ThienNhien.Net – Khi thế giới ráo riết thực hiện các cam kết trong thỏa thuận khí hậu lịch sử tại Paris hồi tháng 12, các đập lớn càng trở nên phổ biến hơn trên khắp châu Á và thế giới với mục đích giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhưng đối với nhiều nhà hoạt động môi trường và xã hội, nguồn cung cấp nước và điện này vẫn là một giải pháp gây tranh cãi, thậm chí có thể gây tác động tiêu cực đến các nguồn tài nguyên sông vốn đã dễ bị tổn thương.
Tại COP 21 Paris tháng 12 năm ngoái, Liên minh hơn 300 tổ chức phi lợi nhuận từ 53 quốc gia đã kêu gọi các chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế loại bỏ các đập thủy điện lớn ra khỏi danh sách các sáng kiến khí hậu, có nghĩa các dự án này không nên được cung cấp tín dụng carbon hoặc viện trợ từ các qũy giảm nhẹ thiên tai.
Hiện tại, các dự án thủy điện được chấp nhận bởi Công ước Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu theo Cơ chế phát triển sạch, cho phép tạo ra tín dụng carbon.
Các tổ chức xã hội dân sự, dẫn đầu bởi Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), Oxfam, Asia Indigenous Peoples Pact, Carbon Market Watch và Rivers Without Boundaries, đã đưa ra Bản tuyên bố nêu lên 10 lý do vì sao các các đập lớn không thể coi là một giải pháp chống biến đổi khí hậu. Ngoài các khoản đầu tư xây dựng đập khổng lồ, đập thủy điện còn tàn phá nặng nề các dòng sông và thải ra một lượng khí methane khổng lồ.
Theo Bản tuyên bố, có ít nhất 12 chính phủ sở hữu ngành thủy điện lớn đã đưa việc mở rộng sản xuất thuỷ điện vào các báo cáo về Dự kiến Đóng góp Quốc gia tự nguyện (INDCs), trong đó bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Nhật Bản, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Ecuador, Uganda và Ethiopia.
Đầu tư lớn, kế hoạch lớn
Trong nhiều thập kỷ, cộng đồng và các nhà hoạt động môi trường đã đặt câu hỏi về tính bền vững của những đập lớn. Tuy nhiên, ngày nay, những công trình lớn vẫn đang mọc lên trên khắp thế giới với hơn 3.700 đập thủy điện được xây dựng hoặc trong giai đoạn quy hoạch.
Theo báo cáo vào tháng 5/2015 của Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC), trong 10 năm qua, tổng công suất toàn cầu của các nhà máy thủy điện tăng 27%, tương đương trung bình 3%/năm. Cũng theo WEC, thủy điện cung cấp 76% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.
Nguồn vốn xây dựng đập được cung cấp bởi các ngân hàng phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Riêng ADB đã đầu tư tổng cộng 762,5 triệu USD vào các dự án thủy điện trong năm 2014.
Khoảng 45 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án thủy điện lớn trên toàn thế giới trong năm 2010. Theo các nhà phân tích, con số này có thể đạt tới 75 tỷ USD vào năm 2020.
Tại châu Á, các đập lớn đã mọc lên như những pháo đài trên toàn khu vực – từ cao nguyên Tây Tạng tới con sông Mê Công – với vốn đầu tư từ các ngân hàng Nhật Bản và Hàn Quốc, và gần đây là các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc và Đông Nam Á.
Trung Quốc, quốc gia xây đập lớn nhất đồng thời phát thải CO2 nhiều nhất thế giới, đang ngày càng dựa vào thủy điện thay vì than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Quốc gia này đang lên kế hoạch bổ sung thêm hơn 84 đập lớn dọc theo các con sông. Trong đó, dự án lớn nhất là đập Song Giang Khẩu với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, khởi công vào tháng 7 năm ngoái và dự kiến sẽ chiếm ngôi vị “Đập cao nhất thế giới” của đập Cẩm Bình 1 – cao 305m tại Tứ Xuyên (Trung Quốc). Song Giang Khẩu ước tính có thể cao tới 314m.
Điều tương tự đang xảy ra tại khu vực Himalaya thuộc Ấn Độ và Nepal, với 168 siêu dự án được đề xuất dọc theo thung lũng Brahmaputra. Quốc đảo Philippine cũng hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030, với dự kiến thủy điện đóng góp khoảng một phần ba tổng năng lượng.
