ThienNhien.Net – Ông Mang Văn Thới, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại một doanh nghiệp và một hộ gia đình đã hơn 10 năm nay cần được các trung tâm bảo tồn động vật hoang dã quan tâm cứu hộ, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào liên hệ tiếp nhận.
Đó là cá thể gấu ngựa (đực) nặng khoảng 150kg, đang được nuôi nhốt tại Công ty Tân Ngọc Lực (xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) và cá thể gấu chó (cái), nặng khoảng 60kg, đang nuôi nhốt tại gia đình ông Đào Ngọc Huynh (ấp Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh).
Cả 2 cá thể gấu nói trên được nuôi nhốt khoảng từ năm 2001-2003 đến nay để làm cảnh, có đăng ký trại nuôi và được cơ quan chức năng gắn chip điện tử (chip điện tử của cá thể gấu ngựa mang mã số 62.618.792, cá thể gấu chó mang mã số 062.623.831).
Theo ông Mang Văn Thới, 2 cá thể gấu kể trên được tồn tại trước khi Nghị định 160/NĐ-CP ra đời (ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ).
Lúc đó, không có văn bản nào ban hành về tiêu chí xác định chế độ quản lý thuộc danh mục loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Chính vì vậy, những hộ xin giấy phép nuôi nếu có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, thì trách nhiệm của kiểm lâm phải cấp phép theo quy định.
Sau khi Nghị định 160 có hiệu lực (từ 1/1/2014), Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã tích cực vận động được một số tổ chức và hộ gia đình có nuôi gấu, tự nguyện giao nộp cho các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Nhưng đến nay vẫn còn 2 cá thể (gấu) đang nuôi nhốt chưa có tổ chức bảo tồn nào đến liên hệ tiếp nhận.
Ông Thới cho biết gần đây, đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) có liên hệ với Chi cục Kiểm lâm tỉnh để đặt vấn đề cứu hộ 2 cá thể gấu đang nuôi nhốt tại thành phố Tây Ninh, nhưng khi biết các chủ trại nuôi gấu có yêu cầu hỗ trợ một phần chi phí xây dựng chuồng trại, công nuôi… thì tổ chức này không đồng ý tiếp nhận nữa./