ThienNhien.Net – Khu vực kinh tế tư nhân là mắt xích quan trọng còn thiếu trong việc huy động các nguồn tài chính để bảo vệ rừng và thực hiện các mục tiêu khí hậu của Hiệp định Khí hậu Paris. Đó là khẳng định được đưa ra trong báo cáo “The Implications of the Paris Climate Agreement for Private Sector Roles in REDD+” (Tạm dịch: Mối liên hệ của Hiệp định Khí hậu Paris và vai trò của khối tư nhân trong tiến trình REDD+”) do Tổ chức Forest Trends công bố mới đây.
Nhóm nghiên cứu gồm hai tác giả Gustavo Silva-Chávez, Quản lý Chương trình quản lý REDD+ của Forest Trends và Peter Graham, chủ tịch nhóm đàm phán về REDD + của UNFCCC, đã phân tích và đưa ra một số khuyến nghị để các chính phủ có thể huy động hiệu quả dòng tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân cho bảo vệ rừng và thực hiện các mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris.
Theo nghiên cứu, chính phủ các quốc gia là thành phần chính tham gia UNECCC và ký kết Hiệp định Paris, tuy nhiên các thành phần ngoài chính phủ và khu vực tư nhân cũng đóng góp vai trò quan trọng, mang tính quyết định trong công cuộc giúp hạn chế biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Để thúc đẩy hành động của khu vực tư nhân tham gia vào kế hoạch hành động chống lại biến đổi khí hậu, chính phủ các quốc gia cần áp dụng đồng thời các chính sách khen thưởng và trừng phạt, khuyến khích và bắt buộc. Điều quan trọng là các chính phủ phải tạo ra một loạt các chính sách khuyến khích và thúc đẩy khối tư nhân có những hành động góp phần vào công cuộc ngăn chặn biến đổi khí hậu, dù đó là hành động mang tính tự nguyện hay để tuân thủ pháp luật.
“Các chính phủ cần áp dụng nguyên tắc “cây gậy” và “củ cà rốt”, song song ưu đãi và nghĩa vụ, để tạo ra một khung pháp lý đúng đắn để thu hút đầu tư của khối tư nhân vào bảo vệ rừng” – Ông Gustavo Silva-Chávez, đồng tác giả nghiên cứu nói.
Từ các bài học kinh nghiệm quan trọng trong quá trình thực hiện các thoả thuận quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu, nhóm tác giả nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất nhằm giúp chính phủ và khu vực tư nhân phối hợp hành động để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm:
1. Chính phủ và khu vực tư nhân phải chủ động phối hợp trong đánh giá tác động của Hiệp định Paris để phát triển và thực hiện các chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia về khí hậu (các đóng góp do quốc gia tự quyết định – NDCs).
2. Chính phủ cần thu thập và sử dụng kinh nghiệm, mối quan tâm của khu vực tư nhân về thị trường carbon trong các cuộc đàm phán khí hậu của Liên hợp quốc.
3. Xây dựng quan hệ đối tác nhà nước – tư nhân để thiết lập và tăng cường các điều kiện cần thiết có thể để thu hút nguồn vốn tư nhân.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Peter Graham nhận định: “Khi các chính phủ trên khắp thế giới đều thực hiện các chính sách và hoạt động cần thiết để đáp ứng những mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris, sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân, từ nông dân tới các công ty đầu tư, chú ý đến các rủi ro và cơ hội liên quan. Giảm phá rừng và cải thiện quản lý rừng là những ví dụ điển hình về cơ hội trước mắt để các chính phủ và công ty hợp tác nhằm giảm bớt nguồn phát thải, đồng thời hạn chế rủi ro, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.”