ThienNhien.Net – Đông Nam Á là khu vực có hệ sinh thái biển phong phú, nơi cư ngụ của 76% loài san hô và 37% loài cá sống ở rạn san hô trên thế giới. Tuy nhiên, Chương trình “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á” (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây cảnh báo trong số những thách thức chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương, tình trạng phá hủy hệ sinh thái biển là thách thức đang bị coi nhẹ nhất.
Có nhiều chứng cứ, tài liệu cho thấy trong hai thập kỷ qua, ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa và khu vực biển lân cận, sử dụng xyanua, chất gây nổ, dây nổ. Các loài sinh vật biển bị ảnh hưởng rất lớn, gồm rùa biển, trai, hàu khổng lồ, cá mập, lươn và san hô. Hoạt động tàn phá nhất của Trung Quốc tại Biển Đông là đánh bắt trộm trai khổng lồ, hủy diệt hơn 40 dặm vuông những rạn san hô đa dạng nhất thế giới. Họ thường dùng chân vịt để mở miệng những con trai khổng lồ mà vỏ của chúng được bán như những món hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Việc đào lên một rạn san hô không chỉ phá hoại hệ sinh thái ở đó do bản chất liên kết giữa các khu vực biển tại Biển Đông, mà sự hủy hoại ở một nơi còn dẫn tới hậu quả ở những nơi khác. Tuy nhiên, dư luận dường như bỏ sót phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan đến sự tàn phá nặng nề mà Trung Quốc gây ra đối với hệ sinh thái biển từ các hoạt động khai phá của họ tại Trường Sa. Tòa khẳng định quá trình xây dựng đảo của Trung Quốc đã gây ra những tổn thất lâu dài và không thể khắc phục được đối với hệ sinh thái.
Bất chấp những chứng cứ trên, lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa, thậm chí còn gọi các hoạt động xây dựng và đánh bắt trái phép của mình là “dự án xanh” và “mang lại điều tốt đẹp”. Tại Đối thoại Shangri-La hồi đầu năm, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói rằng bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu quân sự, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng trên một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông để thực hiện tốt hơn trách nhiệm quốc tế của họ, gồm cả việc bảo vệ môi trường. Những tuyên bố kiểu như vậy nhằm làm xao nhãng sự chú ý của dư luận khỏi hoạt động phá hoại môi trường của Trung Quốc.
Đối mặt với những thảm họa môi trường nói trên, các nước Đông Nam Á phải cùng nhau gìn giữ và bảo vệ môi trường biển trong khu vực. Trước tiên, cần thảo luận về nghề đánh bắt cá, cụ thể là điều hành di cư các đàn cá. Các quốc gia trong khu vực cần minh bạch hơn trong các hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng hệ sinh thái được gìn giữ một các tốt nhất và được khai thác bền vững. Thứ hai, cần tạo ra một cơ chế khu vực trong gìn giữ môi trường biển, đây sẽ là phần khó khăn nhất. Tháng 4-2016, trong cuộc họp đầu tiên của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Philippines đã thảo luận về bộ quy tắc và quy định trong bảo vệ môi trường biển. Nhóm này nhấn mạnh cần phát triển phương pháp tổng hợp trong điều hành các hoạt động thương mại và hành nghề trên biển. Đây không phải lần đầu các quốc gia trong khu vực phối hợp vì lợi ích của các sinh vật biển. Năm 2011, các nước Đông Nam Á đã phối hợp phát triển phương pháp và công cụ bảo vệ các rạn san hô theo khuôn khổ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).
Nguồn tài nguyên tại Biển Đông là trọng tâm đối với nền kinh tế quốc gia, kế sinh nhai của rất nhiều người dân ven biển, đồng thời cũng là nguồn thực phẩm rẻ và giàu chất dinh dưỡng. Tuy vậy, những tranh chấp chủ quyền đã làm giảm đi năng lực của các Chính phủ trong phối hợp quản lý các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Trung Quốc và các nước láng giềng cần tạm gác lại những bất đồng và phối hợp hiệu quả trong gìn giữ, khôi phục hệ sinh thái biển tại châu Á-Thái Bình Dương.