Trên sông Mê Công, với tham vọng trở thành “cục pin của châu Á”, Lào dự kiến sẽ xây dựng hơn 60 nhà máy thủy điện nhằm cung cấp 7.000MW cho Thái Lan, 5.000MW cho Việt Nam và 1.500MW cho Campuchia vào năm 2020. Đến nay, khoảng 12 dự án lớn đã được lên kế hoạch.
Trong khi đó, Campuchia cũng đang đặt kỳ vọng 75% nhu cầu năng lượng quốc gia vào thủy điện cho đến năm 2030; con số này ở Myanmar là 98%.
Thế nhưng, với vốn đầu tư lớn, ngày càng nhiều các nghiên cứu đặt dấu hỏi về giá trị kinh tế của đập thủy điện. Một báo cáo công bố vào năm 2014 của Đại học Oxford khẳng định chi phí xây dựng thực tế của các đập lớn là quá cao để có thể mang lại kết quả tích cực. Theo nghiên cứu trên 245 đập lớn tại 65 quốc gia trong khoảng 1934-2007, xu hướng này không hề được cải thiện theo thời gian. Liệu rằng các chính phủ có đang bỏ qua bài học từ cả quá khứ và hiện tại ở những nơi mà kỳ vọng vào đập thủy điện đã không trở thành hiện thực?
Châu Á dễ tổn thương
San Roque, con đập lớn nhất Đông Nam Á, bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2003 với hứa hẹn cung cấp điện năng và nguồn nước tưới tiêu cho nhiều hecta đất nông nghiệp, đồng thời kiểm soát tình trạng lũ lụt thường xuyên vùng trung tâm Luzon tại Philippines trong nhiều thập kỷ. Nằm trên sông Agno, cách 216km về phía bắc Trung tâm Manila, “siêu công trình” này cao 200m, trữ lại 835 triệu m3 nước – tương đương với 334.000 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic.
Với tầm cỡ đó, Đập San Roque đã truyền năng lượng cho Luzon, đóng góp khoảng 1.000 GWh điện mỗi năm và nước tưới cho khoảng 21.000 ha đất nông nghiệp thuộc tỉnh Pangasinan. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, cộng đồng gần đó vẫn phải chịu cảnh ngập lụt mỗi khi gió mùa hoặc bão tràn về, phá hủy hàng ngàn hecta đất trồng, thậm chí cả nhà cửa và tính mạng con người. Riêng năm 2015, con đập đã phải xả nước khi mực nước chạm mốc nguy hiểm do những cơn bão lớn vào tháng 8 và tháng 10, làm ngập nhiều thị trấn và thành phố gần đó.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng dày đặc do biến đổi khí hậu khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Đó là do tự nhiên hay do hệ thống những công trình thiếu sót?
San Roque là công trình đập thứ ba được xây dựng trên sông Agno. Hai con đập khác là Ambuklao và Binga được xây dựng ở thượng nguồn vào những năm 1950, cũng đã không giữ được lời hứa kiểm soát lũ lụt trong khu vực.
Trong khi đó, dọc theo dòng Mê Công, hàng ngàn cộng đồng đã biểu tình trong nhiều năm về việc xây dựng các đập thủy điện ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Người dân cho rằng những con đập này đang đe dọa hệ sinh thái sông Mê Công, nguồn cung cấp lương thực, sinh kế và nước sinh hoạt chính của họ.
Theo bà Ame Trandem, Giám đốc chương trình khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, việc phát triển đập thủy điện đang làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Mê Công, gây ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng phụ thuộc vào con sông. Những thay đổi thủy văn trên sông Mê Công đã dẫn đến sụt giảm sản lượng cá, gia tăng xói lở bờ sông cũng như thay đổi nhiệt độ và chất lượng nước.
Hai con đập gây tranh cãi của Lào là Xayaburi và Don Sahong đã trở thành trung tâm của mối bất đồng xuyên biên giới giữa ba quốc gia Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Các nước này đã yêu cầu Lào tiến hành đánh giá tác động môi trường toàn diện bên ngoài biên giới của con đập trước khi tiến hành dự án.
Tiềm ẩn mối nguy phát thải khí nhà kính
Đến nay, phát thải khí nhà kính từ đập thủy điện vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi và chưa được giải quyết. Những người ủng hộ thủy điện cho rằng tua bin nhà máy thủy điện không phát thải khí nhà kính. Than mới là đối tượng gây ô nhiễm lớn nhất trong ngành năng lượng.
Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA, có trụ sở tại London, Anh) khẳng định đập lớn có khả năng lưu trữ năng lượng và do đó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định lưới điện, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió và mặt trời có xu hướng gián đoạn hơn.
Theo Báo cáo Tình trạng Thủy điện 2015 của IHA, chỉ cần xả nước được giữ trong đập, thủy điện có thể lập tức cung cấp năng lượng cho lưới điện nhằm bù lấp các khoảng gián đoạn của năng lượng tái tạo khác khi không có gió hoặc ánh mặt trời. Hiệp hội IHA cũng phản đối lại những chỉ trích các hồ chứa sản sinh ra khí methane quá mức bằng lập luận rằng lượng phát thải carbon tồn tại trước đó và từ các hoạt động khác của con người không liên quan đến đập không nên được tính toán trong quá trình đánh giá dấu chân carbon của một dự án thủy điện.
Thế nhưng, các nhà nghiên cứu sinh thái như GS. Philip Fearnside (Viện Instituto Nacional de Pesquisas da Amazônia ở Manaus,Brazil) lại không đồng tình với lập luận này. Ông cho rằng dấu chân carbon của đập thủy điện vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và tác động tới khí hậu của đập thủy điện vẫn chưa được tính đến. Theo ông, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã không kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính của các đập vùng nhiệt đới như Mê Công và Amazon, vốn thải ra nhiều khí methane hơn so với vùng ôn đới.
Nghiên cứu của GS Fearnside đăng tải trên Tạp chí Chính sách và Khoa học Môi trường giải thích rằng lượng khí phát thải thực sự không được phản ánh vì các yếu tố như tua bin, sự phân hủy của cây cối xung quanh hồ chứa và nồng độ khí methane bị đánh giá thấp trong các khu rừng nhiệt đới so với các vùng ít cây cối tại các khu vực cao hơn không được đưa vào tính toán.
Khí nhà kính từ các đập thủy điện sản sinh ra từ sự phân tầng nước trữ trong đập, khi tầng nước thiếu oxy hoặc ít oxy nằm ở dưới cùng hồ chứa gây phân hủy các chất hữu cơ khác, tạo ra khí methane và nổi lên mặt hồ chứa. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp tại đập Nam Theun 2 của Lào cũng đã xác nhận vào mùa khô khí methane phát thải gia tăng quanh con đập. Một nghiên cứu trước đó của các nhà nghiên cứu Singapore vào năm 2012 cũng cho thấy lượng khí nhà kính từ hồ chứa đã không được đánh giá đúng mức.
Cuối cùng, nghiên cứu kết luận, nếu các cam kết quốc gia giảm phát thải khí nhà kính không xem xét các tác động của thủy điện tại các nước nhiệt đới – nơi thủy điện đang bùng nổ, thì đàm phán UNFCCC sẽ không đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu xuống dưới ngưỡng tăng 20C.
Đập thủy điện có khi nào bền vững?
Các chiến dịch phản đối đập lớn trên thế giới từ những năm 1970 đã dẫn đến sự hình thành Ủy ban Thế giới về Đập (WCD) vào năm 1998 – cơ quan này đã thực hiện một đánh giá độc lập về các đập lớn nhất thế giới. Năm 2000, WCD đưa ra khung đề xuất mới, khẳng định các đập trước tiên phải được công chúng chấp nhận và tìm hiểu đầy đủ các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn nước.
IHA cũng đang cải tiến Quy trình Đánh giá Tính bền vững của Thủy điện, một công cụ tiêu chuẩn được đưa ra vào năm 2011 giúp các nhà phát triển đập kiểm tra tính bền vững của dự án.
Với vai trò một nhà đầu tư, ADB cũng đã tiến hành thẩm định các dự án thủy điện và bắt đầu đưa đánh giá rủi ro khí hậu vào các dự án mà ADB đầu tư từ năm 2014. Ông Nessim Ahmad, Phó tổng giám đốc Bộ phận Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững của ADB, cũng khẳng định tất cả các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm các đập thủy điện, đều phải tuân theo Tuyên bố Chính sách Bảo vệ (SPS) nhằm đảm bảo tính xã hội và bền vững với môi trường.
Được khởi động từ năm 2009, SPS giúp tiếp cận các tác động môi trường của các dự án, vấn đề tái định cư các cộng đồng bị ảnh hưởng và quyền lợi của người dân bản địa.
