Bài 3: Nước thải… đi đâu, về đâu?
ThienNhien.Net – Trong khi các điểm nóng môi trường như âu thuyền Thọ Quang, kênh Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều điểm ô nhiễm mới lại mọc lên như Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu, Hòa Cầm, lò mổ Đà Sơn… Đáng nói hơn, hàng chục cửa xả mang theo nước thải đổ thẳng ra biển bốc mùi hôi nồng nặc.
“Nóng” đến bao giờ?
Người dân khối phố Đà Sơn P.Hòa Khánh Nam Q.Liên Chiểu không chỉ sống chung với mùi hôi từ bãi rác Khánh Sơn bốc lên mà còn chịu cảnh “tra tấn” từ nước rỉ bãi rác, lò mổ Đà Sơn xả thẳng ra môi trường. Ông Trần Quốc Tuấn (tổ dân phố 91, khối Đà Sơn, P.Hòa Khánh Nam) nhà sát tường rào của lò mổ Đà Sơn cho biết, nhiều bữa lò mổ xả thải phân, máu gia cầm sau giết mổ ra mương nước ô nhiễm trầm trọng, dày đặc ruồi muỗi. Khổ hơn là những ngày trời u ám, nhiều sương, mùi hôi không tản ra được, cứ quẩn quanh khắp nhà. Nhà ông Võ Xuân Tùng, ở tổ 170, P.Hòa Khánh Nam ở sát mương nước xả thải của Cty Quốc Việt, hàng ngày hứng chịu mùi hôi thối từ nước rỉ bãi rác chảy qua mương.
Ông Mai Mã- Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, nước rỉ từ bãi rác và nước thải từ lò mổ qua các mương nhỏ đổ về sông Đa Cô rồi kênh Phú Lộc xả thẳng ra biển chứ không được thu gom xử lý trong Trạm Phú Lộc, khiến biển bị ô nhiễm trầm trọng. Còn Giám đốc Sở TN&MT Lê Quang Nam thì nhìn nhận, công nghệ xử lý nước rỉ bãi rác Khánh Sơn của Cty Quốc Việt đã xuống cấp. Trạm xử lý nước thải của lò mổ Đà Sơn thì đang nâng cấp. Nước rỉ bãi rác và nước thải lò mổ khi xả lại chưa được thu gom nên dẫn tới ô nhiễm kênh Phú Lộc. Để giải quyết ô nhiễm kênh Phú Lộc, ông Nam cho biết TP sẽ triển khai Trạm xử lý nước rỉ bãi rác công nghệ mới đồng thời có dự án thu gom nước thải dọc các kênh Yên Thế – Bắc Sơn, Đa Cô về Trạm Phú Lộc xử lý.
Gần đây Trạm xử lý nước thải ở một số KCN của Đà Nẵng như Liên Chiểu, Hòa Cầm cũng trở thành điểm nóng ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Đơn cử như Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu nhiều lần gây ô nhiễm khiến người dân các tổ 21, 22, 23 P.Hòa Hiệp Bắc chịu không thấu, nhiều lần kiến nghị, thậm chí tụ tập để phản đối. Đỉnh điểm vào cuối tháng 5-2016, Trạm phát sinh mùi hôi thối kinh khủng buộc hàng chục người dân đã kéo tới Trạm phản đối. Sự việc căng thẳng tới mức lãnh đạo TP phải lập lán dã chiến để đối thoại, thuyết phục người dân. Theo đó, ngoài các biện pháp tích cực xử lý triệt để mùi hôi thối từ Trạm gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, chủ đầu tư dự án KCN cũng phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới đảm bảo yêu cầu về công nghệ và kết cấu để thay thế Trạm hiện tại, đưa vào hoạt động trong quí I-2017.
Nước thải đổ thẳng ra biển
Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành có 29 cửa xả ra biển, trong đó 11 cửa xả nước thải chưa được gom xử lý mà đổ thẳng ra biển. Điều đó giải thích vì sao nhiều điểm tại bãi biển Xuân Thiều, Nam Ô vẫn ô nhiễm, nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc. Thậm chí kể cả những cửa xả đã qua xử lý ở Trạm Phú Lộc thì nước thải ra biển vẫn không hết ô nhiễm. Ông Mai Mã cho biết, các Trạm xử lý nước thải của TP hiện mới gom được khoảng 100 ngàn m3/ngày đêm, chiếm khoảng 50-60% so với lượng nước cung cấp. Song, do công nghệ xử lý nước thải đầu tư thấp nên nước thải mới chỉ được xử lý ở bậc 1, tức là giảm độ ô nhiễm từ 35-60%. Điều đó cũng giải thích vì sao tại nhiều cửa xả, nước thải qua xử lý vẫn phát sinh mùi hôi khiến người dân bức xúc. Thực trạng ấy cũng diễn ra với 16 cửa xả tại các bãi biển ven tuyến đường Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp. Khi các cửa xả bốc mùi hôi, Cty buộc phải xử lý tạm thời bằng cách phun chế phẩm sinh học tại các cửa xả. Cũng theo ông Mai Mã, do hệ thống thoát nước thải và nước mưa chung nhau nên khi trời mưa xuống, lượng nước quá lớn, các Trạm không thu gom hết được vì thế nước thải cũng tràn thẳng ra biển.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Quang Nam, 4/5 trạm xử lý nước thải của Đà Nẵng hiện nay công nghệ lạc hậu, ngoại trừ Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân công suất 20 ngàn m3/ngày đêm được đầu tư bài bản, xử lý ở bậc 2. Hiện TP đang đầu tư công nghệ nâng cấp tất cả các Trạm xử lý còn lại theo công nghệ bậc 2 như của Trạm Hòa Xuân với hi vọng toàn bộ nước thải sau khi thu gom xả ra biển sẽ triệt tiêu mùi hôi. Ông Nam nói, cuối năm nay khi Trạm Phú Lộc với công nghệ mới vận hành, mùi hôi ở các cửa xả ven biển Nguyễn Tất Thành sẽ được khắc phục. Tương tự với Trạm Sơn Trà, cuối năm nay khi vận hành sẽ thu gom toàn bộ nước thải của KCN thủy sản Thọ Quang góp phần xử lý ô nhiễm tại điểm nóng âu thuyền và cảng cá.
Liên quan tới nước thải công nghiệp, ông Nam cho biết Đà Nẵng hiện có 5 trạm xử lý với khoảng 5 triệu m3/năm. Ông Nam đánh giá hệ thống thu gom của KCN Hòa Khánh hầu như không đảm bảo, không thu gom được toàn bộ nước thải, trong khi Trạm ở KCN thủy sản Thọ Quang hiện quá tải, xuống cấp trầm trọng, xử lý không đạt yêu cầu, là một nguyên nhân gây ô nhiễm âu thuyền. Riêng Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu vốn gây nhiều tai tiếng khiến người dân tụ tập, phản ứng vì ô nhiễm, ông Nam cho biết phải có phương án xây mới hệ thống xử lý nước thải.