ThienNhien.Net – Không chỉ gây ô nhiễm không khí, mà theo người dân xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, nhà máy xi măng Thăng Long còn đang gây ô nhiễm nghiêm trọng tới nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của dân. Những vấn đề này liên tục được cử tri phản ánh ở các cuộc tiếp xúc cử tri, các kỳ họp của HĐND xã và huyện, tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện, thậm chí không một lời hồi đáp cử tri.
Dùng nước ô nhiễm xi măng
Bao đời nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân ở thôn Đất Đỏ, thôn Chợ… , xã Thống Nhất là nước mưa và nước giếng.
Tuy nhiên, kể từ khi nhà máy xi măng Hạ Long đi vào hoạt động (năm 2010), những nguồn nước này bị ô nhiễm nặng do bụi từ nhà máy xi măng bên cạnh.
Cụ Lương Khôi Bút, thôn Đất Đỏ, cho biết, bụi từ nhà máy nhiều khi đặc quánh, bám nhiều lớp trên cây cối, mái nhà…, khiến nguồn nước mưa cũng bị ô nhiễm nặng.
Theo ông Nguyễn Văn Tý – trưởng thôn Đất Đỏ – việc các nguồn nước bị ô nhiễm là có căn cứ, dựa trên kết quả kiểm định của một cty chuyên ngành, được người dân mời về giúp và bản thân cty này cũng khuyến cao người dân từ bỏ các nguồn nước trên.
Tuy nhiên, nước máy chưa có, vì thế, các hộ dân vẫn liều dùng nguồn nước mưa, dù biết nước đã nhiễm độc, bởi mái nhà nào cũng phủ tầng tầng, lớp lớp bụi xi măng, clinker.
Để giảm thiểu ô nhiễm, mỗi hộ dân mua một máy lọc nước, nhưng dù đã qua bể lắng, nước qua máy lọc vẫn đục ngàu và bộ lọc hai, ba ngày lại phải xúc rửa hoặc thay bởi bụi bẩn dính đầy.
Theo các hộ dân, bình thường việc sản xuất xi măng, clinker của nhà máy này đã gây ô nhiễm, không kể những lần xả thải vô tội vạ, mà lần nào cũng được người dân chụp ảnh, quay video clip để làm bằng chứng.
Lần xả thải kinh hoàng nhất là vào sáng 24.7.2016, khiến bụi bay mịt mù trên vịnh Cửa Lục.
“Trước khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhà máy đã xả thải khoảng 20 ngày trước đó. Nếu như báo chí không vào cuộc sáng 24.7 thì không biết còn xả thải đến bao giờ” – ông Tý bức xúc.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi các cơ quan liên quan, lãnh đạo nhà máy giải thích vụ sáng 24.7 là do sập lồng túi lọc bụi, và tất cả các sự cố trước đây đều do điều kiện khách quan, như: sự cố, nạp nhiên liệu hoặc mất điện, dù rằng nhà máy có đường điện độc lập.
Cụ Bút cho biết, vì ô nhiễm bụi và tiếng ồn, các con cụ đã phải xây thêm một phòng kín để cụ ở. “Bụi vẫn kinh khủng lắm, còn tiếng ồn có giảm do tôi ngày một… nặng tai” – cụ Bút chua xót.
Kinh hoàng từ bãi clinker
Không chỉ khói, bụi tấn công các hộ dân, mà gần đây, theo người dân, bãi clinker (có thể clinker bị hỏng) trong khuôn viên nhà máy do không được che chắn đang đe dọa nghiêm trọng tới hệ thống kênh mương tưới tiêu.
Để minh chứng cho điều này, các hộ dân ở đây dẫn chúng tôi ra một khu vực thoát nước của nhà máy nằm trên cánh đồng thôn Đất Đỏ. Bên trong bức tường của nhà máy là những đống clinker đã tồn tại từ nhiều năm qua.
Từ bãi clinker đó, một con mương nhỏ nước đục mờ chạy thẳng ra khu vực thoát nước trên, gồm 3 cửa, rồi đổ thẳng cao hệ thống kênh mương tiêu tiêu của người dân. Tại đây, qua thời gian, đang kết tụ một loại chất lỏng màu vàng trắng lẫn lộn, đặc sệt, mà theo người dân, là do chất thải từ bãi clinker. Ngay cạnh đó, những đám cỏ đang chết cháy dần.
Người dân đã phải ngăn các ao hồ gần đó, không cho thông nước với hệ thống kênh mương để phòng nước ô nhiễm độc. Điều đáng ngại, hệ thống kênh này thông với nước vịnh Hạ Long cách đó không xa.
Ông Tý cho biết, tại bất kỳ cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND xã, huyện nào, vấn đề nhà máy xi măng Hạ Long gây ô nhiễm cũng được đưa ra, tuy nhiên tình hình mỗi ngày trầm trọng hơn; thậm chí chẳng ai thèm trả lời ý kiến cử tri.
Ông Trần Đình Giang – Chủ tịch UBND xã Thống Nhất – thừa nhận nhà máy xi măng có gây ô nhiễm, nhưng ở mức nào thì chỉ cơ quan chức năng mới rõ. “Cử tri có nhiều lần phản ánh tình trạng này, chúng tôi cũng chỉ biết chuyển ý kiến lên trên vì xã không thẩm định được. Tuy nhiên, không biết người dân có nhận được câu trả lời của các cơ quan chức năng không, còn xã thì không” – ông Giang nói.