ThienNhien.Net – Bộ NN&PTNT hiện đang tiến hành rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực. Cùng với đó là xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, lợi thế của các vùng, miền, địa phương và nhu cầu thị trường.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, sau 3 năm tiến hành tái cơ cấu ngành trồng trọt, các địa phương đã chuyển đổi được khoảng 390.000 ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn, rõ nhất là ở ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng (mục tiêu năm 2020 cả nước chuyển đổi 700.000 ha). Đối với các vùng khô hạn, nhiễm mặn, từng bước chuyển trồng lúa sang phát triển các cây chịu hạn, cỏ làm thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy. Đặc biệt, hiệu quả của tái cơ cấu còn nhìn thấy ở nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ năm 2013 đến hết vụ Đông Xuân năm 2016 đã có nhiều mô hình cánh đồng lớn liên kết xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000 ha; nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng.
Hiện nhiều địa phương đang chuyển đổi cơ cấu giống cây, tập trung đối với giống lúa, ngô chất lượng cao. Cơ cấu giống và tỉ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đã tăng mạnh, chất lượng gạo được nâng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tỉ lệ sử dụng giống xác nhận của các tỉnh phía bắc đạt trên 80%, khu vực miền Trung đạt trên 50%, vùng ĐBSCL đạt khoảng 45%; đã hoàn thành thủ tục khảo nghiệm, đánh giá an toàn sinh học và đưa giống ngô biến đổi gene ra sản xuất.
Cùng với đó, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến nhân rộng. Sản xuất lúa gạo đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí và tổn thất.
Bộ NN&PTNT và các địa phương đang tiến hành rà soát lại quy hoạch, đồng thời thực hiện các giải pháp căn cơ để cải tạo vườn cây, phổ biến áp dụng các quy trình sản xuất tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cho các cây công nghiệp chủ lực.
Tập trung cho 3 nhóm chủ lực
Đối với cà phê, hiện nay, thống nhất tập trung thâm canh vườn cây hiện có và tái canh diện tích cà phê già cỗi. Đến nay đã trồng tái canh và ghép cải tạo được gần 62.000 ha, dự kiến hết năm 2016 đạt 79.000 ha (đạt tỉ lệ khoảng 66% so với mục tiêu tái canh 120.000 ha vào năm 2020). Đã ban hành quy trình tái canh cà phê; phổ biến áp dụng các quy trình sản xuất tốt có xác nhận. Diện tích cà phê tái canh 3 năm đạt 2-2,5 tấn cà phê nhân/ha, cao hơn năng suất đại trà. Hiện có khoảng 40% sản lượng cà phê có xác nhận, giá trị cao.
Đối với cây điều, các địa phương đang chỉ đạo tăng mạnh diện tích tái canh, ghép cải tạo vườn điều đã được quy hoạch. Đã sản xuất được trên 3 triệu chồi ghép phục vụ công tác ghép cải tạo vườn điều. Đến nay, diện tích tái canh, ghép cải tạo được trên 35.000 ha (chiếm khoảng gần 60% mục tiêu đến năm 2020). Phần lớn diện tích điều sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo đã được đầu tư áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, năng suất đạt trên 3 tấn/ha, gấp 3 lần so với vườn điều cũ.
Được xác định là ngành có lợi thế cạnh tranh, các cây ăn quả, rau, hoa hiện có thị trường thuận lợi, còn có thể phát triển nhiều hơn nữa. Hiện nay nhiều địa phương đã quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực tập trung, vùng rau, hoa công nghệ cao; đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng công nghệ cao và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong 3 năm (2013-2015) giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng (tăng khoảng 10,2 triệu đồng so với năm 2012). Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè…
Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt duy trì ở mức 14,5 tỉ USD/năm; 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7,5 tỉ USD. Hiện có 7 mặt hàng có vị trí xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm gồm: gạo 2,8 tỉ USD, cao su 1,53 tỉ USD, cà phê 2,67 tỉ USD, hạt điều 2,4 tỉ USD, hạt tiêu 1,26 tỉ USD, rau quả 1,84 tỉ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,3 tỉ USD. Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm.