ThienNhien.Net – Trả tiền cho chủ sở hữu đất rừng để họ không đốn cây lấy gỗ bán hoặc lấy đất sản xuất nhằm bảo vệ rừng là một biện pháp hiệu quả, có chi phí hợp lý để ngăn chặn nạn phá rừng. Đó là kết quả của một nghiên cứu được thực hiện tại Uganda, quốc gia có tỷ lệ mất rừng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Nghiên cứu này được Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ công bố trong khuôn khổ một chương trình Chi trả dịch vụ hệ sinh thái ((Payment for Ecosystems Services – PES) lớn, do nhóm chuyên gia của Đại học Northwestern và Đại học Stanford (Mỹ) thực hiện với nguồn kinh phí chủ yếu từ Quỹ Môi trường Toàn Cầu và một phần nhỏ từ chính phủ Uganda.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giải pháp khả quan để bảo vệ một khu vực rừng có tính đa dạng sinh học cao và là môi trường sống của những con tinh tinh đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy tính hiệu quả của Chi trả dịch vụ hệ sinh thái trong cuộc chiến chống mất rừng trên toàn cầu.
Có nhiều chương trình giúp bảo vệ rừng nằm trong một sáng kiến mang tính bao quát của Liên Hợp Quốc là Sáng kiến Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Theo đó, các nước giàu hơn và các nhà gây quỹ quốc tế sẽ chi trả cho các nước đang phát triển để họ bảo vệ cây rừng của chính quốc gia mình. Việc làm này càng trở lên cấp thiết hơn sau lời kêu gọi về tầm quan trọng của REDD+ và cuộcchiến chống mất rừng trong Thỏa thuận Khí hậu tại Paris 2015.
Theo nghiên cứu mới này, các chủ sở hữu đất trồng rừng ở 60 làng thuộc hai quận Hoima và Kibaale phía Tây Uganda được cấp 28 USD/ha/năm trong vòng 2 năm nếu họ không đốn cây để làm nông nghiệp hay phục vụ cho các mục đích kinh tế khác. Trong khi đó, ở 61 làng khác trong khu vực không được cấp bất kỳ khoản nào và tốc độ mất rừng được kiểm soát bằng vệ tinh. Kết quả cho thấy trong khi độ che phủ rừng giảm từ 7-10% ở nhóm thứ hai thì với nhóm thứ nhất độ che phủ rừng chỉ giảm khoảng 2-5%. Điều này cho thấy các khoản tiền khuyến khích đã ngăn được nhiều chủ rừng chặt cây lấy gỗ bán, làm than củi hoặc phá rừng lấy đất để trồng hoa màu.
Nhà kinh tế học Seema Jayachandran (Đại học Northwestern) thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Nghiên cứu này là bằng chứng quan trọng về tầm ảnh hưởng to lớn của chương trình chi trả dịch vụ hệ sinh thái và số tiền chi trả đã đem lại những khu vực được rừng nguyên vẹn mà đáng lẽ nó đã có thể bị mất đi.
Nghiên cứu cũng chứng minh đây là cách làm hiệu quả về mặt chi phí để chống mất rừng và là một chính sách khả quan trước tình hình bất bình đẳng kinh tế trên toàn cầu. Hoạt động này sẽ khuyến khích bảo tồn rừng ở những nước nghèo, đang phát triển – nơi người dân sống chủ yếu dựa vào rừng.
Bà Jayachandran cũng cho biết: “Về mặt tác động toàn cầu, chúng tôi không quan tâm người ta giữ một cái cây nguyên vẹn ở Mỹ hay Uganda, nhưng chi phí của việc bảo vệ một cây giống nhau ở Uganda chắc chắn sẽ thấp hơn ở Mỹ”.
Dựa trên các tính toán sử dụng phương pháp đo lường chi phí xã hội carbon tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), nghiên cứu tính toán rằng chi phí của việc trì hoãn phát thải 1 tấn CO2 vào không khí theo chương trình này sẽ chỉ là khoảng 57 cents nhưng sẽ mang lại lợi ích tương đương 1,11 USD.
Phương pháp tiếp cận Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) đang được sử dụng phổ biến trong hoạt động bảo tồn quốc tế, một phần là do nó chỉ dựa trên một thỏa thuận tự nguyện mà chủ đất có thể chấp nhận hoặc từ chối dựa trên những lợi ích kinh tế của họ thay vì một chương trình bắt buộc như các quy định hay luật lệ. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu mất những nghiên cứu ngẫu nhiên để kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động này từ khi bắt đầu tới khi kết thúc. Và theo bà Jayachandran đây chính là nghiên cứu đầu tiên: “Ít nhất theo như tôi được biết, nghiên cứu này là đánh giá ngẫu nhiên đầu tiên”.
Trong các làng được nghiên cứu ở Uganda, bình quân một chủ đất sở hữu 2 ha đất rừng, có nghĩa là mỗi người có thể nhận được 56 USD chỉ để hoàn toàn không động đến rừng trong một năm. Theo các nhà nghiên cứu, số tiền này chiếm 5% thu nhập bình quân đầu người theo năm của khu vực. Nhóm tác giả cũng chỉ rõ rằng số tiền trung bình người dân thu được từ bán gỗ ở đây là 151 USD/năm và thêm khoảng 30-100 USD/ha/năm từ hoạt động nông nghiệp.
“Phần lớn thu nhập của người dân trong làng không đến từ các sản phẩm rừng mà từ việc kinh doanh, buôn bán nhỏ, nhưng việc bán cây lấy gỗ hay bán than củi cũng giúp họ kiếm được khá nhiều tiền và họ coi đó như một nguồn tiền tích lũy khi cần tiền gấp”. – Bà Jayachandran cho biết
Vì thế trong khi các chủ đất Uganda khai thác rừng để bổ sung thêm vào thu nhập khi cần thiết thì khoản tiền nhận được từ chương trình có thể khuyến khích họ, ít nhất là hoãn việc khai thác rừng trong vòng 1-2 năm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là rừng hoàn toàn được bảo vệ sau khi kết thúc thời gian 2 năm nghiên cứu – và chính các nhà nghiên cứu cũng giả định điều đó sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ việc trì hoãn phát thải carbon từ mất rừng cũng đem lại nhiều giá trị về mặt kinh tế. Đó là chưa kể đến những thành quả khác từ việc bảo tồn đa dạng sinh học rừng trong khu vực sinh thái nhạy cảm này.
Bà Jayachandra cũng lưu ý thêm rằng khi tham gia Sáng kiến REDD+, người dân mong đợi nhiều khoản chi từ chính phủ các nước phát triển để giúp các nước đang phát triển bảo tồn rừng (thắt chặt bảo vệ rừng, trừng trị việc đốn gỗ trái phép và làm sạch đất). Nhưng những chương trình như PES cũng có thể hỗ trợ phần nào bằng cách đưa ra những khuyến khích bảo tồn với các chủ đất rừng – những người có quyền phá rừng hợp pháp. “Đối với những vùng đất thuộc sở hữu cá nhân hoặc cộng đồng, đây sẽ là một công cụ chính sách đầy hứa hẹn cho REDD+” – Bà Jayachandra khẳng định.