Phát triển công nghiệp không thể “ngó lơ” môi trường

ThienNhien.Net – Phát triển là xu thế tất yếu, đất nước nào không chịu tiến lên bánh xe lịch sử sẽ cán qua và tiếp tục tụt hậu. Nhưng phát triển không có nghĩa là tàn phá nguồn lực này để xây dựng nguồn lực kia. Những gì diễn ra ở Việt Nam thời gian qua cho thấy công nghiệp hóa đã tàn phá môi trường khủng khiếp, yêu cầu cấp bách về sự phát triển đã đặt môi trường trước những sự chọn lựa sống còn!…

Báo động đỏ ô nhiễm môi trường

Phát biểu gây sốc của người đại diện Formosa ông Chu Xuân Phàm “chọn cá hay thép” không đơn thuần chỉ là chuyện của “cá” và “thép” mà đó là bài toán cần phải giải giữa một bên là “kinh tế” một bên là “nhân sinh”. Mục đích của phát triển kinh tế là phục vụ nhân sinh, nếu như tàn phá nhân sinh để phát triển kinh tế thì sự phát triển ấy hoàn toàn vô nghĩa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự kiện Formosa đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng tàn phá môi trường, không ai có thể phủ nhận lợi ích trước mắt của dự án có số vốn đăng ký lớn nhất từ trước đến nay vào Việt Nam làm thay đổi bộ mặt tỉnh Hà Tĩnh và lâu dài sẽ là khu vực Trung bộ vốn rất khó khăn. Nhưng cái “trước mắt” quan trọng nhất là nhân dân chưa được lợi ích gì từ dự án này thì nó đã gây thảm họa. Formosa đã đền bù nhưng môi trường biển phải mất 50 đến 70 năm mới phục hồi và sinh kế của hàng triệu người dân đã bị đánh cắp.

Cơ quan chức trách đã cam kết nếu Formosa tái phạm sẽ đóng cửa nhưng chẳng ai có thể chắc chắn rồi đây Formosa sẽ “ngoan ngoãn” như đã hứa. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào hồ sơ “đen” về môi trường của tập đoàn này ở nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, đây là doanh nghiệp thuộc khu vực FDI, mỗi khi khai thác hết nguồn tài nguyên và ưu đãi chính sách họ sẽ “quất ngựa truy phong” đến lúc đó người “dọn dẹp” các hệ lụy môi trường không ai khác ngoài nhân dân, không biết ở Việt Nam đã có ai nghiên cứu tính toán về chi phí phát sinh tiềm ẩn này hay chưa?

Bài học của Trung Quốc vẫn còn nhãn tiền, hệ quả của mấy thập kỷ tăng trưởng “nóng” khiến họ giờ đây phải gồng mình xử lý những hậu quả môi trường, ảnh bản đồ nước này chụp từ vệ tinh cho thấy một vùng “trắng” rộng hàng triệu km2…Cũng chính vì thế mà Trung Quốc đang có xu hướng đầu tư những ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao vào nước khác trong đó có Việt Nam. Tại sao họ đóng cửa hàng ngàn nhà máy sản xuất Alumin và cấm sản xuất nhôm từ chiết xuất Boxit ở nước họ nhưng lại đầu tư mạnh vào Nhân Cơ, Tân Rai!?

Sự cố vỡ đường ống dẫn kiềm mới đây tại nhà máy Alumin Nhân Cơ – Đắc Nông như là “khúc dạo đầu” báo hiệu cho những biến cố có thể xảy ra trong tương lai. Thời gian vừa qua cũng chứng kiến hiện tượng cá chết bất thường xảy ra khắp nơi từ Bắc chí Nam, nhiều dòng sông, dòng kênh “chết” tức tưởi vì nước thải từ công nghiệp.

Ở vùng Đông Nam bộ, nơi có mật độ các khu công nghiệp cao, nhưng tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp.

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên Môi trường, có khoảng 70% trong tổng số hơn một triệu mét khối nước thải ngày, đêm phát sinh từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.

Việt Nam, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên. Các làng nghề được phân bố rộng khắp cả nước, trong đó các khu vực tập trung phát triển nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

Hầu hết các làng nghề đều không có khái niệm “xử lý chất thải” sản sinh trong quá trình sản xuất. Hoạt động gây ô nhiễm môi trường sinh thái tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khoẻ của những người dân làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở vùng lân cận, gây phản ứng quyết liệt của bộ phận dân cư này, làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt.

Ở nhiều vùng miền trong cả nước xung quanh các làng nghề, khu công nghiệp đã xuất hiện những ngôi làng ung thư, điển hình như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh… Hậu quả về môi trường do các hoạt động sản xuất làng nghề đưa lại cũng ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than, lượng bụi và khí CO, CO2, SO2… thải ra trong quá trình sản xuất khá cao.

Cần giải pháp mạnh tay

Công nghiệp hóa hiện đại hóa là nhu cầu cấp bách không thể trì hoãn nhưng không phải vì vậy mà gật đầu với tất cả dự án đầu tư vào Việt Nam, phải biết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao như tỉnh Khánh Hòa đã từng từ chối siêu dự án thép nhiều tỷ đô la.

Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, xử lý các nguồn chất thải tại các khu công nghiệp cũng như cụm khu công nghiệp. Hơn nữa, việc xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, cũng như kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấp hoạt động theo quy định của pháp luật.

“Thực chất hóa” hoạt động đánh giá môi trường trước mỗi dự án, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

Chính phủ cần có hướng quy hoạch lại mạng lưới công nghiệp trên cả nước, tránh tình trạng tỉnh nào cũng ồ ạt chạy theo công nghiệp như một trào lưu, công nghiệp hóa không có nghĩa là địa phương nào cũng sản xuất công nghiệp, tức là ưu tiên hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, thắt chặt các dự án công nghiệp nặng.

Thà chậm phát triển còn hơn phát triển nhưng tàn phá môi trường, chúng ta chưa có điều kiện khai thác thì để dành cho con cháu chúng ta khai thác, thà nghèo chứ không cần giàu mà mắc đủ các bệnh nan y…dự trữ cho tương lai không phải chỉ có vàng, ngoại tệ, của cải vật chất mà quan trọng hơn là môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên.

Ths Trương Khắc Trà

Nguồn: