ThienNhien.Net – Để 2.600ha rừng bị chặt phá, bao chiếm trái phép nhưng lãnh đạo Cty lâm nghiệp Đức Hòa báo cáo chỉ mất… 67ha, nhằm trốn tránh trách nhiệm. Hằng năm, Cty vẫn đưa diện tích bị “cạo trọc” này vào phương án bảo vệ rừng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt kinh phí. Việc buông lỏng quản lý, gian dối của lãnh đạo Cty có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, cần được xử lý hình sự.
“Nhờn thuốc” kỷ luật
Từ trung tâm xã Đắk Môl – huyện Đắk Song, chúng tôi dùng xe máy bám con đường đất ngoằn ngoèo vắt qua những dãy đồi, đi gần 20 cây số đến tiểu khu 1107 do Cty lâm nghiệp Đức Hòa quản lý. Nhiều diện tích trên bản đồ là rừng thường xanh nghèo (trạng thái IIIa1), nhưng thực tế đã bị cạo trọc từ lâu, người dân đã làm nhà ở, trồng càphê, hồ tiêu, thậm chí bị mua bán qua nhiều người. Không chỉ rừng tự nhiên, rừng trồng của Cty cũng bị nhiều đối tượng chặt phá, lấy đất trồng càphê, hồ tiêu nhưng không hề bị đơn vị quản lý rừng lập biên bản hoặc xử lý. Đặc biệt, khu vực rừng thuộc khoảnh 5, tiểu khu 1130, chỉ cách trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 khoảng 700m cũng có 2,4ha bị chặt phá 100%. Đang “sốt” đất trồng tiêu nên không nhiều người bán, nhưng chúng tôi cũng được chỉ đến ông Nguyễn Văn Thành – một người dân đến từ huyện Đắk Mil. Ông Thành cho biết, đây là đất rừng mới phá rất màu mỡ, giá mỗi hécta 250 triệu đồng, chỗ bằng phẳng thì 300 triệu. Chúng tôi nói đây là đất rừng do Cty lâm nghiệp Đức Hòa quản lý, có thể bị tịch thu, giá bán quá cao nên không mua được. Ông Thành nói: “Khu vực này làm gì còn rừng, Cty sắp bàn giao cho huyện quản lý, tức là sắp làm sổ đỏ được rồi”.
Làm việc với PV Báo Lao Động, ông Phạm Đình Dũng – Giám đốc Cty lâm nghiệp Đức Hòa – thừa nhận, tình trạng phá rừng cũng… khá nghiêm trọng, nên Cty có nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có cá nhân ông. Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, ông Dũng bị UBKT Tỉnh ủy kỷ luật khiển trách về mặt Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh khiển trách về mặt chính quyền. Chi bộ Cty lâm nghiệp Đức Hòa cũng đã kỷ luật khiển trách Phó Giám đốc Đinh Văn Triều, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Nguyễn Thế Nga và các ông Hà Văn Tráng, Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Trọng Thủy – cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng. Và mới đây, hơn 2ha rừng bị chặt phá nhưng Cty không báo cáo, nhiều cán bộ lại bị Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, Chi bộ Cty kỷ luật cảnh cáo. “Riêng tôi là cán bộ Tỉnh ủy quản lý, tôi đang viết kiểm điểm, chắc nhẹ nhất cũng là cảnh cáo” – ông Dũng nói. Mặc dù vậy, ông Dũng vẫn cho rằng mất rừng là do khách quan như đất đai có giá, lực lượng quá mỏng, cơ chế bất cập… chứ ông là người có tâm bảo vệ rừng.
Giao công an điều tra
Trong khi Tỉnh ủy Đắk Nông chưa kịp kỷ luật ông Dũng, thì ngày 26.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Cao Huy lại ký kết luận thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất tại Cty lâm nghiệp Đức Hòa, thể hiện rõ hơn các sai phạm của ông Dũng và các cán bộ thuộc quyền. Qua thanh tra, UBND tỉnh phát hiện, từ năm 2008 – 2014, Cty lâm nghiệp Đức Hòa đã để hơn 2.600ha rừng bị chặt phá, bao chiếm làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Kiểm tra ngẫu nhiên 13 điểm, thì cả 13 điểm và khu vực xung quanh đều không còn rừng, đất rừng biến thành nhà cửa, nương rẫy… Theo UBND tỉnh, tình trạng phá rừng diễn ra nhiều năm, với diện tích lớn nhưng Cty báo cáo không trung thực (từ năm 2008 – 2014 Cty chỉ báo mất 67ha, chiếm… 2,5% tổng diện tích rừng bị phá), do vậy cơ quan chức năng, UBND tỉnh không nắm được mức độ nghiêm trọng để chỉ đạo xử lý, ngăn chặn. Trong khi hàng nghìn hécta rừng bị xóa sổ, hằng năm Cty vẫn đưa diện tích này vào phương án bảo vệ, phòng, chống cháy rừng để… tiêu tiền (riêng giai đoạn 2011 – 2014 là hơn 9.200ha).
Tại kết luận thanh tra ngày 26.7, UBND tỉnh nhận định tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất trái phép tại Cty lâm nghiệp Đức Hòa là nghiêm trọng, nguyên nhân do buông lỏng quản lý, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng – Điều 285 Bộ luật Hình sự. Do vậy UBND tỉnh giao thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ cho công an tỉnh để điều tra, xử lý theo pháp luật.