ThienNhien.Net – Cuối cùng thì Lào Cai cũng đã thừa nhận số người chết vì lũ quét và sạt lở đất ở mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn là 7, tính cả 2 nạn nhân đã báo cáo hôm 22.8. Tuy vậy, trên hành trình 22km băng rừng vượt núi để theo vết những nhân chứng sống, tận thấy những cảnh tượng đau lòng, PV Báo Lao Động nghi ngờ số nạn nhân sẽ còn tăng thêm.
Đâu là số liệu chính xác?
Liên quan đến vụ lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng đêm 19, rạng sáng 20.8 tại khai trường vàng Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn), trước thông tin phản ánh của Báo Lao Động về số người chết nhiều hơn 2, UBND huyện Văn Bàn cho biết, đã lập tức yêu cầu cơ quan công an vào cuộc xác minh làm rõ.
Trao đổi với PV chiều 24.8, ông Đỗ Văn Duy – Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, cho biết: Đến chiều 23.8, cơ quan chức năng mới xác minh rõ và tổ chức công bố danh tính 5 người dân ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên gặp nạn trong vụ sạt lở đất ở khu vực mỏ vàng Mà Sa Phìn.
Theo đó, danh tính 5 nạn nhân được xác định gồm: Trương Văn Nhất (SN 1996), Triệu Văn Bách (SN 1982), đều trú tại thôn Cam 1, xã Cam Cọn, Bảo Yên; Bàn Văn Nhung (SN 1996), Bàn Văn Lợi (SN 1999), Bàn Văn Ngân (SN 1999) cả ba đều trú tại thôn Cam 3, xã Cam Cọn, Bảo Yên. Cả 5 nạn nhân đều là công nhân của Công ty CP Vàng Nhẫn.
Tuy nhiên, theo bản danh sách nạn nhân PV Báo Lao Động tiếp cận được, thì số lượng người chết và bị thương đã được UBND xã Cam Cọn lập từ hôm 21.8, tức là trước ít nhất 1 ngày so với thời điểm các lãnh đạo tỉnh Lào Cai gồm ông Vương Trinh Quốc – Chánh Văn phòng UBND tỉnh và ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu là chỉ có 2 người chết.
Thế nhưng đó vẫn chưa phải là tận cùng của những mâu thuẫn mà hành trình gian khó của PV Báo Lao Động trên chặng đường lội bộ hơn 20km từ khu vực cầu treo Nậm Xây đến tận hiện trường kinh hoàng của vụ sạt lở muốn lột tả.
Những nhân chứng sống chúng tôi đã gặp trên dọc đường đi, và những câu chuyện của họ khiến cho những truyền miệng về một vụ sạt lở khiến hàng chục người chết ngày càng có cơ sở.
Nhức nhối thông tin từ các bưởng vàng
Giữa nơi rừng thẳm núi hoang Mà Sa Phìn, chúng tôi gặp đoàn 4 người đàn ông đến từ Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Khuôn mặt thất thần rầu rĩ, ông Phạm Văn L vừa nhìn xa xăm vừa rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào nói, ông đã có mặt ở khu rừng này được mấy hôm để tìm cậu con trai mới 19 tuổi Phạm Văn C bị mất tích trong đêm kinh hoàng khi lũ quét tràn về.
Trên con đường độc đạo để tiến vào hiện trường sạt lở kinh hoàng ở thôn Mà Sa Phìn, chúng tôi bắt gặp 4 – 5 nhóm người thân hình ướt át, quần áo nhem nhuốc và những gương mặt hốc hác, mệt mỏi. Họ cứ lầm lũi bước đi, thi thoảng cũng không quên ngoái lại đằng sau và rồi lại vội bước nhanh. Mỗi nhóm có khoảng 4 – 5 người, có nhóm đến cả gần chục người. Mỗi người trong số họ đều là những câu chuyện chết chóc và sợ hãi thương tâm. Họ chia sẻ, đã từ lâu không có gì ăn vì chủ bưởng vàng không cho ra và cũng cấm tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên khi cơn sợ hãi đã lên đến cùng cực, họ tự vùng chạy để đảm bảo mạng sống cho chính mình.
“Lán của tôi có 24 người thì 3 người bị chết, 1 người bị thương” – một phu vàng tên Thành (quê Bắc Kạn) kể lại. Theo lời ông Thành, ông mới lên đây làm phu vàng được vài tháng, chủ hầm vàng hứa trả cho 4 triệu/tháng nhưng khi ông Thành chưa kịp nhận một đồng tiền nào thì vợ chồng chủ hầm vàng đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Cũng trên dọc đường đi, PV gặp nhiều top người dân tộc Mông mang theo các công cụ đào bới. Họ chia sẻ rằng, phía sâu lắm ở trong bãi vẫn còn nhiều người chết. Các chủ bưởng treo thưởng 5 triệu cho mỗi xác người, thế nên rất nhiều người trong bản đã bỏ các công việc nương rẫy để đi tìm xác.
Được biết, bãi vàng Mà Sa Phìn nằm trên thượng nguồn suối Nậm Xây Luông thuộc xã Nậm Xây, là điểm nóng về khai thác vàng sa khoáng, trong đó có cả tình trạng khai thác ngoài phạm vi cấp phép và khai thác trái phép.