Vấn đề tái định cư là một trong những phần khó khăn nhất của dự án thủy điện và có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các cộng đồng nếu không được quản lý tốt. Theo ông Nessim, đề án tái định cư nên bồi thường theo hướng tối đa hóa phương pháp “đất đổi đất” hơn là dùng tiền mặt và cần đảm bảo cộng đồng có các lựa chọn sinh kế “không tệ hơn” so với trước khi có dự án.
Ông trích dẫn sự thành công của dự án thủy điện Sông Bung 4 tại Việt Nam do ADB tài trợ. Dự án đã tạo điều kiện để nhóm dân tộc thiểu số Cơ Tu tham gia ngay từ giai đoạn đầu trong quá trình phát triển dự án và đạt được sự đồng thuận cao từ phía cộng đồng. Dự án cũng phát triển Chương trình chia sẻ lợi ích và sinh kế, bao gồm chi trả cho dân làng để tuần tra và bảo vệ các khu rừng xung quanh khỏi nạn khai thác gỗ và săn bắt bất hợp pháp.
Tuy nhiên, điều này không phải luôn xảy ra. Đập San Roque chỉ là một trong nhiều đập ở Đông Nam Á gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho dòng sông và những người có sinh kế phụ thuộc vào con sông. Một đề xuất siêu dự án trị giá 238,6 triệu USD tại đảo Panay, Philippines đang đe dọa di dời 17.000 người dân Tumandoks bản địa, những người đang phản đối gay gắt hoạt động xây dựng.
Các nhà phát triển đập tại Philippines không hề thực hiện các công cụ kiểm toán công nghiệp và các biện pháp đo lường tính bền vững khác. Trong khi các tiêu chuẩn công nghiệp cao hơn có thể tồn tại ở tầm quốc tế, các công ty tại Philippine chỉ thực hiện theo yêu cầu pháp lý tối thiểu là Nguyên tắc Đồng thuận tự nguyện, báo trước và được thông tin đầy đủ (FPIC) và các yêu cầu về môi trường. Những quy trình này trên thực tế không hề được thực hiện một cách đảm bảo, nhờ đó, các công ty có thể nhanh chóng thông qua dự án và thu lợi nhuận trên những cái giá mà các cộng đồng phải trả.
Đánh giá tương lai
Các chuyên gia cho rằng các hiện tượng thời tiết khó dự đoán từ hạn hán cho đến lũ lụt sẽ gây ra nhiều rủi ro kinh tế và môi trường tới các dự án thủy điện. Những rủi ro này được ADB giải quyết thông qua một khung quản lý rủi ro khí hậu.
Dự án thủy điện Nikachu 118 MW tại Bhutan, được phê duyệt trong tháng 12/2014, là một ví dụ. Dự án tuân thủ Tuyên bố SPS, đồng thời các mô hình biến đổi khí hậu khác nhau cho thấy dòng nước sẽ được đảm bảo dài hạn trên lưu vực sông Nikachu.
Thế nhưng, nhiều con đập khác đang tồn lại mà không hề biết chắc về tương lai của mình. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các con đập và hồ chứa trên khắp châu Á. Trong nhiều đợt hạn hán, sản xuất năng lượng thường bị gián đoạn do nhiều đập thiếu nước để hoạt động hết công suất. Campuchia thậm chí phải xây dựng thêm một số nhà máy đốt than để bù đắp việc thiếu điện từ các đập trong mùa khô. Còn tại Nepal, các công ty thủy điện cũng phải chịu thiệt hại do mực nước thấp và các điều kiện thời tiết cực đoan. Tại các khu vực khác trên thế giới như California (Mỹ) và nhiều vùng trên lãnh thổ Brazil, thủy điện cũng đang bị đe dọa bởi hạn hán.
Xây dựng các đập lớn chỉ đơn giản là không hợp lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi mà việc duy trì hệ thống sông khỏe mạnh là chìa khóa để ứng phó biến đổi khí hậu, bởi đó là hệ thống tự nhiên tốt nhất có thể đối phó với sự gia tăng lũ lụt, hạn hán đồng thời lưu trữ, tinh lọc và phân phối nguồn nước.
Việc bảo vệ các con sông đã ăn sâu trong thế giới quan và thực tiễn của người dân địa phương. Các phương pháp bản địa nhằm quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững cần được tăng cường và sử dụng như những hình mẫu trong các hoạt động bảo vệ hành tinh. Đó mới chính là con đường giải quyết khủng hoảng khí hậu và môi trường.