Đà Nẵng gồng mình chống ô nhiễm – Bài 1

Bài 1: Xẻ núi, gọt đồi nham nhở

ThienNhien.Net – Những ngọn đồi xanh mướt từ bao đời bỗng bị cắt xẻ, bới móc để lại vết thương nham nhở. Tiếng nổ mìn, xe múc, xe tải ầm ĩ suốt ngày. Làng mạc chìm trong bụi đất, đường sá phải gồng mình gánh xe quá tải, ruộng đồng bị bồi đắp hoang hóa, nguồn nước bị ô nhiễm…Đó là những gì đang diễn ra một số nơi ở Đà Nẵng.220816_danang1

220816_danang2
Xẻ núi, gọt đồi nham nhở

Tan hoang phía Tây thành phố

Trên tuyến đường 14B từ Hòa Cầm về Túy Loan mịt mờ bụi đất, không khó để nhận ra những khoảng trắng nham nhở dọc dãy đồi xanh. Dọc đường tránh về phía hầm Hải Vân, nhiều quả đồi cũng bị bóc gọt lởm chởm. Thực trạng ấy cũng diễn ra ở các mỏ đá ở Phước Tường, Phước Thuận, Đại La, Đà Sơn… Ghi nhận của PV tại thôn Phước Thuận xã Hòa Nhơn H. Hòa Vang, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe ben chở đất đá chạy như mắc cửi. Tại hiện trường, những chiếc xe múc hối hả đào xới các vách đồi, xe ben chở đất vào ra tấp nập, khói bụi cuốn mù trời… Chủ tịch xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát nói, chỉ riêng thôn Phước Thuận đã có 6 DN khai thác đá, 3 DN khai thác đất. Các DN khi khai thác cam kết sẽ hoàn thổ môi trường, trồng cây, tạo cảnh quan để trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, gần đây mới chỉ có 1 DN là Vinaconex ngừng khai thác đá, tiến hành hoàn thổ theo yêu cầu qui định. Thôn Thạch Nham Đông- Hòa Nhơn từng là điểm “nóng” khai thác đất đồi nay đã bị đóng cửa, phục hồi môi trường, tuy nhiên quan sát của PV, hiện trạng vẫn chỉ là các quả đồi lởm chởm. Phó Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung đặt câu hỏi, trước đây khai thác đất đá DN cam kết hoàn thổ, thậm chí ký quĩ từ 500 triệu đồng trở lên, nhưng không biết hiệu quả hoàn thổ thế nào mà bây giờ nhiều chỗ vẫn lởm chởm. Đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng phải thốt lên rằng, khai thác đất hiện nay rất nóng.  Nhiều đơn vị khai thác không có trách nhiệm, làm chỉ vì lợi nhuận.

Giải thích tình trạng quả đồi nào cũng bị đào bới nham nhở, để lại “thương tích”, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết, DN khi có giấy phép khai thác trong khu vực thường chọn chỗ nào “ngon” làm trước còn chỗ nào “xương xẩu” vì đá cứng quá thì để lại. Điều đó dễ hiểu vì sao hiện trạng các quả đồi lởm chởm những mố đá, hố, hục. Hơn nữa, khi được cấp phép, để đỡ tốn chi phí vận chuyển, DN thường chọn nơi nào gần dự án san lấp sẽ múc trước, các dự án biến động, đồng nghĩa với các quả đồi nào gần dự án sẽ bị “cạo” trước.

Những quả đồi bị gọt, xẻ nham nhở.
Những quả đồi bị gọt, xẻ nham nhở.

Khó hoàn thổ

Luật qui định sau khi khai thác đất đá DN phải hoàn thổ, trả lại môi trường cảnh quan, tuy nhiên với thực trạng hiện nay, việc hoàn thổ không phải dễ. Đơn cử trên dãy núi Phước Tường, hiện trạng để lại là các hố sâu khổng lồ. Phần lớn DN khi bóc tách lớp đất vỏ (10-15 m), lớp đá phong hóa (10-12m) đều chở đi san lấp mặt bằng các dự án. Nay, sau khai thác đá, tạo thành những “hồ trên núi” rộng mênh mông, để hoàn thổ, trồng cây trả lại mặt bằng cần phải hàng triệu mét khối đất. Tính giá thị trường mỗi mét khối đất san lấp thấp nhất cũng 30 ngàn đồng, DN khó lòng bỏ ra chi phí để hoàn thổ. Để xảy ra thực trạng đó một phần cũng do “lỗ hổng” trong quản lý. Do một số DN trong quá trình khai thác đã xin giấy phép làm hồ nước trên núi để… dự trữ nước?!. Nếu ngay từ đầu, DN khai thác đến đâu, buộc phải hoàn thổ đến đó trước khi mở rộng ra khu vực khác thì không có hệ lụy như bây giờ.

Để “cột” DN sau khai thác phải hoàn thổ, Đà Nẵng buộc DN phải ký quĩ từ 500 triệu đồng trở lên trước khi cấp phép. Nếu DN thực hiện đúng cam kết, TP sẽ trả lại tiền ký quĩ này. Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN&MT Lê Quang Nam cho rằng số tiền ký quĩ rất thấp nên một số đơn vị khai thác xong bỏ luôn, bởi vì chi phí phục hồi môi trường cao hơn nhiều số tiền ký quĩ. Theo ông Nam, hiện Đà Nẵng có 37 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó tập trung nhiều nhất ở Hòa Vang với 16 giấy phép khai thác đá, 6 giấy phép khai thác đất đồi, 3 giấy phép khai thác đất sét, 1 giấy phép khai thác cát trắng. Ông Nam cũng thừa nhận việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đang là vấn đề nan giải. Hiện TP đã ban hành 6 quyết định đóng cửa mỏ, 15 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ phục hồi môi trường, song đến nay có 6 trường hợp chưa lập thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Để siết lại quản lý khoáng sản, đảm bảo môi trường sinh thái, ông Nam cho rằng giải pháp cần thiết lúc này là yêu cầu các địa phương chấm dứt cho phép cải tạo mặt bằng, cải tạo đất của các cá nhân khi TP chưa cho phép.