Phớt lờ lệnh cấm, Viglacera Vân Hải vẫn moi cát trắng trong rừng phòng hộ

ThienNhien.Net – Bất chấp lệnh cấm, Viglacera Vân Hải vẫn khai thác cát. Hình ảnh này được chụp vào ngày 17.8.2016. Cty chỉ tạm dừng từ 24.8 khi một số phóng viên có mặt trên đảo.

Để bảo vệ cảnh quan, môi trường và đặc biệt trước những ẩn họa khôn lường của thiên tai, ngày 25.7.2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu Cty CP Viglacera Vân Hải dừng khai thác cát trắng tại các địa điểm có cây Trâm, cây bản địa ở khu Giộc, xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, trước lợi nhuận quá lớn của loại khoáng sản đặc hữu của vùng biển Vân Đồn, cty này vẫn tiếp tục ồ ạt khai thác cát, mà theo quan sát của chúng tôi, những vị trí khai thác đã xuống khá sâu – thấp hơn mực nước biển, trong khi rất gần biển.

Vị trí hiện đang khai thác thực chất nằm trong khu vực cấm khai thác, do khu vực này chỉ được giao cho Viglacera Vân Hải để phát triển du lịch sinh thái (khoảng 75ha), trong khi mỏ chính thức gần đó rộng 67ha về cơ bản trữ lượng không còn nhiều do đã khai thác được 50 năm. Thậm chí, ngay với khu vực được phép khai thác, UBND tỉnh Quảng Ninh còn yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát để thu hẹp ranh giới khai thác, tiến tới sớm đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.

Ông Mai Thăng – Phó giám đốc cty – thừa nhận đã khai thác vài ha trong khu vực cấm; tuy nhiên, người dân cho rằng diện tích lớn hơn nhiều.

Tại khu vực này, rừng Trâm chỉ còn cây ở hai bên, giữa tan hoang bởi tốc độ moi cát quá nhanh.

Lúc đầu, lãnh đạo cty khẳng định đã dừng khai thác cát tại khu vực này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh; việc xe tải ra – vào rừng chỉ nhằm phục vụ công tác hoàn nguyên.

Tuy nhiên, trước chứng cứ mà người dân, phóng viên ghi được: xe tải ồ ạt chở cát từ rừng ra, thì ông Thăng giải thích, “trong lúc hoàn nguyên, chỉ cố gắng tận thu những khối cát còn lại”.

Chúng tôi đã khảo sát tại hiện trường, không thấy có dấu hiệu của sự hoàn nguyên, thì được đại diện cty trả lời: hoàn nguyên là san gạt để không còn chỗ cao, chỗ thấp.

Dẫu vậy, trong thực tế, cả một vùng rộng lớn mênh mông, gồm cả khu mỏ được cấp phép lẫn khu làm du lịch sinh thái, vẫn chi chít những hố đầy nước màu vàng…

Từ vị trí rừng còn sót lại tới bờ biển rất gần, nếu cứ tiếp tục khai thác hoặc không hoàn nguyên sớm, hậu quả sẽ khó lường bởi khu vực được moi cát đã thấp hơn mực nước biển.

Trả lời chúng tôi, ông Mai Thăng than rằng: vì hợp đồng đã ký với khách hàng, nên dừng khai thác cũng cần có lộ trình bởi cả miền Bắc, chỉ Vân Hải mới có loại cát này.

 

Bất chấp lệnh cấm, Viglacera Vân Hải vẫn khai thác cát. Hình ảnh này được chụp vào ngày 17.8.2016. Cty chỉ tạm dừng từ 24.8 khi một số phóng viên có mặt trên đảo
Bất chấp lệnh cấm, Viglacera Vân Hải vẫn khai thác cát. Hình ảnh này được chụp vào ngày 17.8.2016. Cty chỉ tạm dừng từ 24.8 khi một số phóng viên có mặt trên đảo
Tan hoang rừng phòng hộ ven biển
Tan hoang rừng phòng hộ ven biển
 Khu vực khai thác cát hiện thấp hơn mực nước biển, trong khi Viglacera Vân Hải không chú trọng đến công tác hoàn nguyên
Khu vực khai thác cát hiện thấp hơn mực nước biển, trong khi Viglacera Vân Hải không chú trọng đến công tác hoàn nguyên
 Cát trắng Vân Hải có giá trị cao vì là nguyên liệu phục vụ sản xuất kính, pha lê, thủy tinh…
Cát trắng Vân Hải có giá trị cao vì là nguyên liệu phục vụ sản xuất kính, pha lê, thủy tinh…