhiên, nguy cơ của nhà máy điện than với ĐBSCL vẫn còn rất lớn, từ việc nhập than đến xử lý tro xỉ, từ khói bụi đến nguồn nước làm mát mà một trung tâm điện lực sử dụng cả triệu khối một ngày rồi thải ra môi trường. Cần tăng cường giám sát công tác xử lý xả thải, bởi nếu xảy ra sự cố với vựa lúa và thủy sản quốc gia thì hậu quả rất nghiêm trọng” – Ủy viên Chuyên trách Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Hữu Hiệp. |