Dừng mọi cuộc họp không cần thiết để phòng, chống bão số 3

ThienNhien.Net – Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, các ngành phải chủ động quyết liệt phòng, chống bão số 3. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngoài các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, thì các tỉnh, thành phố phía trong như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải cảnh giác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương về công tác dự báo bão và chỉ đạo việc phòng, chống bão số 3 chiều 18.8.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương về công tác dự báo bão và chỉ đạo việc phòng, chống bão số 3 chiều 18.8.

Chiều 18.8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương về công tác dự báo bão và chỉ đạo việc phòng, chống bão số 3. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tháng triều cường, nước có thể dâng đến trên 4m, các đê có nguy cơ rất dễ vỡ và gây tác hại lớn. Do đó, cần có biện pháp ứng cứu đối với một số đoạn đê xung yếu. Nhấn mạnh bảo vệ tính mạng con người là mục tiêu vô cùng quan trọng khi thiên tai xảy ra, Thủ tướng yêu cầu, khi chưa xảy ra bão thì phải chỉ đạo sớm, giữ nhà cửa, cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập, mọi ngành, kể cả hàng không, đều phải có phương án ứng phó.

Trên tinh thần chỉ đạo thường xuyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã cử 3 Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo một số bộ trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo tại các địa phương trọng điểm mà Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo bão sẽ đổ bộ vào.

“Phải dự báo đến các ngành, người dân đây là bão lớn, giật cấp 12-14. Khi cần thiết phải di dời dân. Và cần thiết, từ ngày mai các cấp, các ngành dừng mọi cuộc họp không cần thiết để dành thời gian chỉ đạo bão số 3. Tất cả các địa phương sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu, nguy hiểm. Vì tôi đã tới các điểm đê xung yếu và thấy nếu tiếp tục chảy xiết thì sẽ vỡ luôn” – Thủ tướng cảnh báo và nhấn mạnh “không được chủ quan đối với bão số 3”.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1478/CĐ-TTg yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2016.

Đề phòng diễn biến phức tạp

Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, đây là cơn bão khó lường, có nhiều khác biệt với bão số 1 vừa qua, hoàn lưu bão rộng trên 200km nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Dự báo khi vào bờ, lốc xoáy bão số 3 sẽ ít hơn bão số 1 nhưng gió giật mạnh hơn, ở cấp 12-14.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, từ sáng nay, 19.8, khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14. Các nơi khác thuộc phía Đông Bắc Bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Vùng ven biển từ nam Quảng Ninh – Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Do ảnh hưởng của bão, trong 2 ngày từ 19-20.8, khu vực các tỉnh vùng Đồng bằng, Trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi 500mm.

Vẫn còn 3.000 tàu thuyền chưa vào nơi trú tránh

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung cho công tác chống bão lũ, cụ thể: Bộ NNPTNT chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương kiểm đếm lại tàu thuyền trên biển, nhất là ở các vùng nguy hiểm. Hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, không để bất kể tàu thuyền nào có mặt trên khu vực có bão. Chỉ đạo các địa phương triển khai bảo đảm an toàn cho hệ thống đê biển, đê sông, có biện pháp cấp bách xử lý an toàn đê biển ở nơi xung yếu. Vận hành an toàn các hồ đập, nhất là các đập đất. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng kiểm tra, không để xảy ra các sự cố hồ đập.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đã kêu gọi được trên 36.000 tàu thuyền, tuy nhiên vẫn còn hơn 3.000 tàu thuyền chưa vào nơi trú tránh an toàn. Ông Trần Quang Hoài – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) – yêu cầu các địa phương cần phải kiểm đếm tàu thuyền quyết liệt, rút kinh nghiệm bão số 1 vừa qua vẫn còn hơn 1.300 thuyền nhỏ bị đánh chìm. Ngoài ra yêu cầu các địa phương vùng núi cần đặc biệt nghiêm cấm người dân địa phương ra sông, suối, vớt củi tránh bị lũ quét gây thiệt hại về người.

