ThienNhien.Net – Nghề sản xuất tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do vậy Sở Khoa học&Công nghệ (KH&CN) Hà Nội cùng chính quyền địa phương và các hộ đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ sản xuất mới. Trong đó, công nghệ sấy nguyên liệu bằng hơi nước đã giúp giảm đáng kể tác động tới môi trường từ việc sản xuất tăm hương.
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Với 20 làng nghề, trong đó có 7 làng nghề sản xuất tăm hương xuất khẩu, huyện Ứng Hòa không những có điều kiện giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn, mà còn có nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Riêng tại xã Quảng Phú Cầu, có 6 thôn được công nhận làng nghề, với hơn 1.000 cơ sở sản xuất. Trung bình mỗi ngày các làng nghề tiêu thụ từ 300 đến 500 tấn nứa, vầu tươi cho việc sản xuất tăm hương.
Cùng với sự phát triển của các làng nghề làm tăm hương, mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Quảng Phú Cầu cũng đã ở mức báo động. Trung bình mỗi ngày, các xưởng sản xuất tăm hương thải ra hàng chục tấn mùn nứa, vầu. Nếu như trước đây, những chất thải này được bán để tái sử dụng, làm vật liệu đun bếp, đốt lò thì nay do người dân không sử dụng làm chất đốt nên xả bừa bãi ra môi trường. Lượng rác thải lên tới hơn 70 tấn/ngày đêm khiến các dòng kênh tắc nghẽn, các bãi rác quá tải. Nhiều người xử lý bằng cách đốt mùn, gây ô nhiễm môi trường không khí…
Để giải quyết lượng rác thải khổng lồ từ nghề sản xuất tăm hương và các làng nghề khác, huyện Ứng Hòa đã giao cho một doanh nghiệp xây dựng và triển khai dự án “Xây dựng lò đốt rác thải làng nghề” với công suất 5 tấn/ngày. Ngoài ra, để giảm lượng rác thải sinh hoạt, huyện cũng đã giao cho doanh nghiệp triển khai dự án “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt và tái chế tạo sản phẩm phụ” có công suất 200 tấn/ngày tại xã Đông Lỗ. Đồng thời, để hạn chế căn bản hiện tượng ô nhiễm không khí cũng như giảm lượng rác thải, huyện Ứng Hòa đã áp dụng mô hình lò sấy bằng công nghệ hơi nước cho các hộ làm nghề chẻ tăm hương.
Hiệu quả, lại giảm ô nhiễm
Lâu nay, người dân ở xã Quảng Phú Cầu vẫn dùng lò sấy hơi đốt để sấy nguyên liệu nứa, vầu. Loại lò sấy truyền thống này có một số hạn chế như: Có nhiều nguy cơ cháy nổ trong quá trình sấy, tiêu tốn nhiều thời gian và nguyên liệu đốt lò. Từ năm 2013, huyện Ứng Hòa đã được Sở KH&CN triển khai nghiên cứu và chuyển giao đề tài: “Lò sấy nguyên liệu công nghệ cao bằng hơi nước”. Nguyên lý hoạt động cơ bản của lò này là sử dụng chính mùn cưa thải từ công đoạn cắt tre, nứa, vầu để làm nhiên liệu đun nóng nước trong nồi hơi. Không khí nóng được cấp cho lò sấy thông qua hệ thống đường ống dẫn hơi nước và dàn tản nhiệt. Buồng sấy sử dụng quạt gió công suất lớn có thể đổi chiều quay, tạo ra sự khô thoáng, giúp nguyên liệu khô đều. Khói bụi trong quá trình đốt nhiên liệu được thu gom qua hệ thống khử bụi, lọc nước, giảm đáng kể hiện tượng ô nhiễm môi trường. Nguyên liệu sấy có thể bao gồm các loại tre, nứa, vầu, gỗ…, với công suất sấy ban đầu khoảng 10 tấn/mẻ. Loại lò này đã khắc phục được một số hạn chế của lò sấy bằng hơi đốt như: Giảm nguy cơ cháy nổ trong quá trình sấy, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường làng nghề; nguyên liệu vầu, nứa sau khi sấy có thể đưa vào sản xuất ngay.
Theo ông Lê Văn Soái, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, sau khi mô hình lò sấy vầu, nứa công nghệ cao được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, đã có hơn 20 cơ sở sản xuất tăm hương đăng ký với UBND xã Quảng Phú Cầu và đề nghị được Sở KH&CN hỗ trợ triển khai xây dựng lò sấy theo mô hình do Sở nghiên cứu, chế tạo. Được sự hỗ trợ về mặt bằng của huyện Ứng Hòa và xã Quảng Phú Cầu, Sở KH&CN Hà Nội đã triển khai xây dựng 2 lò sấy từ mô hình nói trên với công suất 30 tấn/mẻ/lò. Hiện dự án đã hoàn thành, 2 lò sấy đã đi vào hoạt động, được cải tiến để giảm thời gian sấy từ 72 giờ xuống còn 60 giờ, giảm 40% nguyên liệu đốt lò. Người vận hành lò sấy có thể chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm thích hợp trong quá trình sấy. Công nghệ mới giúp tăng hiệu quả kinh tế từ lò sấy hơi nước so với lò sấy thủ công khoảng 4 triệu đồng/mẻ. Ngoài ra, sản phẩm có hình thức đẹp và chất lượng cao hơn so với sấy trong lò hơi đốt. Riêng về nhiên liệu đốt lò, ước tính lò sấy công nghệ mới đã giúp tiết kiệm khoảng 1,2 triệu đồng/lò. Sau khi sấy, nguyên liệu có thể được đưa vào sản xuất ngay trong khi với lò thủ công cần thời gian chờ là 15-20 ngày.
Những ưu điểm của lò sấy hơi nước với môi trường đã được khẳng định, song chi phí xây dựng loại lò này rất lớn (khoảng 400 triệu đồng), nên chưa được nhân rộng. Vì vậy, UBND huyện Ứng Hòa đề xuất với Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng loại hình lò sấy hơi nước, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăm hương trên địa bàn.