Ba Phó Thủ tướng đi chống bão số 3: Theo tin Chính phủ, 3 Phó Thủ tướng vào chiều tối 18.8 đã chia nhau đến Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, Thanh Hóa để chỉ đạo chống bão. Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo một số bộ trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo tại các địa phương dự báo bão sẽ đổ bộ vào. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi Nam Định và Thái Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi Ninh Bình và Thanh Hóa.  T.C.A
Hà Nội: Ban hành công điện khẩn đối phó cơn bão số 3

Trận mưa tối 18.8 đã làm nhiều tuyến phố thủ đô Hà Nội ngập nặng.
Trận mưa tối 18.8 đã làm nhiều tuyến phố thủ đô Hà Nội ngập nặng.

Ngày 18.8, UBND TP.Hà Nội ban hành Công điện khẩn số 06/CĐ-UBND yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động phòng, chống có hiệu quả với diễn biến bất lợi của mưa, bão, lũ trên địa bàn do cơn bão số 3. Vào 19h ngày 18.8, Hà Nội bắt đầu mưa lớn trên diện rộng, nhiều con đường bắt đầu xuất hiện ngập khiến nhiều phương tiện di chuyển khó khăn. Tình trạng mưa to không chỉ khiến nước ngập tại các tuyến đường, mà gió mạnh đã làm nhiều cây xanh đổ bật gốc, nhiều cành cây bị gãy. Đơn cử, như trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, vào hồi 20h tối 18.8 PV đã ghi nhận được nhiều cây bật gốc đổ và gãy cành. Trong đó, một cây cạnh bến xe buýt gần Học viện Hành chính Quốc gia đã đổ bật gốc đè lên mái của nhà chờ xe buýt. K.K -C.NGUYÊN – T.AN

Chuyển 1.500 rọ thép đến Nam Định để chắn sóng

Ông Văn Phú Chính – Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực – Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – cho biết: Hiện tại 100% tàu thuyền đánh cá và tàu thuyền du lịch với 3.054 phương tiện với 15.090 người đã được thông báo về cơn bão Thần Sét đang quay về đất liền và tìm nơi tránh bão. Có 30.410 phương tiện neo đậu tại bến 857 lồng bè, lều chòi/3.558 người tại các tỉnh từ Quảng Ninh – Ninh Bình đã sẵn sàng ứng phó với bão, bảo vệ tính mạng và tài sản. Ngày 18.8.2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Lệnh số 01/TWPCTT điều động 1.500 rọ thép chuyển đến Nam Định để chắn sóng, phòng lũ lụt. K.V

Quảng Ninh: Dự kiến bão về đúng lúc thủy triều lên cao

Dự báo, từ chiều 19.8, bão số 3 sẽ đổ bộ trực tiếp Quảng Ninh. Trong thời gian bão đổ bộ, thủy triều ở các địa phương ở mức cao (từ 3-3,7m). Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, gia cố lại các đoạn đê xung yếu trên địa bàn, tổ chức trực ban, trực canh tại các vị trí xung yếu, chủ động tiêu thoát nước đệm; sẵn sàng phương án di dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn triển khai phương án đã hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu xảy ra. Tại Hải Phòng, ở khu vực nội thành, từ chiều tối 18.8, mưa lớn diễn ra trên diện rộng gây ngập úng nhiều tuyến phố, gây khó khăn cho việc đi lại cho người dân. N.HÙNG – V.CHINH

4.000 tàu thuyền đang hoạt động đã vào nơi trú tránh

Vào 8h ngày 18.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An ký công điện khẩn, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3. Công điện yêu cầu bằng mọi biện pháp kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn, neo đậu tàu thuyền trong các khu tránh trú bão, cấm tàu thuyền ra khơi. Sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng nguy hiểm; canh gác, cắm biển cảnh báo, chốt giữ các điểm xung yếu, bảo đảm an toàn giao thông. Được biết, đến chiều 18.8, 100% tàu thuyền của Nghệ An (khoảng 4.000 chiếc) đang hoạt động đã vào nơi trú tránh, các phương tiện khác được chằng, neo buộc. Tàu thuyền của các tỉnh khác cũng đã vào các cảng Nghệ An để trú bão. Q.ĐẠI 

Nguồn: